Tháng 5 về thăm trường Dục Thanh

Bước qua cánh cổng gỗ đã thấy trước mắt là một không gian mướt xanh màu lá cùng ánh nắng vàng soi rọi bức cuốn thư dựng trước ngôi nhà chính. Trên bức cuốn thư nổi bật hình ảnh một linh vật được tạo hình từ những mảnh gốm nhiều màu sắc. Linh vật có đầu rồng thân ngựa, mình có vẩy cá, trên lưng là một bó sách gồm 5 cuốn, với thanh gươm giắt buông xuống ngang bụng.

Các em học sinh xem các tư liệu về Bác tại Khu di tích Dục Thanh.Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN

1. Theo lời thuyết minh của cô hướng dẫn viên khu di tích có tên Thuận Hải thì đây chính là biểu tượng về chủ nhân ngôi nhà. Ngôi nhà tại số 39 phố Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, vốn là của danh sĩ Nguyễn Thông (1827 - 1884). Quê ở huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long An), sinh thời Nguyễn Thông dự thi Cử nhân (năm 1849) nhưng bị đánh trượt vì bài thi vấy mực. Nhiều người khuyên ông năm sau thi lại nhưng vì nhà nghèo, không thể tiếp tục học, Nguyễn Thông đành nhận chức Huấn đạo tại Phú Phong, tỉnh An Giang. Năm 1855, ông được triều đình triệu ra Huế, một năm sau được thăng Hàn lâm viện tu soạn. Năm 1859, khi thực dân Pháp đánh thành Gia Định, Nguyễn Thông xin tòng quân chống giặc, giữ các chức Vệ úy, quyền Chưởng doanh Long Vũ, Chưởng vệ, Phó đề đốc. Năm 1862, khi Pháp chiếm 3 tỉnh Đông Nam Bộ, ông cùng nhiều sĩ phu đã lánh nạn ra Bình Thuận, sau đó ông lần lượt được triều đình cử giữ một số chức vụ ở các địa phương. Năm 1881, khi trở lại Bình Thuận làm Đốc học, ông cho dựng ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Phan Thiết để ở và đặt tên là Ngọa Du Sào. Ông mất ngày 7-7-1884, thọ 57 tuổi, mộ phần đặt ở chân núi Ngọc Sơn, trên con đường từ Phan Thiết đi Mũi Né.

Không chỉ là một vị quan yêu nước, có chí khí chống Pháp xâm lược, Nguyễn Thông còn là một nhà nho, nhà thơ nổi danh đương thời. Ông để lại những bộ sử liệu quan trọng như “Khâm định Nhân sự kim giám” (soạn chung, với tư cách là Hàn lâm viện tu soạn), “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” (phúc kiểm, với tư cách là Tư nghiệp Quốc Tử giám) và tự viết “Việt sử thông giám cương mục khảo lược”. Về sáng tác, đến nay, giới nghiên cứu đã sưu tầm được 76 bài thơ, 25 bản văn, 6 bản sớ điều trần của ông nằm trong các tập: “Ngọa Du Sào thi văn tập”, “Độn Am văn tập”, “Kỳ Xuyên văn sao”, “Kỳ Xuyên công độc”, “Dưỡng chính lục”...

2. Cô hướng dẫn viên Thuận Hải sau khi giới thiệu về bức cuốn thư nhiều ý nghĩa thì mời chúng tôi vào thăm ngôi nhà chính, cũng chính là lớp học. Ngôi nhà này được xây dựng năm 1907, trên phần đất của danh sĩ Nguyễn Thông để lại. Vào năm 1905, các sĩ phu yêu nước Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đã tới Bình Thuận và “gieo hạt giống” Duy Tân tại đây. Cùng với việc truyền bá tư tưởng Duy Tân, các sĩ phu nhận thấy cần phải có một ngôi trường để “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh”, do vậy các cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đã đến gặp các ông Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh là con trai của cụ Nguyễn Thông. Với sự ủng hộ của hai anh em ông Nguyễn Trọng Lợi và Nguyễn Quý Anh, các sĩ phu đã tiến hành mở trường dạy học để truyền bá chữ Quốc ngữ và tư tưởng yêu nước. Việc mở trường ở thời điểm đó phù hợp với nhu cầu ở địa phương, đồng thời cũng che mắt được người Pháp. Có thể nói, khi xây dựng ngôi nhà này, các con của cụ Nguyễn Thông đã có tầm nhìn xa khi không xây dựng ngôi nhà thành kiểu nhà thờ họ hay nhà thờ riêng danh sĩ Nguyễn Thông, mà hướng tới hình thành một lớp học.

