Tháng 10 tươi đẹp ở Myanmar

Cảnh sắc mê hồn của hoàng hôn tại cố đô Bagan, cái chạm tay đầu tiên vào bức tường ngôi chùa hàng nghìn năm tuổi hay nụ cười hiền hậu của con người là những đặc trưng của Myanmar.

Myanmar một ngày đầu tháng 10 tươi đẹp, khoảng thời gian không khi nào lý tưởng hơn để khám phá mảnh đất này. Khắp nơi, sương giăng bảng lảng lúc Mặt Trời mọc. Cảnh sắc trong veo, yên bình có thể nhận thấy rõ từ những vị trí xa khuất. Từ tháng 10 đến tháng 12 cũng là thời điểm du khách tìm đến Myanmar đông nhất hàng năm.

Theo hiệp định song phương giữa Việt Nam và Myanmar có hiệu lực từ 26/10/2013, công dân Việt Nam mang hộ chiếu phổ thông còn giá trị ít nhất 6 tháng được miễn thị thực khi nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh tại lãnh thổ Myanmar với thời gian lưu trú không quá 14 ngày. Đây có thể coi là đặc quyền với du khách Việt Nam khi du lịch sang Myanmar hay bất cứ quốc gia nào thuộc Đông Nam Á, nghĩa là chỉ cần hộ chiếu mà không cần phải chuẩn bị hồ sơ xin visa hay đóng lệ phí visa… bạn sẽ có 2 tuần để thỏa sức khám phá những điều huyền bí ở xứ sở này mà không gặp bất cứ rào cản nào. Phóng viên Zing.vn vừa có cuộc khảo sát Bagan và một số địa danh đẹp ở Myanmar những ngày đầu tháng 10.

Bagan - điểm đến nhấp dẫn nhất Myanmar

Hướng dẫn viên du lịch nói với chúng tôi rằng đến Myanmar mà không tới Bagan, coi như mình chưa từng du lịch đất Miến. Khác với Yangon tấp nập xô bồ, nhịp sống ở Bagan chậm rãi, khoan thai khiến nhiều người chỉ muốn buông bỏ tất cả về đây sinh sống. Nơi đây yên bình, thanh tịnh và đẹp đến mức diệu kỳ.

Chỉ với diện tích khoảng 40 km2 nhưng Bagan có tới hơn 2.000 chùa và tháp lớn bé. Ở đây không có khói hương nghi ngút, không có những lễ lạt cầu cúng tấp nập ồn ào, chỉ có những mái chùa, đỉnh tháp, nền gạch rêu phong cổ kính nằm lặng lẽ bên đường và những đàn bò trắng, những cô gái mặc longyi mời bạn mua một xâu hoa tươi dâng Phật, tiếng xe ngựa chạy lộc cộc.

Tiếng vó ngựa cũng là âm thanh đồng hành đưa du khách khám phá những ngõ ngách của vùng đất Bagan cổ xưa, để tỷ mẩn ngắm từng đường nét của bức tường đã nhuốm màu thời gian, của những ngôi đền kiên định qua hàng nghìn năm lịch sử trong nắng, mưa hay những biến cố trong lịch sử.

Bagan từng là kinh đô của vương triều đế chế Miến Điện thứ nhất, nằm ở miền Trung của Myanmar. Chốn linh thiêng này là một đồng bằng rộng lớn với thảm thực vật phong phú và xanh tốt bên bờ sông Ayeyarwady. Từ khoảng năm 1057-1287, nơi đây được các vua Pagan xây dựng thành kinh đô của đế chế Pagan cổ đại.

Theo sử sách cũ ghi lại, ban đầu cố đô Pagan có tới 10.000 ngôi đền lớn nhỏ, tuy nhiên đến nay chỉ còn sót lại hơn 2.000 ngôi đền. Nhiều ngôi chùa gần đây bị hư hại do ảnh hưởng của những trận động đất.

Ngày nay, những ngôi đền còn sót lại đều đang được chính quyền Myanmar ra sức bảo tồn và phục dựng với hy vọng có thể giữ chúng nguyên vẹn cho thế hệ tương lai.

Tất cả chùa, tháp ở Bagan đều có kiến trúc 4 mặt với phần tâm tháp ở giữa. Để chiêm ngưỡng các kiến trúc và tượng Phật, mọi khách đến thăm đều phải đi một vòng quanh tháp, như cách hành hương truyền thống của tín đồ đạo Phật. Ở nhiều ngôi đền, phía bên trong sẽ có cầu thang để bạn leo lên phần tháp chính trên cao, nơi mang lại một quang cảnh ngoạn mục toàn cố đô Bagan với hàng nghìn ngôi đền, tháp, chùa lớn nhỏ nằm xen lẫn giữa rừng thẳm, như một bức tranh thiên đường hiện ra từ cõi không thực.

