Thận trọng với diễn biến giá vàng

Những ngày qua, giá vàng trong nước diễn biến khó lường, lúc sụt giảm sâu khi tăng rất mạnh. Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn rất lớn. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thận trọng bởi với diễn biến như hiện nay, mua vàng rất rủi ro.

Giao dịch trên thị trường sáng 21-7.

Liên tục tăng - giảm mạnh

Sau một thời gian dài ít biến động, ngày 18-7, giá vàng miếng SJC đột ngột giảm tới hơn 4 triệu đồng/lượng ở chiều bán, xuống mức 63,8 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá vàng tăng giá trở lại, đến cuối ngày dừng ở mức 64,5 triệu đồng/lượng. Sang ngày 19-7, lúc đầu giá vàng tiếp tục lao dốc, có thời điểm xuống còn 62,5 triệu đồng/lượng - mức thấp nhất hơn 5 tháng qua, rồi hồi phục dần, đóng cửa ở mức 65,3 triệu đồng/lượng.

Đáng chú ý, ngày 20-7, giá tăng hơn 1 triệu đồng/lượng, lên mức 66,5 triệu đồng/lượng, song đến sáng nay (21-7), lại đảo chiều giảm tới 1-1,5 triệu đồng/lượng.

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác bám sát giá của Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) để điều chỉnh nhưng thường để giá thấp hơn 200.000 - 400.000 đồng/lượng.

Chẳng hạn, lúc hơn 10h sáng nay, giá vàng tại Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn là 63,4 triệu đồng/lượng (mua vào) - 65,4 triệu đồng/lượng (bán ra), trong khi đó, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji để là 63 triệu đồng/lượng (mua vào) - 65 triệu đồng/lượng (bán ra), còn Tập đoàn Phú Quý niêm yết ở mức 63,2 triệu đồng/lượng (mua vào) - 65,2 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tuy nhiên, có điểm chung là các doanh nghiệp để chênh lệch giữa giá mua và giá bán ở mức rất rộng, phổ biến là 1,93 - 2 triệu đồng/lượng, nhằm phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh giá biến động mạnh.

Đáng chú ý, giá vàng của các thương hiệu khác thấp hơn vàng SJC rất nhiều. Cụ thể, giá vàng miếng và vàng nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cùng được niêm yết là 51,66 triệu đồng/lượng (mua vào) - 52,41 triệu đồng/lượng (bán ra), thấp hơn gần 13 triệu đồng/lượng so với giá vàng miếng SJC. Chênh lệch giá mua và bán chỉ là 750.000 đồng/lượng.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh cho rằng, giá vàng SJC diễn biến như vậy chủ yếu là theo diễn biến giá thế giới. Giá vàng trong nước điều chỉnh chậm hơn sau đó mới giảm sâu, thêm vào đó tâm lý lo ngại giá còn giảm sâu nữa khiến một bộ phận nhà đầu tư bán ra đã đẩy giá càng giảm sâu hơn. Sau khi thị trường ổn định trở lại, một số người nhận thấy giá thấp nên đã mua vào giúp thị trường hồi phục. Trong ngày 21-7, giá vàng trong nước giảm mạnh hoàn toàn xuất phát từ thị trường quốc tế. Giá vàng phản ánh cung cầu trên thị trường.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, giá vàng miếng SJC biến động mạnh do lực bán ra từ các "tay to" trên thị trường như đơn vị đầu tư hoặc ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, ghi nhận trên thị trường cho thấy không có sự xáo trộn.

Đại diện Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cho biết, những ngày qua, khách hàng giao dịch tăng khoảng 30% so với ngày thường. Trong khi một số người bán ra cắt lỗ thì số khách mua vào chiếm ưu thế, chiếm khoảng 65% số người đến giao dịch. Do giá vàng miếng SJC biến động mạnh, khách chủ yếu chuyển sang lựa chọn sản phẩm vàng khác như vàng nhẫn tròn trơn.

Cần thận trọng

Thời gian qua, giá vàng miếng SJC cao hơn giá thế giới rất nhiều, có thời điểm lên đến gần 20 triệu đồng/lượng. Điều này dễ hiểu bởi đúng với quy luật cung cầu thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng quốc gia. Nhiều năm qua, Việt Nam không nhập khẩu vàng, số lượng vàng SJC lưu thông không được bổ sung dẫn đến tình trạng khan hiếm.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, thời gian qua, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có giải pháp can thiệp để đưa giá vàng trong nước về sát giá thế giới; trong đó, đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên cấp phép cho doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập vàng nguyên liệu để sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Về vàng miếng, thay vì độc quyền như hiện nay, nên cho thêm một vài thương hiệu vàng miếng khác.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, quy định về độc quyền sản xuất vàng miếng ít nhiều đã không còn phù hợp. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã góp phần chống "vàng hóa" nền kinh tế, vàng không còn là từ phương tiện thanh toán như trước, quy mô thị trường vàng hiện không lớn nên giá vàng SJC biến động mạnh không ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, với mức chênh lệch giá giữa hai thị trường lớn như hiện nay, cùng với giá liên tục biến động mạnh, chưa kể chênh lệch giữa giá mua và giá bán cũng rất rộng, mua vàng rất rủi ro.

Trên thực tế, so với mức giá cao nhất lịch sử là 74,4 triệu đồng/lượng ghi nhận vào ngày 8-3-2022 thì giá vàng SJC hiện thấp hơn 9 triệu đồng/lượng nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới tới khoảng 17,3 triệu đồng/lượng.

"Vì vậy, người dân nên thận trọng, cần tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư. Nếu có việc cần mua vàng, nên mua loại vàng có mức chênh lệch với giá thế giới thấp hơn và có chênh lệch giá mua - bán hẹp hơn", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đưa ra lời khuyên.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh cho rằng, trong bối cảnh giá vàng miếng SJC liên tục biến động mạnh, các tiệm vàng nới rộng chênh lệch giữa giá mua vào, bán ra nhằm tránh rủi ro, khách hàng mua, bán trong thời điểm này đều bất lợi.

Hương Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/1037480/than-trong-voi-dien-bien-gia-vang