Theo cô Thuận Hải, năm 1978, trường Dục Thanh được phục dựng theo mô tả của các học trò cũ của trường vào thời điểm thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học tại đây. Học sinh hồi đó đa phần là con em người dân lao động ở Phan Thiết. Tên trường “Giáo dục thanh thiếu niên”, gọi tắt là “Dục Thanh”, cho thấy những người sáng lập trường đã hướng mục tiêu giáo dục văn hóa và giáo dục lòng yêu nước vào tầng lớp thanh, thiếu niên. Dần dần tiếng thơm của trường lan xa, không chỉ người Phan Thiết mà đã có nhiều thanh, thiếu niên từ Sài Gòn, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Đà Nẵng, Hội An tới học. Có thời điểm lớp học có tới cả trăm học sinh.

Trường Dục Thanh nay là Khu di tích Dục Thanh. Ảnh:Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận

3. Chúng tôi đi thăm khắp ngôi trường. Đã hơn một thế kỷ trôi qua mà vẫn còn đây những dãy bàn ghế gỗ nhẵn bóng lớp thời gian, vẫn còn tấm bảng đen in hằn những dòng chữ, còn đây phòng ngủ của các thầy giáo, khu bếp dường như còn ấm nồng hơi lửa, và còn đây căn phòng nhỏ có tên là “Ngọa Du Sào” - nơi thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành thường tranh thủ lúc rảnh tới đây đọc sách, xem báo... Cho dù ngoài trời lúc này nhiệt độ là 35oC nhưng bên trong ngôi trường vẫn dịu mát, thoảng từ ngoài vườn đưa tới hương hoa thơm ngát.

Cô Thuận Hải cho biết: Năm 1910, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trên đường từ Huế vào Sài Gòn để tìm đường cứu nước có ghé lại Phan Thiết và được cụ Nghè Trương Gia Mô, bạn đồng liêu của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, giới thiệu với ông Hồ Tá Bang đến dạy học ở ngôi trường này. Tuy chỉ dạy ở trường Dục Thanh có gần một năm nhưng Nguyễn Tất Thành được phân công dạy môn Quốc văn, Hán văn và kiêm nhiệm môn Thể dục. Khi giáo viên Pháp văn vắng mặt, thầy Thành đảm nhận dạy luôn cả tiếng Pháp. Trong thời gian dạy học, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã truyền cho học trò tình yêu quê hương, đất nước. Vào giờ ngoại khóa, thầy thường dẫn học trò đi tham quan cảnh đẹp của Phan Thiết.

Nghe câu chuyện của cô hướng dẫn viên, trước mắt tôi như hiện ra hình ảnh sống động của bộ phim “Nhìn ra biển cả”. Được phát hành tháng 4-2010, bộ phim khắc họa hình ảnh người thầy giáo trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành đầy tâm huyết, thương yêu đồng bào nói chung và các em học trò nói riêng, hết lòng truyền đạt kiến thức cho học trò. “Nhìn ra biển cả” (giành Giải Cánh diều năm 2010) có những trường đoạn khắc họa cuộc sống của thầy trò trường Dục Thanh, khắc họa mối quan hệ giữa Nguyễn Tất Thành với các cộng sự, các nhà chí sĩ yêu nước, với những người thân trong gia đình và đặc biệt là với học trò của mình. Tôi nhớ tác giả kịch bản của bộ phim - nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát từng tâm sự: “Tôi chọn quãng thời gian Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh vì ngày ấy Bác mới mười tám đôi mươi, rất trẻ đẹp, lại lịch lãm và dung dị. Hình ảnh ấy sẽ dễ thể hiện hơn và diễn viên đóng cũng dễ hấp dẫn hơn. Bên cạnh thầy Nguyễn Tất Thành còn một số nhân vật học sinh, học trò của thầy, khoảng 12 - 15 tuổi, khắc họa lứa tuổi này ở trong phim cũng rất thích, vui và hóm hỉnh, nghịch ngợm nữa”.

Trước khi chia tay ngôi trường đã gắn bó với quãng đời tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đi dạo trong khu vườn xanh mát, bất giác ngước mắt nhìn lên vòm trời ngăn ngắt một màu xanh - màu của tự do, hòa bình...

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1064244/thang-5-ve-tham-truong-duc-thanh