'Thần gió' lao vào nơi hiểm nguy

Ước mơ trở thành người lính cứu hỏa, năm 2015 Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh tốt nghiệp Đại học PCCC và được phân công về Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội. Đến năm 2018, khi Sở Cảnh sát PCCC sáp nhập vào CATP Hà Nội, anh được phân công về Đội Cảnh sát PCCC và CNCH của CAQ Đống Đa. Những năm qua, anh luôn thường trực cùng đồng đội sẵn sàng nhận lệnh, cùng những chuyến xe gấp gáp lên đường hướng về nơi xảy ra cháy nổ, tai nạn, sự cố với tinh thần xông pha cứu người, cứu tài sản.

Cố gắng “cứu cái còn trong cái đã mất”

5 năm công tác tại Đội Cảnh sát PCCC và CNCH CAQ Đống Đa, rất nhiều những vụ cháy, tai nạn, sự cố lớn, nhỏ đã được Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh và đồng đội tham gia dập tắt, cứu hộ, cứu nạn thành công. Gặp chúng tôi vào ngày đầu của năm mới 2024, anh vui mừng cho biết, trong ngày trực cuối cùng của năm 2023 đã cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh đạt giải Nhất cá nhân trong vòng loại Hội thi Thể thao nghiệp vụ cứu nạn cứu hộ toàn quốc lần thứ II

Khi ấy là khoảng 1h ngày 31-12, Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh bừng tỉnh khi nghe chuông báo động. Thông tin được phổ biến ngắn gọn: “Có một sự cố thang máy tại số 96 Nguyễn Lương Bằng, hãy giải cứu nạn nhân bằng mọi giá”. Ngay lập tức, anh cùng các đồng đội tập trung di chuyển đến hiện trường, nơi được báo có người bị mắc kẹt. Tại đây, tổ trinh sát xác định thang máy bị kẹt lơ lửng tại vị trí tầng 6 và nạn nhân đang trong tình trạng hoảng loạn. Nếu chậm trễ, tính mạng nạn nhân có thể bị đe dọa. Một mặt, các anh hỏi han, động viên để giữ bình tĩnh cho nạn nhân, một mặt Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh được Ban chỉ huy giao nhiệm vụ dẫn đầu, sử dụng thiết bị cứu hộ giải cứu người bị nạn. Bằng sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong tổ, chỉ sau 3 phút, anh cùng đồng đội đã đưa được cô gái bị mắc kẹt bên trong cabin ra ngoài an toàn. “Khi ấy ánh mắt cô gái vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi, nhưng vẫn kịp nói lời cảm ơn với anh em chúng tôi. Chỉ chừng ấy thôi cũng khiến các chiến sĩ tan biến mệt mỏi và cảm thấy tự hào về công việc của mình. Ba phút giải cứu người bị nạn tuy ngắn ngủi nhưng lại rất căng thẳng, đó là khoảnh khắc cân não khi người lính phải chạy đua với tử thần để cứu người” - Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh tâm sự.

Công việc đòi hỏi lên đường bất cứ lúc nào nên những giấc ngủ không trọn vẹn, những bữa cơm nguội ngắt vì trễ giờ là chuyện hết sức thường tình với lính PCCC và CNCH. Nhưng Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh cho biết, đó chỉ là chuyện vặt, điều mà những người lính PCCC luôn thầm mong là tại các đám cháy không có ai bị mắc kẹt, bởi vẫn còn đó quá nhiều những vụ việc đau lòng. Như trong vụ cháy tại nhà số 116 B9 Kim Liên, phường Kim Liên (Đống Đa) vào khoảng 1h ngày 21-4-2022. Là người lính thiện chiến, Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh chưa từng ngần ngại khi dẫn đầu mũi tấn công chính trước đám cháy. Tuy nhiên, anh kể lại: “Nhìn thấy cột khói rất lớn, chúng tôi xác định ngay rằng, một khi đám cháy lớn như vậy thì nếu có người mắc kẹt bên trong, khả năng sống sót sẽ rất thấp. Chính vì vậy, chúng tôi càng thầm nhủ mình phải cố gắng hơn. Mặc dù đã chuẩn bị trước tinh thần là vậy, nhưng khi tiếp cận được các nạn nhân, đến giờ cảnh tượng thương tâm đó vẫn ám ảnh tôi. Tôi đã tưởng tượng rằng, nếu không may người thân của mình cũng rơi vào tình huống như vậy thì mình sẽ sống như thế nào?”.

