Thân thương hội quê

Tôi cũng như nhiều người khác, chắc hẳn đều đã một lần dự các lễ hội lớn đầu xuân như: Hội Chùa Hương, Yên Tử, Bái Đính... Nhưng giờ thì tôi nhận thấy, cho dù đi đâu, thì chúng ta cũng chỉ cảm được cảnh quan thiên nhiên nơi đó, còn lễ hội thôn quê đã cho tôi trở lại với bao thân thương với những người thân thiết nhất, với gia đình, chòm xóm, và bao nhiêu gương mặt thân quen.

Làng quê vùng Đồng bằng Bắc bộ, có lẽ những ngày tháng Giêng này, hầu như nơi nào cũng tổ chức hội hè. Những người ở quê, trước đây phần lớn là làm nông nghiệp, là ngày rộng tháng dài, khi vụ lúa chiêm xuân cấy đã xong xuôi, chờ mưa xuân xuống để phát triển lên tươi tốt, đây là lúc người nông dân nhàn rỗi nhất, và cũng là để tri ân đất trời, chờ mong một vụ mùa mới, người làng tổ chức hội quê. Ngoài phần lễ rước Thành hoàng làng thì ở miền Bắc, phần hội các vùng quê nhiều nơi na ná giống nhau. Các trò chơi chủ yếu như vật, ném còn, đập niêu đất, thả chim, đá bóng, cờ người…

Thi thả chim tại một hội quê.

Thi thả chim tại một hội quê.

Quê tôi ở thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, Hội làng quê tôi vào ngày 19 tháng Giêng, là ngày lễ Thượng Nguyên, được tổ chức ở trên chùa làng (chùa lớn). Ngoài hội làng, mỗi thôn xóm còn tổ chức hội ngõ, hội xóm. Ngõ nhà tôi ở trước kia cuối ngõ có một ngôi chùa. Trong chiến tranh, chùa bị giặc phá, hiện tại chỉ còn lại một tháp cổ. Gọi là ngõ, nhưng có đến gần 50 nóc nhà; ngõ kéo dài từ đầu đình ra đến tận dốc đê cạnh sông. Mặc dù chùa hiện tại chỉ còn một cây tháp cổ, nhưng người dân trong ngõ vẫn luôn thờ phụng và hương khói; và đến ngày 23 tháng Giêng hàng năm, người trong ngõ vẫn chọn đó là ngày gặp gỡ của các gia đình trong ngõ, gọi là hội ngõ.

Thế hệ chúng tôi lớn lên rời quê đi học rồi lập nghiệp ở Thủ đô, cũng có những dịp về quê, nhưng để có một dịp gặp gỡ đủ đầy người trong ngõ quê thì không phải là dễ. Biết bao thế hệ đã sinh ra, lớn lên, và cũng biết bao nhiều người già đã không còn nữa. Những gương mặt vô cùng thân quen, trước đây cùng ở một ngõ, nhưng cuộc sống, dòng đời xô đẩy, biết bao lâu mới được gặp lại. Thế nên ai cũng cố gắng để về, để gặp… Những khung cảnh cũ, những ký ức cũ không còn đủ đầy. Ngôi nhà thờ đạo ngày xưa có tường bao, và luôn trồng cây dâu khắp vườn thì giờ đây là một căn nhà mới tiện nghi, khoảng sân rộng ngày nào, giờ được thay bằng một xưởng làm gỗ.

Nhà ông Vân trước mặt nhà tôi, trước kia có hàng rào cây duối, mà chúng tôi hồi trẻ thơ vẫn thường thức cả buổi trưa hái trộm quả, giờ cũng là tường xi măng bao quanh. Vườn nhà cô Dinh trước để hoang, hàng rào chỉ là những giậu mồng tơi gãy đổ với những quả mồng tơi chín chúng tôi thường dầm ra và lấy bút chấm viết thành mực tím, giờ cũng là một ngôi nhà tiện nghi. Những chuồng trâu, mái rạ ngày xưa giờ cũng không còn nữa. Vườn mía, bờ ao, là nơi chúng tôi trốn tìm, giờ cũng không còn. Những gương mặt bạn thuở ấu thơ, giờ đã đầu hai thứ tóc, nếp nhăn cũng hằn lên mắt. Có những cụ già giờ đã thành thiên cổ. Bao nhiêu lớp người ra đi, người lấy chồng, người đi công tác. Những dịp hội ngõ như thế này mới có cơ hội để gặp lại nhau.

Hội quê đơn giản nhưng mà vui. Thanh niên thích xem bóng đá, người lớn, trẻ em thì thích những trò thả chim, đập niêu đất… Và đến màn ca nhạc buổi tối thì vô cùng náo nhiệt. Hội xóm, sân khấu ca nhạc được dựng ở dốc đê, chỗ cạnh chùa. Cho dù có đủ các phương tiện nghe nhìn hiện đại, thì sân khấu ca nhạc ở hội quê vẫn thu hút được đông người xem. Cho dù nhạc trẻ thời nay có phần lấn lướt tại các sân khấu lớn nhưng với người dân quê, những màn cải lương, các tiết mục chèo hát về mẹ, những bài hát về quê hương vẫn được khán giả cổ vũ nhiệt tình.

Trải qua 2 ngày lễ hội, được gặp gỡ, được trở lại với bao nhiêu gần gũi, thân thương, chúng tôi thấy may mắn vì được sống lại với những cảm xúc ngày nào. Người ta cứ nghĩ đến những lễ hội bị thương mại hóa, nhưng trong sự xô bồ của những lễ hội bị thương mại, ta vẫn tìm ra một chỗ để bình yên, đúng như khi nói về ý nghĩa của lễ hội đối với con người, cố giáo sư Trần Quốc Vượng trong bài viết "Hội hè dân gian với làng quê đổi mới" từng nhấn mạnh lễ hội góp phần củng cố cái tinh thần cộng đồng của làng quê xóm cũ, giúp thỏa mãn nhu cầu được "cộng cảm". Thông qua lễ hội, con người không chỉ cảm thông lẫn nhau, mà hơn thế nữa còn cảm thông và hội nhập với đất trời, với cảnh vật bao quanh. Lễ hội vì vậy mà mang giá trị tinh thần rất lớn.

Khánh Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/than-thuong-hoi-que-i684006/