Thần đồng âm nhạc Vũ An tiết lộ điều chưa kể về bố

Trong tập hai của chương trình Thần đồng âm nhạcWonderkids được phát sóng vừa qua, cậu bé Vũ An đã thể hiện xuất sắc tiết mục đàn violon điêu luyện. Thầy dạy violon kèm cặp Vũ An suốt cuộc thi cũng chính là bố của bé.

Tiết mục đánh đàn violon điêu luyện của Vũ An cùng bố mình.

Trước cơn mưa lời khen từ ban giám khảo dành cho phần trình diễn “như bước vào một cuộc dạo chơi” và “tạo được sự đắm say trong không gian âm nhạc” của Vũ An, MC Ái Phương đã đùa rằng “vài năm nữa cậu bé này sẽ vừa đánh violon vừa đá lông nheo được luôn”. Thật ra là không phải đợi đến vài năm nữa mà ngay từ bây giờ, “hiệp sĩ vĩ cầm” luôn giữ phong thái đĩnh đạc, thong dong của một nghệ sĩ dù vẫn rất hồn nhiên.

Tự tin vì có chỗ dựa vững chắc

Mỗi thí sinh tham gia chương trình Thần đồng âm nhạc - Wonderkids có một giảng viên kèm cặp riêng suốt cuộc thi. Đồng hành cùng Vũ An là giảng viên violon Đình Bình, cũng chính là bố của em.

Vũ An học violon với bố từ năm 9 tuổi, đến 10 tuổi em thi vào Nhạc viện và hiện đang học năm thứ hai hệ trung cấp 9 năm. Tại Nhạc viện, thầy dạy em vẫn là bố. Do đó, khi Vũ An bước vào sân chơi Wonderkids, cả ban tổ chức cuộc thi và gia đình em đều thấy rằng không có ai phù hợp với vai trò giảng viên của Vũ An hơn là bố em.

Vũ An cùng người bố kiêm giảng viên dạy violon của mình.

Có giảng viên bố rõ ràng là lợi thế lớn đối với Vũ An. Ở trường quay ghi hình chương trình, hai bố con hầu như luôn sát cánh bên nhau, bố chăm chút cho con từng chi tiết nhỏ, từ kiểm tra đàn trước khi lên sân khấu, nhắc nhở các yếu tố về kỹ thuật cho đến cả lau mồ hôi rịn trên gương mặt con. Vì vậy mà Vũ An rất vững vàng về tâm lý, cậu bé ít nói nhưng hay mỉm cười và không hề tỏ ra bồn chồn hay căng thẳng.

Vũ An chấm cho bố 10 điểm về vai trò làm thầy với lời nhận xét: “Bố nghiêm khắc nhưng cũng có những lúc hài hước để con dễ tiếp thu”. Khi được hỏi “Nếu có thể chọn giữa bố và một giảng viên khác giỏi hơn bố thì con sẽ chọn ai?”, “hiệp sĩ vĩ cầm” 12 tuổi khẳng định ngay lập tức: “Con sẽ chọn bố vì con và bố hiểu nhau. Con yêu bố!”.

Bố dạy con: khó hay dễ?

Có không ít người thầy ở các lĩnh vực khác nhau thừa nhận rất khó dạy con kiến thức chuyên môn của mình. Cụ thể là họ có thể kiềm chế tốt khi dạy con người ta nhưng lại rất dễ mất bình tĩnh trước những thiếu sót và yếu kém của con mình.

Riêng giảng viên Đình Bình lại cho rằng cha mẹ dạy con thuận lợi hơn vì thời gian có thể linh động và nhất là cặp thầy-trò này vốn đã rất hiểu nhau. Theo anh, cần đánh giá con đúng mức chứ không nên quá kỳ vọng, chẳng hạn cha kỳ vọng 10 nhưng bước đầu chỉ nên yêu cầu con đạt khoảng 3-4 rồi từ từ nâng cao theo khả năng tiếp thu của con và phải làm sao để nhen nhóm ở trẻ niềm đam mê.

