Thận trọng với những diễn biến của kinh tế quốc tế

Ngày 3-11, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10-2018 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Các thành viên Chính phủ đánh giá trong thời gian qua, kinh tế-xã hội (KT-XH) Việt Nam ổn định, tăng trưởng tốt, có thể đạt các mục tiêu của năm 2018. Tuy nhiên, hiện tình hình thương mại trên thế giới diễn biến phức tạp, do đó các bộ, ngành, địa phương không thể chủ quan, cần tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ, theo dõi sát tình hình, có những giải pháp linh hoạt, phù hợp.

Nền kinh tế ổn định, tăng trưởng cao

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng; tháng 10-2018, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 và năm 2019 còn 3,7%, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm; trước những thách thức đó, thời gian qua kinh tế vĩ mô của Việt Nam tháng 10 và 10 tháng qua vẫn tiếp tục ổn định. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá, khẳng định cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang phát huy hiệu quả tích cực. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng năm 2018 tăng 10,4%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (9,6%). IIP 10 tháng năm 2018 của 63 tỉnh, thành phố đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt hơn 200 tỷ USD, tăng 14,2%. Trong 10 tháng xuất siêu 6,4 tỷ USD. CPI tháng 10-2018 tăng 0,33% so với tháng 9-2018; CPI bình quân 10 tháng năm 2018 tăng 3,6%. Dự báo mục tiêu kiểm soát mức tăng CPI dưới 4% cả năm 2018 ngày càng khả thi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Cả nước có gần 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.116 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 9,2% về số vốn. Còn có gần 28.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 22,7% so với cùng kỳ. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu phấn đấu năm nay, sẽ có 130.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Các nguồn vốn đầu tư tiếp tục tăng. Tập đoàn Samsung đang xem xét tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Việt Nam, không chỉ ở lĩnh vực điện thoại thông minh mà còn mở rộng sang nhiều sản phẩm công nghệ cao.

Cần sách lược mới để cải thiện môi trường kinh doanh

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng cũng nổi lên một số vấn đề tồn tại, hạn chế mà các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, phân tích để đưa ra các giải pháp khắc phục. Đó là theo Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2019 của Ngân hàng Thế giới vừa được công bố, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng điểm nhưng lại tụt hạng. Cụ thể, tổng điểm mà môi trường kinh doanh Việt Nam đạt được là 68,36 điểm, tăng nhẹ 1,59 điểm so với năm 2018; xếp hạng 69/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tụt một bậc so với năm ngoái.

Điều này khá lạ trong bối cảnh Chính phủ vẫn đang nỗ lực cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Đến nay, các bộ đã trình Chính phủ cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 3.004/6.191 điều kiện kinh doanh, kết quả này tăng rất mạnh so với thời điểm cuối tháng 9. Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành thêm 30 nghị định về cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh.

Vì vậy, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành phải nghiên cứu, phân tích lý do môi trường kinh doanh bị tụt hạng, từ đó để đẩy mạnh cải thiện. Theo phân tích của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, các tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh của quốc tế đã đổi để đáp ứng các yêu cầu trong Cách mạng công nghiệp 4.0, trong khi đó các vấn đề trong các Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh thực hiện trong 5 năm vừa qua, rất cần có sự bổ sung, thay thế cho phù hợp với các yêu cầu mới.

Để làm được điều này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần phải quan tâm tới một số nội dung, như: Tập trung xây dựng Chính phủ điện tử; ban hành nghị định về liên thông thông tin... Theo đó, chỉ có những thông tin bí mật mới quản chặt còn lại phải mở dữ liệu để các bộ, ngành khai thác của nhau và người dân khai thác, nếu không sẽ là sự lãng phí lớn. Vừa qua, các bộ đã làm nhiều việc trong xây dựng hệ thống quản lý điện tử, nhưng lại không liên thông với nhau. Hiện nay, cán bộ các cục, vụ ở các bộ vẫn còn tâm lý muốn "cố thủ" giữ dữ liệu cho riêng mình để quản lý.

Thời gian qua, mặc dù sản lượng xuất khẩu nông sản tăng, nhưng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) không tăng tương ứng do giá xuất khẩu một số nông sản như: Điều, cao su, hồ tiêu... còn ở mức giá thấp. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có một thực tế là từ đầu năm tới nay giá cà phê, cao su, tiêu, điều trên thế giới khá thấp. Đến hết tháng 10 KNXK nông sản đạt hơn 33 tỷ USD. Bộ trưởng cho rằng để đạt KNXK 38 tỷ USD thì có thể được, tuy nhiên muốn đạt mức xuất khẩu 40 tỷ USD theo chỉ đạo của Thủ tướng thì cần các giải pháp quyết liệt, trong đó có việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng như gạo, thủy sản.

