'Thần đèn' di dời ngôi chánh điện chùa Diệu Đế hơn 1.000 tấn tại Huế

Những ngày này, dư luận tỉnh Thừa Thiên Huế rất quan tâm đến câu chuyện thần đèn Nguyễn Văn Cư di dời ngôi chánh điện hơn 1.000 tấn tại Quốc tự Diệu Đế, cố đô Huế. Thay vì hạ giải, ngôi điện được dời lui vị trí cũ không xa, bảo tồn được bức tranh quý Long vân khế hội cực kỳ giá trị tại ngôi chùa danh tiếng bậc nhất xứ Huế này.

Hơn 3 tháng qua, thần đèn Nguyễn Văn Cư cùng hơn 10 công nhân tập trung tại công trường di dời Đại Hùng bảo điện của chùa Diệu Đế. Để giữ nguyên hiện trạng của ngôi điện hơn 70 năm tuổi này, đơn vị đã đào sâu xuống phần móng, đổ hệ đà bằng bê tông, kết nối với sắt thép, sử dụng hệ thống ván gỗ và con lăn trước khi dùng ben chịu lực để kéo. Đến thời điểm này, đã dịch chuyển ngôi điện được hơn 7m so với vị trí ban đầu. Quá trình khảo sát cũng như triển khai trên nguyên tắc đảm bảo nguyên trạng của công trình, dịch chuyển cách vị trí cũ 18m và nâng cao lên 5cm.

Ông NGUYỄN VĂN CƯ - TP Hồ Chí Minh: “Bây giờ phải gia cố các điểm có hiện tượng rạn nứt. Sáng nay, chiều nay còn dừng mai thì tiếp tục kéo. Theo như tiến độ cũng nằm trong dự kiến, tệ lắm là xong trong vòng 12 ngày.”

Diệu Đế - ngôi quốc tự hàng trăm năm tuổi, từng là nơi sinh của vua Thiệu Trị, nay là nơi tổ chức các lễ hội Phật giáo lớn của Huế. Năm 2018, Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng chánh điện mới với tổng kinh phí 32 tỷ đồng nhưng để bảo vệ bức tranh quý Long vân Khế hội, ngôi chánh điện đã được giữ lại đến hôm nay.

Ông NGUYỄN VĂN TRÍ – Tỉnh Thừa Thiên Huế:“Chú nghĩ là ở đây là bảo tồn rất ý nghĩa. Nếu như chú nằm trong công việc làm này chú cũng bảo tồn. Hỏi chú bảo tồn không thì chú trả lời phải bảo tồn. Vì cái này sẽ không bao giờ có hết.”

Đại đức THÍCH HẢI ĐỨC – Tăng chúng chùa Diệu Đế, tỉnh Thừa Thiên Huế: “Chúng tôi cũng rất mong sự đồng thuận hoan hỷ rồi quan tâm nhiều hơn nữa những giá trị lịch sử như thế này. Đừng để lãng quên khi quá muộn, khó phục hồi sau này.”

Câu chuyện di dời ngôi chánh điện ở chùa Diệu Đế đang cho thấy cách ứng xử đúng với di sản và những giá trị truyền thống, nhất là ở một thành phố di sản nhưu cố đô Huế. Đối với cá nhân thần đèn Nguyễn Văn Cư, sự kiện này cũng là hành trang để ông tiếp tục di dời các công trình khác, trong đó công trình biệt thự Pháp ở số 26 Lê Lợi Huế mà dư luận đang rất quan tâm..

Thực hiện : Tiểu Bảo

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/than-den-di-doi-ngoi-chanh-dien-chua-dieu-de-hon-1000-tan-tai-hue