Thần đồng - có hạnh phúc?

Nhiều cô cậu bé đã tốt nghiệp đại học, có nghiên cứu riêng, hoặc đạt được những thành tích đáng nể trong khi các bạn bè đồng trang lứa vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường tiểu học, trung học. Họ được gọi là thần đồng, được xã hội kỳ vọng sẽ gánh vác những trọng trách của tương lai…

Cậu bé William Maillis 9 tuổi đã vào đại học

Cậu bé William Maillis 9 tuổi đã vào đại học

9 tuổi tốt nghiệp THPT

Lên 9 tuổi, cậu bé người Mỹ William Maillis (bang Pennsylvania, Mỹ) tốt nghiệp trung học phổ thông, trở thành một trong những sinh viên trẻ nhất tại Cao đẳng Cộng đồng hạt Allegheny – nơi cậu theo học với những người bạn hơn mình chục tuổi.

11 tuổi cậu đã tốt nghiệp trường cao đẳng và mong muốn học lên tiến sĩ trở thành nhà Vật lý học thiên thể, tiếp bước hai nhà vật lý đại tài của thế giới là Albert Einstein và Stephen Hawking. Được biết, năm 2 tuổi, cậu đã biết làm toán, đọc, viết; trước năm tuổi cậu đã biết dùng ngôn ngữ ký hiệu và đọc sách, báo bằng tiếng Hy Lạp và nắm vững kiến thức cơ bản về hình học.

Hay cậu bé thần đồng Bỉ Laurent Simons (TP. Amsterdam, Bỉ) đã hoàn thành chương trình tiểu học khi mới 6 tuổi. Được biết, cậu có chỉ số IQ ít nhất là 145 và đã tham gia các lớp toán ở cấp trung học. Cậu bé nhập học trường Winford và trường hợp đầu tiên ở Amsterdam học dự bị đại học ở trung học khi mới 6 tuổi.

Hoặc thần đồng người Anh Tristan Owain Pang (15 tuổi) là nhà khoa học, toán học hàng đầu, đồng thời là nhà truyền thông nổi tiếng. Cậu biết làm toán trung học năm 2 tuổi, theo học đại học danh tiếng nhất New Zealand khi mới 12 tuổi….

Thần đồng người Anh Tristan Owain Pang biết làm toán từ năm 2 tuổi

Và rất nhiều những cái tên của các thần đồng khác được truyền thông, báo chí các nước không ngớt lời khen ngợi như Jaxon Cota (Mỹ), Daniel Liu (Mỹ), Angelina Bella Devyatkina (Nga), Muhammad Humza Shahzad (Anh), Ananya Verma (Ấn Độ)…

Điểm chung của những đứa trẻ này đều đã bộc lộ khả năng thiên bẩm từ rất sớm. Không chỉ vậy, các em còn gặt hái được những thành tích mà chính người lớn phải nể phục. Mặt khác, các em đều được kỳ vọng sẽ theo đuổi đại học, cao học và sau này có thể có nhiều đóng góp cho xã hội, cho thế giới. Không chỉ thế, nhiều người cho rằng, những đứa trẻ này sẽ sống một cuộc sống hoàn toàn khác biệt.

Năm 1971, một nhóm các nhà tâm lý Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu (gọi tắt là SMPY) và nghiên cứu, theo sát 5000 cô, cậu bé được đánh giá là “thần đồng” trong top 1%, 0,1% và thậm chí 0,01% của tất cả học sinh về lĩnh vực toán học. Nhằm tìm giải đáp cho câu hỏi: Làm thế nào có thể phát huy tối đa tiềm năng của những thần đồng này?.

SMPY được biết là công trình nghiên cứu dài nhất về trẻ em có năng khiếu trong lịch sử khoa học nước này. Các nhà nghiên cứu đã “đi theo” các em khoảng 45 năm để thu thập các thông tin, dữ liệu về quá trình phát triển, môi trường sống và học tập, cũng như các thành tích mà các em đạt được qua các bài kiểm tra IQ, bài thi lên cấp, cuộc sống đại học và con đường sự nghiệp sau này. Sau bốn thập kỷ rưỡi, các nhà khoa học đã tìm ra những vấn đề cốt lõi có thể sẽ thách thức định kiến và kỳ vọng của rất nhiều người.

Nguồn gốc của thần đồng?

Kết quả của SMPY cho thấy, tốp 1%, 0,1% và 0,01% trẻ em có năng khiếu nhất có bằng tiến sĩ, hoặc cao hơn, và sở hữu bằng sáng chế ở một tỷ lệ vượt xa những đứa trẻ kém năng khiếu hơn. Đồng thời, chúng cũng nằm trong tốp 5% người có thu nhập hàng đầu nước Mỹ. Nhưng dù vậy, ngay cả những đứa trẻ có IQ ở cấp độ thiên tài cũng cần giáo viên để giúp chúng phát huy hết tiềm năng.

Mặt khác, những đứa trẻ thần đồng thường nhận được quá ít sự chú ý từ giáo viên ở trường – lực lượng được cho rằng có thể định hướng cho tài năng của những đứa trẻ này. Phần lớn các giáo viên trong lớp sẽ chú ý hơn đến những học sinh đạt kết quả thấp, nhằm giúp chúng đạt được ít nhất điểm trung bình để qua lớp.

