Than Mông Dương: Tăng đãi ngộ để giữ chân thợ lò

Trước đây, việc tuyển dụng lao động, nhất là đội ngũ thợ lò vào làm việc tại Công ty CP Than Mông Dương (TKV) gặp không ít khó khăn do đặc thù công việc nặng nhọc, nguy hiểm, khai thác ngày càng xuống sâu. Tuy nhiên thời gian gần đây, công ty đã triển khai nhiều giải pháp về đào tạo, tiền lương, phúc lợi, chế độ chính sách, cải thiện điều kiện làm việc nhằm thu hút ngày càng nhiều thợ lò và giữ chân họ gắn bó làm việc lâu dài...

Chung cư dành riêng cho thợ lò Công ty CP Than Mông Dương.

Chung cư dành riêng cho thợ lò Công ty CP Than Mông Dương.

Trung bình mỗi năm, Công ty CP Than Mông Dương duy trì khai thác khoảng 1,6 triệu tấn than (chủ yếu than hầm lò). So với các đơn vị than hầm lò trong Tập đoàn, điều kiện sản xuất và địa chất mỏ Mông Dương phức tạp, khó áp dụng công tác cơ giới hóa trong khai thác, đào lò. Để đáp ứng lao động phục vụ sản xuất than hầm lò công ty cần duy trì từ 2.300 - 2.400 lao động trực tiếp trong hầm lò. Xác định đội ngũ thợ lò là lực lượng nòng cốt trong cơ cấu nhân lực, những năm gần đây, Công ty CP Than Mông Dương đã có nhiều chính sách vượt trội để vừa thu hút, vừa giữ được chân thợ lò.

Theo đó, để tăng năng suất và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, công ty đã đẩy mạnh cơ giới hóa trong đào lò và khai thác tại các khu vực có khả năng áp dụng được. Điển hình nhất đầu năm 2019, công ty triển khai dự án đầu tư lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ, nhằm tăng sản lượng khai thác than, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân. Đây là lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ đầu tiên của TKV với công suất khai thác đạt khoảng 300.000 tấn than/năm. Hiện tại, lò chợ này vừa lắp đặt xong và đang bắt đầu cho ra những tấn than đầu tiên.

Khẩu phần ăn tự chọn hằng ngày giúp công nhân bổ sung chế độ dinh dưỡng kịp thời để tái tạo sức khỏe sau giờ lao động nặng nhọc. Ảnh: Ngọc Diệp (Công ty CP Than Mông Dương)

Bên cạnh đó, công ty còn nghiên cứu, áp dụng giàn chống mềm ZRY khai thác vỉa dốc, giá TLPT ZH1600 khai thác vỉa dày; duy trì và mở thêm tuyến tàu song loan chở người từ cửa lò đến sát vị trí làm việc đầu tư; lắp đặt các thiết bị vận chuyển vật tư, vật liệu thi công tới gần vị trí làm việc ở tất cả các khu vực sản xuất. Qua đó, giảm thời gian đi lại và giảm mức độ nặng nhọc cho người lao động.

Đối với việc xây dựng quy chế, quy định về tiền lương và chế độ chính sách, công ty luôn đảm bảo khuyến khích được người lao động, tạo động lực tăng năng suất, tăng thu nhập cho người lao động. Tiêu biểu đơn vị đã áp dụng trả lương theo vị trí việc làm, sản phẩm làm ra gắn với ngày công, năng suất lao động, hiệu quả công việc, không hạn chế mức tiền lương tối đa. Các chế độ thưởng, khuyến khích tiền lương đều gắn với ngày công lao động, năng suất lao động, không thưởng tràn lan, cào bằng, bình quân nhằm minh bạch các khoản và tạo không khí thi đua phấn đấu ở từng vị trí làm việc.

Theo báo cáo của Công ty CP Than Mông Dương, năm 2019, thu nhập bình quân lao động khối hầm lò đạt trên 19,2 triệu đồng/người/ tháng (tăng 11,6% so với năm 2018). Riêng 5 tháng đầu năm 2020, thu nhập bình quân lao động hầm lò đạt gần 20 triệu đồng/ người/tháng).

Cùng với những điều kiện trên, việc chăm lo nhà ở cho thợ mỏ cũng là một trong những chủ trương lớn được công ty thực hiện lâu nay với mong muốn an cư lạc nghiệp cho người lao động. Từ năm 2017, công ty đã đưa chung cư dành riêng cho thợ lò vào sử dụng với quy mô 9 tầng, 96 phòng (bố trí ở 4 người/phòng).

Những đối tượng thợ lò chưa lập gia đình và học sinh thực tập tại công ty sẽ được ưu tiên vào ở chung cư. Toàn bộ chi phí nhà ở đều được đơn vị miễn phí cho 2 nhóm đối tượng trên. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho công nhân xa nhà đi lại thuận lợi, năm 2019, Than Mông Dương đã tổ chức tuyến xe đưa đón công nhân từ thị trấn Bình Liêu, Đầm Hà và thị trấn Ba Chẽ về công ty.

Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam khen thưởng Phân xưởng Khai thác 8, Công ty CP Than Mông Dương đạt ngày công và năng suất cao trong Tháng Công nhân năm 2020.

Công ty còn phối hợp tốt với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam trong công tác tuyển sinh đầu vào nhằm đào tạo bổ sung kịp thời lực lượng lao động trẻ, khỏe, trình độ cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất. 5 tháng đầu năm 2020, công ty phối hợp với nhà trường tuyển dụng được 124 lao động hầm lò, tăng 38 lao động so với cùng kỳ năm 2019.

Những chính sách ưu đãi vượt trội trên không chỉ cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, mà còn tăng năng suất lao động, tiền lương và đảm bảo an toàn trong sản xuất. Từ đó, giúp cho công nhân thợ lò yên tâm gắn bó làm việc lâu dài với công ty.

Phạm Tăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202006/than-mong-duong-tang-dai-ngo-de-giu-chan-tho-lo-2486919/