Thân thế sự nghiệp và tài sản của lãnh đạo nên công khai

'Tại sao phải bí mật thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, nhà nước trong khi chúng ta lại công khai phiếu tín nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng'.

Liên quan đến dự thảo Luật Bảo vệ Bí mật nhà nước đang được lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, nhiều ý kiến còn băn khoăn về quy định thông tin liên quan đến thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước thuộc phạm vi bí mật nhà nước tại Điểm C, Khoản 1, Điều 10.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, nhà nước phải tuyên truyền, phổ biến để người dân học tập”.

Khi biết thông tin này, nhiều người dân cho rằng tại sao phải bí mật thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, nhà nước.

Trong khi, quá trình học tập, rèn luyện, tu dưỡng của họ luôn là tấm gương lớn của nhiều thế hệ noi theo.

Thậm chí, nhiều lãnh đạo Đảng, nhà nước mang tầm quốc tế, đã từng có lãnh đạo Đảng, nhà nước là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Ông Lê Như Tiến cho rằng cần công khai thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, nhà nước (ảnh quochoi.vn).

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.

Ông Lê Như Tiến cho rằng: “Tại sao phải bí mật thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, nhà nước. Trong khi chúng ta lại công khai phiếu tín nhiệm cả Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng.

Theo tôi việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội đều công khai, tỉ lệ bao nhiêu phần trăm công khai hết thì việc gì phải bí mật. Việc công khai là để cho cán bộ đó thấy họ tín nhiệm ở mức nào còn cố gắng, phấn đấu.

Tôi thấy, chúng ta đã công khai vấn đề này rồi và có dư luận rất ủng hộ. Ví dụ như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong lần bỏ phiếu trước thì tín nhiệm rất cao và lần này cũng rất cao thì tại sao chúng ta phải bí mật”.

Qua trao đổi với ông Lê Như Tiến, có thể thấy vấn đề công khai thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, nhà nước có nhiều ý nghĩa tích cực.

Như việc, công khai lấy phiếu tín nhiệm chẳng hạn là để nhân dân và cử tri cả nước biết rằng các đồng chí giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tín nhiệm đến đâu để cố gắng hơn.

Do đó, không nên coi thân thế sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, nhà nước là bí mật nhà nước mà cần phải công khai.

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh, việc công khai thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, nhà nước chỉ có tốt thêm. Phần lớn các đồng chí Đảng, nhà nước, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ vừa rồi có vị trí phiếu rất cao tại sao chúng ta lại không công khai những chuyện đó.

Ông cũng cho rằng, càng không công khai, người dân lại càng thấy khó hiểu. Giả sử có đồng chí nào đó phiếu không cao lắm thì cũng để cho người dân cử tri biết để giám sát và các đồng chí phải cố gắng hơn.

“Tôi tin rằng, nhiều người tán thành chủ trương đã lấy phiếu tín nhiệm thì phải công khai, không phải bí mật. Kể cả tài sản cũng công khai chứ không phải kê khai tài sản lại đưa vào danh mục bí mật là không được” – ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hôi tin rằng, đại đa số cử tri người ta mong muốn công khai. Công khai như vậy càng tốt hơn.

Ông Lê Như Tiến lấy ví dụ: “Như việc bỏ phiếu đồng chí Nguyễn Phú Trọng vừa rồi số phiếu rất cao. Chúng ta nên công khai để tăng thêm uy tín của đồng chí.

Còn nếu giả sử ai đó chưa có phiếu cao lắm họ cũng có hướng để phấn đấu. Do đó, công khai phiếu cũng là sự giám sát của nhân dân, Quốc hội đối với các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Tôi còn biết, tại các kỳ đại hội Đảng thì danh sách từ cao xuống thấp trúng Ủy viên Trung ương được công khai. Do đó, chẳng có vấn đề gì ảnh hưởng cả”.

Trinh Phúc

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/than-the-su-nghiep-va-tai-san-cua-lanh-dao-nen-cong-khai-post192207.gd