Thận trọng với mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm giả

Trước 'ma trận' hàng thật hàng giả lẫn lộn, bát nháo trên thị trường, để tạo lòng tin người tiêu dùng (NTD), các đối tượng đã chuyển hướng sang một thủ đoạn lừa đảo khác khá tinh vi là quảng cáo sản phẩm đang bán có mã vạch để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nhưng đặc biệt giá sản phẩm 'chính hãng' lại rẻ hơn rất nhiều lần so với giá gốc.

Với lý do thanh lý hết hàng để nghỉ bán, tại trang bán hàng “L.D Luxury” giới thiệu trên mạng xã hội có hàng trăm chai nước hoa Pháp với nhiều nhãn hiệu được rao bán đồng giá chỉ 75.000 đồng/chai.

Cơ quan chức năng kiểm tra hàng giả, hàng nhái.

Để chứng minh đây là hàng chính hãng, chủ cửa hàng lấy điện thoại di động đưa lên chai nước hoa hiệu Chanel Coco để check mã vạch in trên sản phẩm, ngay lập tức thông tin hiện lên màn hình điện thoại là sản phẩm Chanel Coco có xuất xứ Pháp, giá nhà sản xuất bán hơn 5,6 triệu đồng/chai. “Đây là hàng chính hãng, nên mới quét được mã vạch, còn hàng giả thì không quét được”, người bán khẳng định, đồng thời khuyên khách hàng: “Khi nhận hàng, check QR mã vạch chuẩn hàng mới thanh toán”.

Tương tự, tại trang “nước hoa Pháp chính hãng”, nhiều thương hiệu nước hoa như: Gucci, Chanel, Gio, Allure, Versace… cũng đều bán đồng giá chỉ 139.000 đồng /chai, trong khi check mã vạch các loại nước hoa trên, không có sản phẩm nào dưới 1,5 triệu đồng/chai. Lý do chủ shop đưa ra để bán đại hạ giá là “do trong quá trình vận chuyển, vỏ hộp bị móp méo, không còn nguyên vẹn nên khách sỉ không lấy”. Thậm chí, có shop còn khuyến mãi đậm, mua 2 chai nước hoa Gentry Man (giá 199.000 đồng/chai) tặng 1 chai nước hoa Dubai…

Trong thời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường và công nghệ làm hàng giả của các đối tượng khá tinh vi, nếu bằng mắt thường thì NTD rất khó phân biệt đâu là hàng thật - hàng giả. Chính vì vậy, mã vạch như là một công cụ đáng tin cậy đối với NTD vì mã vạch thể hiện tất cả các thông tin liên quan đến sản phẩm.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc một công ty công nghệ tại TP Hồ Chí Minh, mã vạch dùng để truy xuất về thông tin sản phẩm, chứ không có ý nghĩa để phân biệt hàng thật, hàng giả và phần lớn NTD cũng nhầm lẫn vấn đề này. Chính vì vậy hiện nay mã vạch bị làm giả rất nhiều. Mã vạch giả trên thị trường hiện nay được các đối tượng làm khá tinh vi, rất khó phân biệt qua những cách thông thường. Để check được hàng thật, hàng giả thì phải kết hợp với một thuật toán giải mã do nhà cung cấp giải pháp chống hàng giả phát hành.

Hiện nay trên thị trường gần như sản phẩm nào cũng đều có mã vạch để truy xuất thông tin sản phẩm, kể cả hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì vậy, việc nhận diện hàng thật, hàng giả của NTD hết sức khó khăn, đặc biệt đây là thời điểm các đối tượng chuẩn bị số lượng lớn hàng hóa để cung ứng cho thị trường cuối năm.

Trong đợt cao điểm dịp Tết Nguyên đán 2024, mới đây Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh cho biết phối hợp với Cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra kho hàng tại đường Tân Thới Hiệp 29 và điểm kinh doanh trên đường Đông Hưng Thuận 9 (quận 12), phát hiện và thu giữ gần 25.000 sản phẩm nước hoa giả các thương hiệu Chanel, Dior, Gucci... Toàn bộ lô hàng này đều không có hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc sản phẩm.

Theo khai nhận của chủ hàng, số nước hoa này được mua từ khách đến mời chào, sau đó được rao bán trên mạng với giá từ 35.000 - 100.000 đồng/chai, tùy loại để kiếm lời. Ước tính lô hàng trị giá gần 1,2 tỷ đồng. Tương tự, kiểm tra tại điểm chứa trữ, kinh doanh ở đường An Dương Vương, phường 16, quận 8 do Nguyễn Tấn Hiền làm chủ hộ kinh doanh, lực lượng phối hợp cũng phát hiện, thu giữ 23.276 đơn vị sản phẩm hóa mỹ phấm, thực phẩm chức năng... không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 950 triệu đồng…

Từ ngày 15/12 đến 25/12/2023, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã khám phá 19 vụ với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 11,7 tỷ đồng, đã khởi tố, điều tra 12 vụ, 15 bị can gồm các hành vi buôn lậu, hàng cấm, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT).

Theo đánh giá của Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm SHTT… không có dấu hiệu giảm, cụ thể: Trong năm 2023, có 1.063 trường hợp kinh doanh hàng lậu (tăng 3,4% so cùng kỳ), 1.593 trường hợp kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ (tăng 105,81%) và 1.302 trường hợp kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền SHTT (tăng 101,23%). Hoạt động ở chợ online hiện nay rất phức tạp, một số đối tượng tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả để bán hàng nên rất khó để xác định được đối tượng vi phạm và nơi chứa trữ hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý. Việc giao nhận hàng hóa thông qua dịch vụ giao nhận hàng hóa, sử dụng bằng xe gắn máy, để vận chuyển với số lượng ít nên khó phát hiện.

Ngoài ra, việc chứa trữ, kinh doanh hàng hóa cũng được các đối tượng chuyển vào các căn nhà trong hẻm sâu, nhiều ngách hoặc trong các chung cư cao cấp khó phát hiện, gây nhiều khó khăn cho lực lượng kiểm tra. Đáng chú ý, nhiều đối tượng đã bị xử phạt hành chính, tuy nhiên do việc kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đem lại lợi nhuận lớn dẫn đến nhiều trường hợp tiếp tục tái phạm.

Thúy Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/than-trong-voi-ma-vach-truy-xuat-nguon-goc-san-pham-gia-i719057/