'Than đỏ dưới tro tàn' của Đỗ Bích Thúy

Sáng tạo trong hình thái kể chuyện, tập tản văn mới của Đỗ Bích Thúy - 'Than đỏ dưới tro tàn' - sau cùng cũng vẫn về nguồn, về lại miền núi rừng quen thuộc của tác giả.

Than đỏ dưới tro tàn là cuốn tản văn thứ năm của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Chia sẻ tại buổi giao lưu ra mắt sách chiều 13/4, Hà Nội, nữ sĩ cho biết với tác phẩm này, bà chịu một áp lực viết sao cho bạn đọc cũ vẫn nhận ra chất Đỗ Bích Thúy, đồng thời vẫn tìm ra cái mới mẻ. Vì vậy, bà quyết định thử nghiệm métaphysique vào sáng tác. Đó là những cái "vô lý", những cái "siêu hình" đặc biệt, theo lời họa sĩ Lê Thiết Cương.

Họa sĩ Lê Thiết Cương nói: "Nghệ thuật phải có hư ảo, vô lý, phi lý, siêu hình kiểu như 'niềm vui nước biển', 'cầm trong tay cái thuyền'".

Tập tản văn được xem như phần tiếp nối cuốn Tôi đã trở về trên núi cao của nhà văn này được phát hành năm 2018. Sau 22 tác phẩm, ngòi bút của Đỗ Bích Thúy đã đạt đến độ chín nhất định, đủ để nữ nhà văn mạnh dạn thử nghiệm trong cấu trúc, hình thái con chữ.

Kết hợp những yếu tố siêu hình, siêu tưởng vào tác phẩm, Than đỏ dưới tro tàn mang đến một trải nghiệm đọc mới lạ, nhiều bất ngờ. Áp lực sáng tạo của một nhà văn đã thúc đẩy Đỗ Bích Thúy thử nghiệm, khai phá để viết đằm sâu hơn, day dứt và nhiều suy niệm hơn.

Nhà văn cho rằng tản văn là thể loại mà bà càng viết càng thấy khó, thấy mất sức. Sau khi viết xong cuốn tản văn này, nhà văn cảm thấy những gì đã làm được chưa thấm vào đâu và bà bắt đầu dấn thân vào một chặng đường sáng tác còn khó khăn hơn.

Sách tản văn Than đỏ dưới tro tàn. Ảnh: LV.

Vừa mới và vừa cũ, cái cũ kỹ - quen thuộc mà Đỗ Bích Thúy cứ quay đi quay lại chính là chốn rừng núi. Dòng tản văn của nữ nhà văn này dù có đi đến đâu, sau cùng cũng xuôi về nguồn.

Chia sẻ tại buổi giao lưu, tác giả Than đỏ dưỡi tro tàn nói rằng bà cảm thấy thân thuộc nhất mỗi khi viết về rừng núi. Do vậy, tựa một thôi thúc ngầm, ngòi bút của bà được vô thức dẫn dắt về vùng đất nơi bà sinh ra.

Đề tài về miền núi, về dân tộc thiểu số có thể nói là đề tài "ruột" của Đỗ Bích Thúy, tạo nên thương hiệu cho Đỗ Bích Thúy. Mặc dù đã chuyển đến sống tại Hà Nội được hơn 20 năm, ngòi bút của bà vẫn luôn hướng về miền đất quê nhà. Bà cho rằng càng rời xa lâu thì tình yêu miền núi càng da diết, mãnh liệt.

Bà nói: "Tôi sẽ không thành nhà văn, không thành một tác giả ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc được như ngày hôm nay nếu không viết về miền núi".

Những câu chuyện Đỗ Bích Thúy kể luôn giản dị, gắn với những ký ức trong trẻo nơi thung lũng chất phác. Và những câu chuyện cứ nhẹ nhàng ngấm, để độc giả càng đọc, càng tìm thấy độ sâu trong đó.

Thấm đẫm trong dòng tản văn Than đỏ dưới tro tàn là một nỗi nhớ, nỗi khao khát được quay về. Bằng cách luôn liên hệ với nơi thân thuộc, ấm áp với trái tim mình, Đỗ Bích Thúy cũng đưa độc giả chạm đến những cung bậc cảm xúc chân thật, tinh tế, tựa như than đỏ luôn ấm nóng, luôn có cơ hội để làm bùng lên một ngọn lửa.

Lê Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/than-do-duoi-tro-tan-cua-do-bich-thuy-post1421632.html