Thận trọng xem xét xây dựng Luật Giáo dục thực sự hợp lòng dân

Thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu một cách chặt chẽ, thận trọng, thấu đáo, nhằm mục tiêu cuối cùng là xây dựng được một luật hợp lòng dân nhất và thuận lợi trong thi hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 8/8, UBTVQH đã xem xét, thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số bộ, ngành hữu quan.

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Trên cơ sở xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thống nhất mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và đổi tên dự án Luật thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Nhiều ý kiến thành viên UBTVQH nhận định, sau kỳ họp thứ 5, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã rất tích cực, trách nhiệm trong chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật theo hướng mở rộng phạm vi sửa đổi, điều chỉnh cấu trúc, sắp xếp lại chương, mục, điều khoản mạch lạc, rõ ràng, dễ theo dõi, phù hợp với tính chất, nội dung của Luật Giáo dục.

Hiện dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được xây dựng với bố cục gồm 10 chương, 119 điều, quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục.

Dự thảo luật cũng nêu rõ mục tiêu giáo dục là: nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Nhấn mạnh kỳ thi THPT quốc gia vừa qua còn để lại những vấn đề đáng suy nghĩ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng việc sửa đổi Luật Giáo dục cần phải được tiếp tục nghiên cứu thực tiễn, lấy ý kiến cử tri và nhân dân và đầu tư thời gian nhiều hơn để xây dựng một cách chặt chẽ, thận trọng, thấu đáo, nhất là vấn đề về thi cử và đánh giá chất lượng giáo dục, tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra trong thi cử như vừa qua.

Đồng quan điểm nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc đánh giá chất lượng giáo dục phải qua cả một quá trình, qua các kỳ thi. Nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT và cấp một chứng nhận đã học xong THPT chưa chắc chất lượng giáo dục đã được bảo đảm. “Quan điểm của tôi là nên duy trì tổ chức kỳ thi để đánh giá chất lượng giáo dục, vấn đề ở đây là cách thức tổ chức thế nào”, ông Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng đề nghị, dự án luật này cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân vì đây là vấn đề có liên quan đến toàn dân, toàn xã hội để mục tiêu cuối cùng là xây dựng được một luật hợp lòng dân nhất; tạo sự đồng thuận cao trong dư luận, xã hội và thuận lợi trong thi hành.

Về thi tốt nghiệp THPT, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, Luật Giáo dục hiện hành quy định học sinh học hết chương trình THPT, có đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh.

Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế. Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Ý kiến thứ 2 đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. Điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định được học lên các trình độ cao hơn.

“Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng ủng hộ ý kiến thứ nhất và xin ý kiến UBTVQH về các quan điểm nêu trên”, ông Phan Thanh Bình nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, liên quan đến quy định thí điểm trong lĩnh vực giáo dục, ông Phan Thanh bình cho rằng, giáo dục là một lĩnh vực quan trọng, đối tượng và phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động lâu dài tới đời sống, xã hội. Do đó, cần cẩn trọng khi quyết định những thay đổi trong chính sách giáo dục, nhất là những chính sách liên quan đến bộ máy tổ chức, chương trình giáo dục…

Một số ý kiến nhận định có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và quản lý giữa các trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân và nhà trường của hệ thống giáo dục quốc dân, dẫn đến những bất cập trong quản lý và bảo đảm chất lượng đào tạo cũng như quản lý ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục. Do vậy, đề nghị cân nhắc việc quy định riêng về các trường này trong dự Luật.

Về bằng tốt nghiệp THPT và bằng tốt nghiệp trung cấp, hiện nay, theo quy định của Luật Giáo dục Nghề nghiệp và Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, người có bằng tốt nghiệp THCS, khi hoàn thành chương trình trung cấp, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng, đại học thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa THPT.

Một số ý kiến cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tạo điều kiện thúc đẩy phân luồng, liên thông cần quy định công nhận tương đương hoặc bổ sung điều kiện cho việc công nhận tương đương bằng tốt nghiệp THPT với bằng tốt nghiệp trung cấp, cho phép người có bằng trung cấp được thi/tuyển vào các trường cao đẳng, đại học.

Trong điều kiện chưa thể công nhận tương đương văn bằng thì cần có cơ chế để tạo điều kiện cho người học trung cấp sau khi học, thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định thì được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng văn hóa THPT và được sử dụng giấy chứng nhận này (cùng với bằng tốt nghiệp trung cấp) để dự tuyển và học lên trình độ đào tạo cao hơn.

Ngoài ra, các thành viên UBTVQH cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến quy định về phổ cập giáo dục; phát triển giáo dục phổ thông; xây dựng đội ngũ nhà giáo; đào tạo sư phạm; chính sách lương nhà giáo; ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục; chi phí dịch vụ giáo dục…

Phát biểu kết thúc thảo luận về dự án Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH tại phiên họp, có sự đánh giá, rà soát thấu đáo, căn cơ các vấn đề còn có ý kiến khác nhau để bổ sung, hoàn thiện dự án Luật.

“Đây là một luật lớn, có liên quan đến từng nhà, từng người. Vì vậy UBTVQH thấy rằng cần phải hết sức thận trọng, thấu đáo, cần có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan cũng như lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, chuyên gia, nhà quản lý”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu./.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/than-trong-xem-xet-xay-dung-luat-giao-duc-thuc-su-hop-long-dan/343474.vgp