Than phiền người giúp việc... kiêu: Sự thật là gì?

Nhu cầu thuê giúp việc rất lớn nhưng cũng có gia đình 1 tháng thay 4, 5 giúp việc vẫn không thể tìm được người ưng ý.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhịn giúp việc như nhịn cơm sống?

Chị Trần Thị Phương Hà – Thanh Xuân, Hà Nội kể chị vừa trải qua thời kỳ stress nhất đó là thuê giúp việc chỉ để chăm sóc bé. Chị Hà đã cố gắng nhờ người quen nhưng không tìm được. Sau đó chị nhờ trung tâm giới thiệu việc làm để tìm giúp việc. Kết quả, sau 1 tuần chị cũng tìm được một bác giúp việc 56 tuổi, quê Ninh Bình.

Tuy nhiên, chị giúp việc đưa ra yêu cầu chỉ trông bé không làm việc nhà. Bản thân chị Hà đồng ý với điều đó vì thực sự chị chỉ có nhu cầu giúp chị trông con khi đi làm.

Khi sống chung với giúp việc chị luôn phải tự nhủ bản thân mình tất cả vì con. Chị luôn mềm mỏng với cô giúp việc. Chị không gọi là giúp việc mà gọi là cô trông trẻ.

Hàng ngày, mỗi giờ đi làm về chị lại vội vàng về đón con lớn, đi chợ. Nhưng giúp việc vẫn rảnh rang xem phim. Bởi vì bà nói là chỉ thuê là bế con nên cô giúp việc đương nhiên cũng không làm việc nhà giúp chị Hà. Có lúc đứa lớn đòi mẹ tắm, đứa bé đu lấy chân mẹ chị Hà cảm thấy vô cùng mệt mỏi.

Cuối cùng, chị đành phải bàn với chồng cố gắng về sớm, vợ nấu nướng, chồng tắm rửa cho con. Cứ như thế, chị phải trả 7 triệu đồng/tháng để thuê cô bế em. Nếu tính cả tiền ăn khoảng 10 triệu đồng vì ngày nào chị Hà đi làm cũng để 50 nghìn tiền ăn trưa để cô giúp việc ăn trưa, tối ăn chung với gia đình.

Hay chị Nguyễn Thị Yến – Đống Đa, Hà Nội kể chị thuê giúp việc đến đưa đón hai con đi học. Vì sáng chị Yến và chồng đi làm rất sớm, tối cũng về muộn. Tuy nhiên, khi giúp việc đến nhà nhận việc trông thấy nhà 5 tầng và phải lo ăn sáng cho 2 bé 5 tuổi và 3 tuổi bà đã đòi tăng lương từ 7 triệu đồng lên 9 triệu đồng vì lý do leo cầu thang rất vất vả.

Ở được một thời gian, chị thấy không hợp vì giúp việc chỉ đưa đón bé, chị đưa tiền để cho bé ăn sáng có khi bà cho các cháu ăn xôi, ăn bánh rán… thay vì ăn phở như bố mẹ bé dặn. Chị Yến thấy bà đi chợ mua đồ không ngon nên bảo bà không cần đi chợ giúp gia đình chị tự lo khoản chợ búa.

Tuy nhiên, khi giảm việc đi chợ thì bà đòi tăng lương lên 10 triệu đồng. Chị Yến đành chuyển con từ trường công sang trường tư. Tiền thuê giúp việc thoải mái cho bé học trường tư mà không phải ức chế vì thuê người đưa đón con. Hàng tuần, chị thuê giúp việc theo giờ dọn nhà.

Giúp việc cũng chẳng sung sướng

Từ phía người giúp việc, cũng có những câu chuyện oái oăm không kém. Bà Lại Thị Liên – 58 tuổi, quê Thái Thụy, Thái Bình đang làm giúp việc tại Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội tâm sự nghề giúp việc đôi khi cũng khổ.

Bà Liên kể bản thân mình bị chủ nhà “bán”. Bà Liên được giới thiệu lên làm giúp việc cho gia đình ở Long Biên. Vì con trai đang học bên Long Biên nên bà mới lên đó làm nhưng khi đến Hà Nội thì bà lại được “bán” sang Hạ Đình với lý do “nhà bạn cháu cần giúp việc hơn”.

Khi giới thiệu lên làm là nhà chung cư, nấu ăn cho hai ông bà ngoài 80 tuổi nhưng nhận việc thì trông trẻ 9 tháng. Bà Liên rất sợ trông trẻ vì bà biết nhiều gia đình nuôi con kỹ mình chăm cũng rất khổ.

Bà được chủ nhà dạy phân biệt sữa chua cho trẻ, thực phẩm cho trẻ, cách rã đông, nấu cháo, khử trùng bát đĩa, đồ ăn. Vì gia đình quá kỹ tính có lúc chỉ làm sai quy trình, trên camera chủ nhà không ưng là ngay lập tức gọi điện về nhắc nhở. Bà Liên cũng cảm thấy mình như người ở mà không phải là người lao động. Vì cần tiền cho con đi học, hơn nữa bà cũng tự nhủ cố gắng làm một thời gian vì tuổi của bà về quê cũng khó kiếm việc làm.

PGS. TS Trịnh Hòa Bình – chuyên gia xã hội học cho rằng hiện nay xã hội hiện đại con người với con người đối đãi với nhau lạnh lùng hơn. Với người giúp việc thì chỗ cần không tìm được người còn người giúp việc muốn tìm việc cũng không tìm được.

PGS Bình kể còn có gia đình lên Facebook "rao bán" do gia đình không có nhu cầu đến giúp việc nên bác nào cần giúp việc thì liên hệ. Họ rao như một món hàng mà không biết rằng đó cũng là nghề.

"Hiện nay nhiều người vẫn chưa coi giúp việc là một nghề mà đôi khi chúng ta cho rằng chỉ là việc làm thêm, dành cho người già, người mất sức lao động, người ở nhà quê… Chính điều này đã tạo nên mối quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc. Người giúp việc thấy tự ti còn chủ nhà cũng không coi trọng họ vì nghĩ họ nghỉ sẽ tìm người khác", ông Bình phân tích.

PGS Bình cho rằng đã đến lúc cầnytêu cầu với người giúp việc cũng phải biết kỹ năng mềm, kiến thức chăm sóc trẻ, chăm sóc người già thay vì họ chỉ làm công việc lau dọn nhà cửa, nấu ăn, giặt quần áo.

Bản thân chủ nhà cũng cần nghĩ mình là chủ sử dụng lao động chứ không phải mình là chủ nhà còn người giúp việc là osin, người ở, người có địa vị xã hội thấp.

Nếu giải quyết được mấu chốt vấn đề này thì sẽ chẳng còn cảnh bạc tóc tìm giúp việc, cũng không có chuyện giúp việc kiêu căng với chính người trả lương cho mình.

Phương Anh

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/doi-song/gia-dinh/than-phien-nguoi-giup-viec-kieu-su-that-la-gi-3430589/