Với số lượng đền chùa lớn như vậy, Bagan được coi là nơi hội tụ những công trình kiến trúc đền chùa độc đáo nhất Đông Nam Á. Chỉ cần trèo lên đỉnh ngôi đền bất kỳ, phóng tầm mắt ra xa, bạn có thể thấy cảnh tượng kỳ vĩ của những ngôi đền nằm đan xen trên một vùng đất rộng lớn nhấp nhô trong sắc vàng hoang hoải của ánh chiều tà.

Vượt qua những con đường đất quanh co bốc bụi mù mịt dưới chân, trên đầu là cái nắng như đổ lửa rất đặc trưng của Bagan, đoàn du khách chúng tôi đến thăm những ngôi chùa đẹp nhất, tiêu biểu nhất của vùng đất này.

Vãn cảnh chùa Shwezigon, vào trong chùa Ananda

Chùa vàng Shwezigon là nguyên bản của chùa vàng Shwedagon ở Yangon. Nếu Shwedagon tráng lệ nguy nga thì Shwezigon lại mang nét đẹp ẩn mình như một viên ngọc vẫn còn thô ráp. Khi bước chân vào nơi đây, cảm giác chung của mọi du khách đó là cái tâm thanh bình, an tịnh trong không gian rộng lớn của ngôi đền gần 1.000 năm tuổi.

Cách thức thưởng ngoạn vẻ đẹp của chùa Shwezigon cũng vô cùng đặc biệt. Tương truyền vua Pagan xưa kia trong một lền đến vãn cảnh chùa Shwezigon do phải ngửa cổ quá cao để ngắm tầng tháp trên cùng của chùa nên đã đánh rơi chiếc vương miện của mình. Các nhà sư thấy vậy nên đã đào một lỗ nhỏ trên nền đá mà sau đó chỉ cần đồ đầy nước vào, hình ảnh của đỉnh tháp Shwezigon sẽ hiện lên trên mặt nước lung linh, rõ rệt như quan sát bằng mắt thường.

Kiến trúc, khung cảnh và không khí ở Bagan có gì đó thật chan hòa, gần gũi, khiến người ta chỉ muốn ngồi mãi ở bậc tam cấp, góc sân đền, trên đỉnh tháp, cảm nhận những con gió mát nhè nhẹ, bầu trời xanh, mặt trời, cây cỏ, khuôn mặt Phật hiền từ. Mọi tham vọng sân si trên cõi đời đều chỉ là vô nghĩa như một làn gió thoảng qua.

Rời chùa Shwezigon, trong tôi vẫn còn lâng lâng khi lần đầu được chứng kiến vẻ đẹp của kiến trúc đền chùa Myanmar. Nhiều du khách trong đoàn vẫn còn đôi chút ngờ vực khi được hướng dẫn viên giới thiệu ngôi chùa Ananda cách đó không xa mới được mệnh danh là ngôi chùa đẹp nhất ở Bagan.

Quả thực vậy, khi được tận mắt ngắm nhìn, chạm tay vào những bức tường, pho tượng có tuổi đời hơn 1.000 năm trong chùa Ananda, tôi đã hiểu thế nào là sự bất lực của ngôn từ trước cái đẹp. Dù được xây dựng từ thế kỷ XI nhưng nhiều chi tiết chạm trổ, hoa văn, những tích truyện xưa về Phật giáo vẫn được giữ gìn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Đó không chỉ còn là một ngôi chùa đơn thuần mà còn ẩn chứa đựng cả một thời kỳ lịch sử, văn hóa của đế chế Miến Điện cổ xưa.

Ngoài Ananda, những địa điểm chính mà bạn không nên bỏ qua ở Bagan còn có đền Dhammayangyi, đền Htilominlo, chùa Gawdawpalin, đền Thatbinnyu, chùa Bu Paya và chùa Shwe San Daw, nơi có ngọn tháp cao vút có thể ngắm hoàng hôn và bình mình nổi tiếng nhất.

Sáng dậy sớm xem các nhà sư xếp hàng khất thực

Không phải nơi khai sinh Phật giáo, thế nhưng Myanmar lại được coi là vùng đất của Phật pháp, nơi tập trung số lượng lớn các ngôi chùa linh thiêng với hơn 90% dân số theo đạo Phật. Thanh niên Myanmar hầu như ai cũng ít nhất một lần trong đời xuống tóc vào chùa tu tập. Myanmar mang đến cảm giác yên bình lạ kỳ, cuộc sống nơi đây vẫn mang trong mình vẻ đẹp bình yên đến kỳ lạ, chậm rãi không xô bồ cùng khung cảnh đẹp như trong những câu chuyện cổ xưa về Phật giáo.