Do đó, các nhà khoa học gợi ý, giáo viên và phụ huynh nên xem xét cho “học nhảy cóc” đối với những đứa trẻ có năng khiếu. Khi các nhà nghiên cứu so sánh một nhóm các sinh viên có năng khiếu không “nhảy qua” lớp với những người theo học đầy đủ, thì những thần đồng được “học nhảy cóc” có khả năng kiếm được bằng sáng chế và tiến sĩ cao hơn và nhiều hơn gấp đôi so với nhóm còn lại, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc toán học.

Có thể liên hệ ngay đến câu chuyện của cậu bé thần đồng người Mỹ Kairan Quazi bước vào đại học từ năm 9 tuổi, với chỉ số IQ lọt top 0,1% thế giới. Cậu bé chia sẻ với HuffPost rằng: “Khi đã lên lớp 3, tôi nói với giáo viên khoa học rằng kiến thức của cô về lực hấp dẫn chưa đủ sâu sắc, và bị cô liệt vào danh sách học sinh hư trong suốt năm học đó.

Thần đồng Kairan Quazi. Ảnh - HuffPot

Người lớn liên tục chỉ bảo tôi phải suy nghĩ như thế nào, nên nói điều gì. Nhưng chủ yếu họ dặn tôi những điều không nên nói. Cũng trong năm lớp 3, sau khi các bác sĩ kiểm tra và xác nhận IQ (chỉ số thông minh) của tôi cao hơn 99,9% dân số trên thế giới, EQ (chỉ số cảm xúc) cũng cao bất ngờ, mọi thứ đã thay đổi. Người lớn bắt đầu nhìn nhận về tôi một cách nghiêm túc, cuối cùng tôi đã cảm thấy mình được lắng nghe.”

Các nhà khoa học cũng cho rằng, trí thông minh rất đa dạng. Trở nên thông minh không chỉ có nghĩa là có khả năng ghi nhớ sự kiện hoặc nhớ lại tên và ngày. Kết quả của SMPY cho thấy, một số đứa trẻ thông minh nhất có khả năng lý luận không gian tuyệt vời. Những đứa trẻ này có một tài năng để hình dung các hệ thống, chẳng hạn như hệ thống tuần hoàn của con người hoặc “giải phẫu” của một chiếc xe.

Sự đặc biệt không mong muốn

Trên thực tế, không phải đứa trẻ nào hay gia đình nào cũng mong muốn sự đặc biệt. Có những đứa trẻ chỉ đơn thuần là thích học hoặc thích làm một việc nhất định, nhưng khi bị gắn mác “thần đồng”, các em phải chịu đựng nhiều áp lực hơn trong cuộc sống. Mà những áp lực này không nhất thiết đến từ tài năng của các em.

Ông Kim Ung Yong biết nói từ lúc 4 tháng tuổi, bắt đầu giải bài vật lý từ năm lên 3. Năm 4 tuổi, ông đã có thể đọc sách bằng tiếng Hàn, Nhật, Anh, Đức và giải các bài toán tích phân, vi phân. Sở hữu IQ 210, đến 6 tuổi, ông đã là sinh viên dự thính ngành Vật lý tại Đại học Hanyang. Năm 7 tuổi, NASA mời Kim Ung Yong sang Mỹ. Năm 8 tuổi, ông Kim được NASA mời sang Mỹ để làm việc. Cũng trong thời gian đó, ông cũng vừa tốt nghiệp tiến sĩ đại học bang Colorado.

Thần đồng SN 1962 Kim Ung Yong chọn lối sống bình thường và hạnh phúc

Sau khi Kim làm việc cho NASA 10 năm ông quyết định quay trở lại Hàn Quốc sống bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa bởi lý do “rất cô độc”. Ông chia sẻ: “Tôi làm việc như cái máy. Mỗi ngày, tôi chỉ có ăn, ngủ và giải phương trình. Tôi cô đơn, kiệt sức vì không có bạn bè và mãi là trung tâm của sự chú ý.

Thật sự chẳng có gì đặc biệt khi mình là đứa trẻ đặc biệt”. Quyết định này khiến dư luận Hàn Quốc không khỏi bất ngờ, thậm chí có phần thất vọng. Ông phải theo học từ đầu chương trình tiểu học, trung học và đại học. Ông đã phải theo học từ đầu như bao người bình thường khác, và lựa chọn nghề nghiệp giảng dạy tại đại học Chungbuk.

Điều đó cho thấy, một góc độ khác mà phần lớn dư luận đã “ngó lơ” khi nói về thần đồng, đó là sự hạnh phúc, sự hài lòng với cuộc sống của những người này. Nhà tâm lý học Carol Dweck (Mỹ) đã từng công bố phát hiện của bà về mối liên quan giữa sự thành công và “tư duy tăng trưởng”, tức những người luôn xem bản thân họ như chất lỏng, luôn thay đổi những sinh vật có thể thích nghi và phát triển, chứ không thụ động.

Các nhà khoa học của SMPY cũng đồng ý với nhận định này, nhưng cũng nhận thấy những dấu hiệu sớm nhất về khả năng nhận thức ở trẻ em có thể dự đoán chúng sẽ làm tốt như thế nào sau này trong tương lai. Điều này có nghĩa là việc nhận ra, khai thác, định hướng và phát triển những tài năng này lại chủ yếu nằm trong tầm kiểm soát của gia đình và nhà trường.

Nhưng khi những đứa trẻ thần đồng trưởng thành và lựa chọn một cuộc sống khác … với mong đợi của gia đình và xã hội thì có lẽ đấy mới chính là mong muốn thực sự của họ?

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/than-dong-co-hanh-phuc-484839.html