Tháng 5, Về Pác Bó...

Trên chuyến xe bus Cao Bằng - Hà Quảng, một ngày đầu tháng 5, tôi ghé về thăm Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó. Dọc tỉnh lộ 203, đoạn đường dài hơn 50 km len lỏi giữa những dãy núi đá vôi. Núi đá liền nhau nhưng hai bên đường vẫn có những khoảnh đất màu mỡ, xanh bạt ngàn ruộng ngô và cây thuốc lá. Thỉnh thoảng, có những chuyến xe bấm còi xin vượt, nhìn sang thấy treo cờ và băng rôn với dòng chữ Về nguồn. Bác tài xế nói với tôi: từ dịp lễ 30/4, 1/5 đến nay, nhiều đoàn khách du lịch, nhất là cựu chiến binh từ khắp nơi về thăm Pác Bó.

Một góc suối Lê Nin -Ảnh: XUÂN HÙNG

Một góc suối Lê Nin -Ảnh: XUÂN HÙNG

Về nguồn

Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, là thung lũng nằm lọt giữa ba phía núi đá vôi sừng sững, phía còn lại là dòng suối lớn, nước trong xanh nhìn rõ đàn cá bơi lội. Trước khi vào khu di tích, các đoàn du khách, cựu chiến binh lên viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi đền nằm trên ngọn đồi cao hơn trăm bậc thang, kiến trúc đơn giản nhưng trang nghiêm. Phía bên trái ngôi đền là hai hàng cây kim giao gắn biển ghi tên các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước trồng khi đến dâng hương ở đền.

Là khách lẻ nên tôi nhập đoàn cựu chiến binh từ Bắc Kạn lên thăm. Hỏi chuyện, một bác trong đoàn bảo, năm nào chúng tôi cũng làm chuyến Về nguồn. Về đây trước là thăm viếng nơi Bác từng ở và làm việc, sau nữa dẫn theo con cháu để lớp trẻ hiểu thêm về lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước.

Khu di tích rộng rãi với con đường lát đá men theo suối Lê Nin chảy dưới chân núi Các Mác. Các bác cựu chiến binh, dù đã đến đây nhiều lần song vẫn xúc động trước những di tích gắn với thời gian sống và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pác Bó, bắt đầu từ năm 1941. Đã hơn 80 trôi qua nhưng tất cả vẫn còn nguyên vẹn. Ở một góc ven suối nước chảy rì rào là tảng đá Bác thường ngồi câu cá, nghỉ ngơi sau giờ làm việc, cạnh bên đường có cây ổi Bác thường hái lá đun nước để dùng.

Hang Pác Bó rộng khoảng 15 m2 , có 2 di vật quý là chiếc giường Bác dùng để làm việc và ngủ, cạnh bên là bếp lửa với chiếc ấm nhôm đã xám màu thời gian. Rời hang Pác Bó, con đường vòng qua suối Lê Nin trở lại còn một di vật quan trọng nữa là chiếc bàn đá Bác hay ngồi soạn thảo công văn, chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

Tôi nhận ra sự thành kính và cảm xúc hiện rõ trên gương mặt du khách khi được tận mắt nhìn ngắm các di vật. Cũng phải nói thêm rằng, phong cảnh ở Pác Bó đẹp đến nỗi du khách nào cũng dành thời gian, loay hoay chọn góc ảnh vừa ý. Bởi xung quanh là núi cao cây rừng rợp mát, bờ suối có ghềnh đá uốn lượn, nguồn nước trong xanh, lác đác có những kỳ hoa dị thảo của vùng Đông Bắc với sắc màu rực rỡ.

Rưng rưng một niềm quê

Trên đường từ suối Lê Nin trở ra, tôi gặp câu chuyện khá hy hữu. Đó là khi tôi bắt gặp màu xanh lạ mắt ở dọc ven suối. Lội xuống mới hay, thì ra đây là những vườn rau xà lách xoong của người dân thôn Pác Bó trồng. Người dân địa phương gọi rau này là cải xoong. Ở Quảng Trị, rau xà lách xoong còn gọi là rau liệt, trồng nhiều ở Gio An bằng nguồn nước từ các giếng cổ Chăm chảy ra. Bỗng dưng thấy lòng rưng rưng, như một thoáng quê nhà hiện ra ở vùng Đông Bắc xa xôi của Tổ quốc.

Tôi dừng lại ở một thửa ruộng rau, trò chuyện với người dân. May mắn cho tôi, người đang hái rau là chàng trai tên Dương Văn Hòa, 30 tuổi, người ở thôn Pác Bó. Hòa vui vẻ trò chuyện: Em là cháu trực hệ của ông Dương Vân Đình, nhà gần đây. Ông Dương Vân Đình thì tôi biết qua sách vở. Cuối năm 1941, khi trở về nước, ở tại Pác Bó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết nghĩa anh em với ông Dương Văn Đình, người dân tộc Nùng.

Những người họ hàng với ông Dương Văn Đình được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên riêng: Dương Đại Vinh, Dương Đại Phong, Dương Đại Long, Dương Đại Lâm, Dương Đại Hoa. Những người này giác ngộ cách mạng, sau Cách mạng Tháng Tám đều trở thành cán bộ chủ chốt của huyện Trường Hà và tỉnh Cao Bằng.

Tôi hỏi Hòa về chuyện trồng rau. Hòa bảo: Suối Lê Nin chảy từ núi đá vôi ra nên nước rất sạch. Rau cải xoong ở đây ngon ngọt nổi tiếng. Em trồng ra, thu hoạch đến đâu bán hết đó. Anh về thành phố Cao Bằng mà xem, nhà hàng nào có món rau cải xoong ngon đều lấy rau ở đây. Hòa cũng nói giọng tự hào: Quê em ở vùng cao nhưng ai cũng biết. Pác Bó xa xôi nhưng là địa chỉ đỏ của cách mạng, nơi Bác ở, làm việc và lãnh đạo cách mạng Việt Nam giai đoạn đầu. Đặc biệt, vào dịp sinh nhật Bác 19 tháng 5, cả thôn Pác Bó, cả huyện Trường Hà vui như hội. Người cả ba miền đều ghé về đây...

Không còn nhiều thời gian để thăm chơi Pác Bó. Tôi chia tay Hòa, chia tay vùng núi non hùng vĩ mà lòng cảm khái. Nhờ người bạn đường chụp cho tấm ảnh kỷ niệm, nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng về thăm lại Pác Bó sau 20 năm và để lại mấy dòng thơ: Hai mươi năm trước ở hang này/ Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây/Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu/ Non sông gấm vóc có ngày nay (Hồ Chí Minh, 20/2/1961).

Phạm Xuân Hùng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thang-5-ve-pac-bo-185613.htm