Một số vấn đề nữa cũng cần quan tâm là Việt Nam thu hút 12,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng dịch vụ du lịch, tăng nguồn thu từ số lượng khách quốc tế vẫn còn những hạn chế. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng của một số địa phương có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, trước đây khi GDP Việt Nam tăng 1% thì GRDP của TP Hồ Chí Minh thường tăng khoảng 1,6%, nhưng thời gian qua GDP cả nước tăng 1% thì GRDP của TP Hồ Chí Minh thì chỉ tăng 1,05%.

Bất cập nữa là tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn nóng bỏng, một số vụ việc có sự thông đồng, tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất. Trật tự, an toàn xã hội tại một số địa bàn diễn biến phức tạp; tội phạm ma túy, tình trạng xã hội đen, tín dụng đen, bảo kê, cướp giật, cướp ngân hàng xảy ra ở một số nơi. Thủ tướng yêu cầu tập trung xử lý cương quyết các vấn đề xã hội này.

Điều hành linh hoạt, theo sát diễn biến thị trường

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, tình hình chuyển biến tích cực, kết quả tốt hơn cùng kỳ năm trước. Điều này, càng củng cố thêm dự báo sẽ vượt và đạt toàn bộ các chỉ tiêu mà Quốc hội giao năm 2018. Tuy nhiên, Thủ tướng cảnh báo, nếu chủ quan thì có thể không đạt được chỉ tiêu.

Về nhiệm vụ trọng tâm hai tháng cuối năm, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục nhất quán ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Có phương án ngay từ bây giờ đến cuối năm để bảo đảm không tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng nhằm tạo thêm sự linh hoạt khi ứng phó với các diễn biến bất lợi trên thị trường tài chính thế giới và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Bộ Tài chính chú trọng theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có giải pháp phù hợp, kịp thời để phát triển hiệu quả, bền vững thị trường chứng khoán. Hết sức lưu ý điều hành giá xăng dầu, giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng kế hoạch, đề ra nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể để nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh, cụ thể đến từng chỉ tiêu, đặc biệt tiêu chí, nhóm chỉ tiêu Việt Nam xếp hạng thấp, có nguy cơ tụt hậu.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó chú trọng các dự án lớn, dự án quan trọng, trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm chất lượng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2018; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp Đoàn Ủy ban Nghề cá của Nghị viện châu Âu (EC) và đề nghị đoàn ủng hộ việc sớm xem xét tích cực nỗ lực của Việt Nam, sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và 28 địa phương ven biển phải quyết liệt thực hiện việc giám sát, ngăn ngừa hoạt động đánh bắt hải sản trái quy định của EC.

Lưu ý vấn đề dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng nêu rõ, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh nhập cảnh vào Việt Nam.

Về du lịch và dịch vụ, Thủ tướng đề nghị giải mã các bất cập về du lịch và có hội nghị chuyên đề về vấn đề này, nhất là quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty lữ hành, tránh tình trạng ép giá hoặc phá giá dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch.

Thủ tướng yêu cầu hai tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương; thanh tra công vụ và báo cáo công khai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Chiều 3-11, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2018 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng. Lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí về chất lượng cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; việc chèo kéo khách du lịch ở khu vực hồ Hoàn Kiếm; việc cấp phép cho Hãng hàng không Bamboo Airways... Trả lời câu hỏi về đề xuất của TP Hồ Chí Minh về việc xin miễn học phí cho cấp trung học cơ sở thuộc khối học công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đề xuất này thể hiện sự quan tâm của thành phố đến công tác giáo dục, đặc biệt là đối với cấp trung học cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề xuất Quốc hội sửa Luật Giáo dục, trong đó có liên quan đến vấn đề học phí. Vì vậy, Thủ tướng cũng cân nhắc và đặt vấn đề TP Hồ Chí Minh chờ. Khi có Luật Giáo dục sửa đổi thì sẽ thực hiện theo quy định của luật.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/than-trong-voi-nhung-dien-bien-cua-kinh-te-quoc-te-553603