Thận trọng khi giao dịch với đối tác Hồng Kông

(HQ Online)- Không tìm hiểu kỹ về đối tác, không trực tiếp gặp mặt mà chỉ giao dịch qua thư điện tử, điện thoại, fax… nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị phía đối tác Hồng Kông lừa đảo.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Theo Bô Công Thương, thời gian qua, một số thương nhân, doanh nghiệp Việt Nam mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ cho đối tác Hồng Kông đã bị phía đối tác lừa đảo, không trả tiền.

Cụ thể, một công ty của Việt Nam ký hợp đồng mua thiết bị ánh sáng sân khấu với một công ty của Hồng Kông, sau lần giao dịch lần đầu thành công với giá trị nhỏ, đến thương vụ giao dịch lần thứ 2 với giá trị lớn, đối tác phía Hồng Kông đề nghị chuyển trước 100% tiền hàng theo hình thức chuyển tiền bằng điện (TT) theo số tài khoản cũ (số tài khoản giao dịch lần đầu) nhưng không chuyển được, phía Hồng Kông đề nghị chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Sau khi phía công ty Việt Nam chuyển tiền thành công vào tài khoản cá nhân thì phía doanh nghiệp Hồng Kông nói là không nhận được tiền và phủ nhận việc yêu cầu chuyển vào tài khoản cá nhân, phía công ty Hồng Kông cho rằng e-mail đã bị hacker sử dụng.

Một trường hợp khác là một công ty thương mại thủy sản của Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu mặt hàng thủy sản đông lạnh với một đối tác Hồng Kông, tổng giá trị hợp đồng lên tới 400.000 USD, hàng đã giao tuy nhiên phía đối tác Hồng Kông cố tình khất lần, trì hoãn thanh toán tiền hàng và chưa biết khi nào họ mới thanh toán cho phía Việt Nam.

Nguyên nhân của những vụ lừa đảo này là do doanh nghiêp Việt Nam không tìm hiểu kỹ về đối tác, thường không trực tiếp gặp mặt mà chỉ giao dịch qua e-mail, điện thoại, fax nên không có khả năng kiểm tra được tính xác thực của địa chỉ, số điện thoại, khả năng tài chính của đối tác.

Một số doanh nghiệp Việt Nam nhận được chào hàng với giá rất hấp dẫn, điều kiện thanh toán, giao hàng thuận lợi… nên đã nhanh chóng ký kết hợp đồng và thanh toán ứng trước mà chưa kiểm tra về đối tác.

Một thủ đoạn phổ biến của các vụ việc lừa đảo, chậm thanh toán tiền hàng là phía đối tác Hồng Kông thanh toán sòng phẳng một số giao dịch ban đầu để tạo lòng tin cho phía Việt Nam, sau đó mới tiến hành lừa đảo, lừa tiền hàng, dịch vụ với các thương vụ số tiền lớn.

Dự báo thời gian tới đây, số lượng các công ty gặp khó khăn về tài chính, phá sản sẽ gia tăng do ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu kéo dài, do đó khả năng xuất hiện các vụ lừa đảo, tranh chấp thương mại cũng sẽ tăng lên. Để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong làm ăn với doanh nghiệp Hồng Kông nói riêng và nước ngoài nói chung trong điều kiện môi trường kinh doanh khó khăn như hiện nay, Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước lưu ý một số điểm sau để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.

Trước tiên, doanh nghiệp cần kiểm tra tư cách pháp nhân và tình trạng tín dụng, khả năng giao hàng và uy tín của đối tác nước ngoài trước khi giao dịch ký kết hợp đồng, cần thận trọng và nắm vững thông tin về các đối tác trước khi đặt quan hệ làm ăn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên trực tiếp gặp gỡ, ký kết hợp đồng với đối tác, kiểm tra kỹ các loại văn bản, giấy tờ mà phía đối tác nước ngoài cung cấp; hạn chế sử dụng các hình thức thanh toán nhiều rủi ro như chuyển tiền bằng điện (TTR), nhờ thu (D/A, D/P), hạn chế hoặc không ứng trước tiền hàng với giá trị lớn; nên sử dụng các hình thức thanh toán có độ an toàn cao hơn như thư tín dụng không thể hủy ngang (Irrevocable L/C at sight).

Ngoài ra, doanh nghiệp cần cảnh giác trước những chào hàng giá rẻ “bất ngờ”, các điều kiện giao hàng, thanh toán dễ dãi và những đối tác cho địa chỉ không rõ ràng, chỉ sử dụng điện thoại di động, email trong giao dịch.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/than-trong-khi-giao-dich-voi-doi-tac-hong-kong.aspx