Hai bố con hầu như luôn sát cánh bên nhau, bố chăm chút cho con từng chi tiết nhỏ.

Anh cũng nhấn mạnh phải kiên nhẫn với mình và với con. Với anh, mục đích không quan trọng bằng tình cảm. “Tôi xem con như một người bạn của mình đến cuối đời. Mình có thể kiên nhẫn với những người khác thì tại sao lại không thể kiên nhẫn với người bạn đặc biệt này”, anh chia sẻ.

Mẹ của Vũ An tiết lộ rằng giảng viên bố chỉ hơi khắt khe trong lúc dạy con đàn thôi chứ bình thường anh gần gũi với con hơn cả mẹ, mấy cha con có thể đùa giỡn, ôm ấp... Những lúc rảnh, anh sẵn sàng vào bếp nấu cho con món gì ngon. Ngoài ra, vợ chồng anh xác định phải luôn phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc nuôi dạy con, một người cứng thì người kia phải mềm. Nếu dạy đàn cho con đến giai đoạn hơi căng thẳng thì bố sẽ tạm lánh xuống nhà sau và bảo mẹ: “Con có vẻ phụng phịu rồi, mẹ lên vỗ về nhé”.

Con cái là tài sản quý giá nhất

Giảng viên Đình Bình có hai con trai và anh đã sớm định hướng cho các con theo nghiệp violon như bố. Nói về sự lựa chọn này, anh cho biết: “Sống với nghệ thuật thì con người tình cảm hơn. Cuộc sống tuy không giàu có nhưng ổn định. Tiền bạc chỉ là phần nổi, sự giàu có là vô chừng, quan trọng là phần tâm hồn và cuộc sống cần cân bằng”.

Vì chú trọng phải nuôi dạy sao cho con phát triển toàn diện về nhân cách, tâm hồn mà mẹ của Vũ An đã nghỉ làm để ở nhà chăm lo cho các con suốt 7 năm nay.

Cũng vì chú trọng phải nuôi dạy sao cho con phát triển toàn diện về nhân cách, tâm hồn mà anh đã động viên vợ nghỉ làm để ở nhà chăm lo cho các con suốt 7 năm nay. Chị cho biết mình hoàn toàn đồng ý với lý lẽ của anh: “Hai con là tài sản của mình. Khi hai bạn nên người và thành công thì mình mới là người giàu có. Nếu con hư hỏng thì xem như mình phá sản”.

Mỗi ngày trung bình chị chạy xe khoảng 60 - 70km để đưa rước con đi học. Khi Vũ An tham gia chương trình Thần đồng âm nhạc thì việc đưa đón con đi tập, đi thi càng vất vả hơn vì nhà An ở tận Dĩ An, Bình Dương. Tuy nhiên, anh chị luôn nhắc nhau không tỏ ra mệt mỏi để tránh ảnh hưởng đến tâm lý của con, quan trọng là con vui và có được những trải nghiệm bổ ích qua cuộc thi.

Thành công bắt đầu từ khổ luyện

Nhờ cách dẫn dắt tinh tế của bố, Vũ An rất có ý thức luyện tập, đều đặn ngày thường 3 tiếng, ngày nghỉ 4 tiếng, khi tham gia chương trình Thần đồng âm nhạc - Wonderkids thì lên đến 5 tiếng/ngày. Mẹ An cho biết em xem việc tập đàn là bất di bất dịch, nếu ốm nhẹ vẫn cố gắng tập, hôm nào muốn đi chơi thì phải hoàn thành việc tập đàn trước.

Trong tập 2, Vũ An đã đoạt giải Tiết mục xuất sắc nhất đêm thi.

Khi biết thông tin về chương trình Thần đồng âm nhạc - Wonderkids, chính Vũ An đã nhờ anh trai quay giúp phần biểu diễn của mình và tự gửi clip tham gia cuộc thi.

Ngọc Quý

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/than-dong-am-nhac-vu-an-tiet-lo-dieu-chua-ke-ve-bo-389793.html