Đó không phải là cảm nhận riêng của Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh mà còn là nỗi niềm chung của những người lính chuyên đi “cứu cái còn trong cái mất”. Sống với áp lực khi đối diện với tai ương, một người bình thường có thể hoảng loạn bao nhiêu thì người lính chữa cháy phải điềm tĩnh bấy nhiêu. Họ phải giữ “cái đầu lạnh” và “trái tim nóng” xông vào hiểm nguy để mong mang được những sinh mệnh mong manh trở về từ cánh cửa hỏa ngục.

Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh hướng dẫn cán bộ chiến sỹ mới cách sử dụng các trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ

Những cuộc đua với thời gian

Trở thành lính cứu hỏa không phải là điều ai cũng làm được, nhất là lính cứu hỏa trên địa bàn quận Đống Đa, nơi dân cư đông đúc các cơ sở kinh doanh nằm trong ngõ nhỏ, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Với phương châm “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh cùng các đồng đội đều quyết tâm rèn luyện.

Khác với vẻ thư sinh, mảnh khảnh bên ngoài, Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh được các đồng đội thuộc yêu mến gọi bằng những cái tên như “Người không phổi”, “Thần gió”... bởi anh có đôi chân thần tốc, sức khỏe dẻo dai khó có ai bì kịp. Anh cho biết, đặc thù nghề nghiệp yêu cầu phải thường xuyên tập luyện với cường độ cao để thích ứng với mọi hoàn cảnh. Không chỉ thuần thục các trang thiết bị chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, mà còn cần sức khỏe tốt để luôn giữ được sự tỉnh táo, mưu trí, nhằm giải quyết được các tình huống khó khăn nhất. “Hiểm họa không cho phép chúng tôi nấn ná, bởi việc tiếp cận được khu vực cháy là quan trọng nhất. Người chiến sĩ PCCC phải tranh thủ từng giây để đến hiện trường nhanh nhất, kịp thời khống chế ngọn lửa, tìm kiếm, đưa người bị nạn ra ngoài an toàn. Chính vì vậy, nhanh hơn, nhanh hơn nữa là yêu cầu tôi đặt ra cho chính bản thân để luyện tập, giữ phong độ” - Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh tâm sự.

Trung tá Vũ Xuân Long - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, CAQ Đống Đa nhận xét: “Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh đã tham gia rất nhiều vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chi viện cho các đơn vị bạn. Đồng chí luôn đi đầu trong công tác huấn luyện, tập luyện, cũng như làm nhiệm vụ và là gương mặt “vàng” được đơn vị cử đi tham gia nhiều hội thao PCCC và CNCH do CATP và Bộ Công an tổ chức. Tháng 9-2023 vừa qua, Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh vinh dự là chiến sĩ tiêu biểu đại diện cho CATP Hà Nội tham gia Hội thi Thể thao nghiệp vụ cứu nạn cứu hộ toàn quốc lần thứ II, đạt giải Nhất cá nhân 100m vượt chướng ngại vật tại vòng loại - Cụm IX, đạt giải thứ 5 toàn đoàn”.

Thượng tá Nguyễn Minh Thành - Phó trưởng CAQ Đống Đa cho biết: “Cùng với nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh còn tham gia công tác huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ PCCC và CNCH cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, nhất là những bài tập khó. Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm chiến đấu, tác phong làm việc trong môi trường luôn có tình huống khẩn cấp, Thượng úy Thịnh còn truyền lửa nhiệt huyết, tinh thần xông pha, sẵn sàng vì nhân dân quên mình để cứu người, cứu tài sản”.

Khi nhắc về những nguy hiểm, mất mát có thể gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh tâm sự: “Trở thành lính cứu hỏa luôn là niềm tự hào. Đã xác định theo nghề là chỉ mong giúp đời, cứu người, dù gian nan đến mấy chúng tôi cũng sẵn sàng. Nhưng để có thể làm được điều đó, chúng tôi càng phải không ngừng tự rèn luyện, phải có sức khỏe, có kỹ năng, kỹ thuật, chiến thuật”.

Đã đứng trước rất nhiều sự sống và cái chết, điều trăn trở của Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh và các đồng đội là những đám cháy lớn, sự cố nghiêm trọng, đều có thể ngăn chặn được từ ý thức nhỏ của mỗi người. Anh mong từng người dân nâng cao ý thức PCCC, thay đổi từ chính những thói quen, nếp sinh hoạt tưởng chừng đơn giản như sắp xếp đồ đạc hợp lý, khóa van gas khi nấu ăn xong, không thắp hương khi vắng nhà, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng… Có như vậy, những người lính cứu hỏa như anh mới có thể được “thất nghiệp”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/than-gio-lao-vao-noi-hiem-nguy-post563570.antd