Than trong nước đắt hơn thế giới, TKV quyết không hạ giá

Dù TKV vẫn đang tồn kho rất nhiều than do không có hợp đồng xuất khẩu, song không ít doanh nghiệp trong nước lại phải nhập than từ nước ngoài vào vì giá trong nước quá cao.

Điển hình như câu chuyện của một doanh nghiệp tại Hà Nội mới đây đã phải nhập từ Úc một tàu 10.000 tấn than antraxit nhiệt lượng cao, loại than cám 2 mà TKV vẫn bán trên thị trường nội địa (hay còn gọi là than cám 7 trong các hợp đồng xuất khẩu).

Theo doanh nghiệp này, ở thời điểm hiện tại, giá nhập khẩu than cùng loại (tính luôn cả chi phí vận chuyển về cảng) mới chỉ tương đương giá TKV bán ngay tại thị trường nội địa; hay nói cách khác là giá bán của TKV cao hơn giá bán của đối tác nước ngoài.

Cụ thể, như loại than nêu trên thì giá nhập khẩu từ Úc gồm cả chi phí vận chuyển (23 đô la Mỹ/tấn) là 128 đô la/tấn; còn giá bán than của TKV cho doanh nghiệp nội địa, không phải chịu thuế xuất khẩu, lại không thấp hơn giá này.

Hoặc ở thời điểm cuối tháng 6, loại than cám 11 A (nhiệt lượng thấp) giá TKV chào bán là 69 đô la/tấn, trong khi giá than này được chào bán tại Quảng Châu (Trung Quốc) khoảng 55 đô la đến 56 đô la/tấn.

Theo Phó Tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên, sở dĩ giá than trong nước bị đội lên vì Bộ Tài chính tăng thuế xuất khẩu than từ 10% lên 13% (kể từ ngày 7-7) và chi phí sản xuất than của TKV mỗi năm tăng từ 4% đến 5% do điều kiện khai thác khó khăn.

Hai yếu tố này cộng vào giá thành khiến cho giá xuất khẩu của TKV không cạnh tranh được so với các nhà sản xuất khác. Hiện các nước xuất khẩu than lớn như Indonesia, Úc thuế xuất khẩu 0%, Trung Quốc 10%.

Giá xuất khẩu cao đã khiến sản lượng xuất khẩu của TKV giảm, từ mức bình quân 1,2 triệu tấn/tháng xuống còn khoảng 400.000-500.000 tấn/tháng.

Dù tồn kho nhưng TKV vẫn bán giá cao để mặc các doanh nghiệp trong nước đi nhập khẩu ở nước ngoài

Theo TS Nguyễn Thành Sơn, việc giảm thuế suất thuế xuất khẩu không phải vì lỗ hay vì giá than bán cho nhiệt điện thấp mà sự thật là TKV không còn khả năng xuất khẩu được nữa do chất lượng than đã và đang ngày càng giảm.

Theo ông Sơn, trước kia, TKV lý giải cho việc cần phải xuất khẩu than là do sản xuất ra nhiều than chất lượng cao mà trong nước không dùng đến. Nhưng trên thực tế, những loại than tốt được xuất khẩu không phải là nhiều (chỉ bán được cho các nhà máy thép và xi măng của Nhật), chủ yếu là than chất lượng trung bình và thấp (được các khách hàng Trung Quốc mua về dùng cho các nhà máy điện).

Gần đây (khoảng 2 tháng trước), phía Trung Quốc đã ban hành chính sách cấm nhập khẩu than chất lượng thấp (nhiệt năng dưới 4050 kcal/kg) để phát điện vì lý do môi trường. Vì vậy, TKV đang có nguy cơ mất 70-80% thị trường xuất khẩu than chất lượng thấp là Trung Quốc.

Còn ở trong nước, nhiều doanh nghiệp khu vực miền Trung, miền Nam đã và đang chuyển sang nhập khẩu than về dùng vì việc vận chuyển than lẫn nhiều đất đá từ Quảng Ninh vào đã làm cho giá than trong nước còn cao hơn giá than nhập từ nước ngoài về Việt Nam.

Nếu tính theo đơn vị nhiệt năng, giá bán than trong nước của TKV cao nhất thế giới, vì giá thành khai thác than của TKV cũng đang cao nhất thế giới.

Vì vậy, con đường sống duy nhất của TKV là phải tăng cường quản lý chi phí sản xuất, đầu tư theo chiều sâu để giảm giá thành, tự nâng cao sức cạnh tranh của than trong nước.

Phương Nguyên (Tổng hợp TBKTSG, ĐVO)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong-doanh-nghiep/201308/than-trong-nuoc-dat-hon-the-gioi-tkv-quyet-khong-ha-gia-2351886/