Tháng 10 là 'mùa dịch bệnh Whitmore ', người dân phải cảnh giác

Từ ngày 16 đến ngày 18-10, tại Hà Nội, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Viện Vệ sinh, Vi sinh và Môi trường Y học (Đại học Y khoa Graz – Áo) tổ chức hội thảo khoa học 'Bệnh Whitmore toàn cầu lần thứ 9'.

Đây là hội thảo khoa học lớn nhất toàn cầu về bệnh Whitmore, thu hút hơn 100 nhà khoa học đến từ 26 quốc gia. Vừa qua tại Việt Nam, bệnh Whitmore vẫn diễn biến phức tạp khi liên tiếp có bệnh nhân ở một số địa phương như Nghệ An, Bình Định nhập viện...

Bên lề hội thảo, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học về những giải pháp để phòng tránh vi khuẩn Whitmore.

PV: Thưa Tiến sĩ Trịnh Thành Trung, hội thảo này có kết quả nghiên cứu nào đáng chú ý, có thể áp dụng phòng, chống bệnh Whitmore tại Việt Nam?

Tiến sĩ Trịnh Thành Trung: Hội thảo có 65 bài báo cáo và 103 bài poster bao gồm tất cả các khía cạnh nghiên cứu về bệnh Whitmore, từ vi khuẩn gây bệnh đến đặc điểm lâm sàng, đáp ứng miễn dịch, xét nghiệm bệnh, để hướng tới việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc Whitmore hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Trịnh Thành Trung

Tiến sĩ Trịnh Thành Trung

Có những báo cáo cho thấy, khu vực gần biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, phía Campuchia rất nhiều ca bệnh, nhưng soi lại ở Việt Nam, đặc biệt ở những tỉnh giáp ranh đường biên, gần như các bác sĩ và cán bộ vi sinh còn chưa biết nhiều về Whitmore, nên số lượng ca bệnh Whitmore được phát hiện rất ít.

Trong khi đó, chỉ qua đường biên thôi, ở một số tỉnh thuộc Campuchia lại phát nhiều ca bệnh Whitmore. Do đó, chúng ta phải hành động dựa trên những công bố quốc tế và từ những công bố quốc tế đó, chúng ta có thể xác định được Việt Nam có nằm trong vùng bệnh không, từ đó sẽ biết cách tăng cường công tác xét nghiệm chẩn đoán và điều trị bệnh.

Qua hội thảo lần này, chúng tôi cũng muốn mọi người hiểu rõ hơn nữa vì sao Whitmore được công bố nhiều và được nhắc đến khá nhiều ở Việt Nam suốt những năm 60 và 80 của thế kỷ trước, nay lại đột ngột bị lãng quên. Chúng tôi muốn người dân phải hết sức cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này.

PV: Cơ chế lây lan của Whitmore trên cơ thể người ra sao, thưa ông?

Tiến sĩ Trịnh Thành Trung: Bệnh Whitmore là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây tử vong, không lây truyền từ người sang người. Trực khuẩn gây bệnh Whitmore là một loại vi khuẩn Gram âm, có thể tồn tại trong bùn, đất và lây nhiễm bệnh thông qua các vết xước, vết thương ngoài da do sơ ý hoặc tai nạn. Bệnh Whitmore lây qua 3 con đường: Nhiễm khuẩn khi tiếp xúc với bùn đất; qua đường hô hấp do hít phải bụi có vi khuẩn hoặc qua đường ăn uống nước nhiễm khuẩn. Vi khuẩn này gây ra biến chứng vô cùng nặng nề.

PV: Khi mắc bệnh, người dân nên làm gì và chúng ta phải nâng cao cảnh giác như thế nào để không bị vi khuẩn Whitmore tấn công?

Tiến sĩ Trịnh Thành Trung: Khi có những dấu hiệu về bệnh Whitmore, người dân nên đến cơ sở y tế uy tín có xét nghiệm vi sinh để xét nghiệm chẩn đoán, vì xét nghiệm vi sinh là xét nghiệm chẩn đoán cuối cùng để phát hiện được bệnh. Bệnh nhân phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, vì điều trị bệnh này phải kéo dài tới 6 tháng. Nếu bệnh nhân không tuân thủ, bệnh Whitmore có thể tái phát lại với tính “nguy cấp” mạnh hơn rất nhiều.

Mùa dịch bệnh Whitmore thường diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Tỷ lệ tử vong sẽ giảm đáng kể nếu bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kháng sinh theo đúng phác đồ hướng dẫn.

Tôi cũng muốn lưu ý thêm, do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bác sĩ thường chẩn đoán nhầm bệnh Whitmore với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu. Nhưng ngay cả khi được chẩn đoán chính xác, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh (thường là ceftazidime) tiêm tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất từ 2 đến 4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì từ 3 đến 6 tháng nữa.

Các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo về bệnh Whitmore

Người dân, đặc biệt những người có bệnh nền như tiểu đường hoặc bệnh lý gan thận cần chủ động phòng bệnh Whitmore như hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước, sử dụng bảo hộ lao động khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ruộng. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước ruộng. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì phải biết cách bảo vệ vết thương.

PV: Được biết ông có 12 năm nghiên cứu về Whitmore, ông và các cộng sự của mình sẽ mang đến hội thảo này những nghiên cứu mới nào?

Tiến sĩ Trịnh Thành Trung: Chúng tôi là những nhà khoa học vi sinh, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bác sĩ vi sinh lâm sàng làm thế nào để xét nghiệm được bệnh bằng các kỹ thuật vi sinh. Chúng tôi sẽ cùng cộng đồng các nhà khoa học quốc tế nâng cao cảnh giác cho người dân trước bệnh Whitmore, giúp cho người dân thấy được nguy hiểm của bệnh và tầm quan trọng của dịch tễ trong phòng bệnh

PV: Những nghiên cứu mới được công bố tại hội thảo này có thể áp dụng vào Việt Nam không, thưa ông?

Tiến sĩ Trịnh Thành Trung: Có nhiều kiến thức mới như kỹ thuật chẩn đoán, điều trị mới, nhưng để đưa vào Việt Nam cần sự tham gia của cả hệ thống y tế, đặc biệt là Bộ Y tế thì chúng ta mới có thể hành động được, còn không, chúng ta chỉ là người đứng ngoài quan sát thôi. Cá nhân tôi rất tâm đắc với báo cáo (có vai trò chính ở hội thảo này) là tình hình dịch tễ bệnh Whitmore ở các nước vùng Đông Nam Á và ở nhiều quốc gia khác. Dựa trên những công bố đó, chúng ta có thể “quy chiếu” được Việt Nam có phải nằm trong vùng dịch bệnh hay không? Khi chúng ta quy chiếu được, thì sẽ có cách hành động đúng đắn, hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

“Whitmore là vi khuẩn ăn thịt người” là xuyên tạc, bịa đặt

Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm, có thông tin cho rằng Whitmore là “vi khuẩn ăn thịt người” là hoàn toàn bịa đặt và xuyên tạc.

Bệnh Whitmore là bệnh nhiễm khuẩn, có biểu hiện lâm sàng đa dạng, như viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn huyết dẫn đến tử vong. Vi khuẩn đó có thể tấn công các cơ quan khác, gây các khối áp xe – đây là dạng bệnh lý thông thường, không phải “vi khuẩn ăn thịt người” – Tiến sĩ Trịnh Thành Trung chia sẻ

Thu Phương (thực hiện)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/thang-10-la-mua-dich-benh-whitmore-nguoi-dan-phai-canh-giac-565859/