Thận trọng sửa luật

Được thẩm tra gấp gáp chỉ 1 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước. Chỉ riêng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đã có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Tại phiên bản mới nhất của dự thảo luật, Chính phủ đưa ra 2 phương án.

Phương án 1, kể từ 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ, cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2, kể từ 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ, cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.

Đại diện Chính phủ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, khẳng định tăng tuổi nghỉ hưu không thể trì hoãn được nữa, vì áp lực thiếu hụt lao động và nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm hưu trí đã nhãn tiền.

Việc kéo dài thời gian có lộ trình, không đột ngột, đủ đảm bảo sự đáp ứng tốt của thị trường lao động. Bởi theo lộ trình này, đến 2035 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60; đến 2029 mới có người nam giới đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62.

Nhưng một số đại biểu Quốc hội có ý kiến khác. Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Ngọ Duy Hiểu, nhìn nhận: “Người trẻ muốn tham gia thị trường lao động lại bị hạn chế cơ hội, người già muốn nghỉ lại phải tiếp tục làm việc, nên lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần cân nhắc kỹ”.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng nếu chỉ tăng tuổi lao động vì nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm chưa thuyết phục. Chỉ có một số môi trường công tác người lao động mong muốn kéo dài, còn đa số mong nghỉ.

Trên quan điểm thận trọng, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, cần đánh giá đầy đủ, toàn diện, kỹ lưỡng tác động của các chính sách mới, trên cơ sở tham vấn ý kiến đối tượng chịu sự tác động và phản biện xã hội, thậm chí, xem xét khả năng tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các nội dung, chính sách mới của dự án bộ luật.

Theo đó tiếp tục nghiên cứu đánh giá về thực trạng quan hệ xã hội của một số vấn đề nổi lên thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án; bảo đảm hoạt động đánh giá tác động chính sách đã được lấy ý kiến phản biện đúng quy định…

Anh Thư

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/than-trong-sua-luat-68651.html