Bất cứ nơi đâu trên đất Myanmar, bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các nhà sư đi trong trang phục màu vàng, đỏ đang rảo bước. Hình ảnh ấn tượng nhất với chúng tôi là khi các nhà sư xếp thành hàng cùng nhau đi khất thực, tiếng cầu kinh lầm rầm vang lên trong bầu không khí mát lành của sương sớm.

Các nhà sư tại Myanmar thường nhận đồ cúng gồm thức ăn, y phục và tiền. Mọi du khách đều có thể thoải mái chụp ảnh cùng các nhà sư nếu bạn xin phép họ trước. Tuy nhiên việc nữ du khách động chạm cơ thể với nhà sư là điều cấm kỵ.

Chùa chiền ở Myanmar không chỉ là nơi tu tập của nhà sư, mà còn là địa chỉ yêu thích được các nhà trường lựa chọn để giảng dạy cho học sinh về lịch sử của dân tộc, về văn hóa nghệ thuật và cả về Phật pháp. Cũng có lẽ ảnh hưởng bởi Phật pháp mà bản tính và cuộc sống của con người Myanmar có phần chậm rãi và khá bình yên.

Có một điều khá kỳ lạ, đó là những chú chó, mèo, chim bồ câu và quạ ở Myanmar đều rất bạo dạn và không sợ người, bạn có thể bắt gặp những chú chó, mèo nằm sưởi nắng ở trên đường phố, trong những ngôi đền hay thậm chí quấn quýt theo chân bạn mà không tỏ ra sợ hãi.

Hướng dẫn viên của chúng tôi cho biết, người dân Myanmar không có truyền thống ăn thịt chó, mèo, cộng với việc gần 90% người dân theo đạo Phật đã rèn luyện cho họ bản tính hiền lành, sống chan hòa với vạn vật mà không đem lòng tham lam hay giết chóc vô cơ.

May mắn trong đoàn khám phá Myanmar của chúng tôi lần này có sự góp mặt của hòa thượng Thích Quang Nhuận (Phó trưởng ban thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam).

Như một mối nhân duyên, trên suốt chuyến hành trình về miền đất Phật Myanmar, thầy Thích Quang Nhuận đã giảng dạy rất nhiều điều thú vị về Phật giáo dù trước đây trong suy nghĩ của tôi vẫn có không ít hoài nghi.

Những người dân mến khách

Mặc dù mới chỉ được mở cửa với thế giới sau một thời gian dài bị cấm vẫn chưa lâu, người dân Myanmar vốn quen với những điều cũ kỹ và luật lệ hà khắc luôn có cái nhìn kiêng dè với du khách hay máy ảnh thì nay lại mang một thái độ thân thiện và vô cùng cởi mở.

Hầu hết người dân tôi gặp đều rất hiền lành và luôn mỉm cười chào du khách Minglabar (xin chào, theo tiếng Myanmar), khi đó bạn đừng quên nở một nụ cười đáp lại lời chào của họ.

Ở bất kỳ đâu trên đất nước Myanamr, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy trên má và trán của phụ nữ, trẻ em ở Myanmar bôi bột thanaka truyền thống.

Suốt hơn 2.000 năm nay, người Myanmar duy trì hình thức chăm sóc sắc đẹp truyền thống là sử dụng thanaka - một loại kem chiết xuất từ vỏ cây táo voi, có mùi hương tự nhiên ngọt ngào với tác dụng dưỡng da trị mụn, giảm các nếp nhăn và chống nắng.

Khi chế biến bột thanaka, người ta sẽ cắt thân cây thành các khúc, mài lên phiến đá thấm nước rồi dùng bàn chải hoặc gạt để vẽ lên mặt những họa tiết bắt mắt như động vật, cỏ cây. Sử dụng thanaka là cách mà người Myanmar làm mềm da và bảo vệ khuôn mặt khỏi ánh nắng chói chang.

5 ngày là thời gian khám phá Myanmar quá ngắn để nói lên nhiều điều. Tuy nhiên, mỗi phút giây ở mảnh đất Phật giáo với vô vàn chùa chiền giữa rừng cây ngút ngàn, nụ cười thân thiện luôn thường trực trên môi con người nơi đây hay những câu chuyện cổ tích giữa lòng đời thực về về một đất nước vừa bí ẩn vừa quyến rũ khiến chúng tôi bị cảm mến.

Việt Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thang-10-tuoi-dep-o-myanmar-post884344.html