Tháng 7 - nghĩa nặng, tình sâu

Con đường về xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cứ hun hút dài dọc theo bờ biển. Gió Lào khô nóng thổi, vít cong những ngọn cây phi lao oằn mình trong cát bỏng. Chúng tôi có mặt trong ngôi nhà nhỏ của Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Đoài, thôn 8, xã Triệu Vân, khi ánh nắng xiên khoai dịu đi sức nóng bởi những đợt gió nồm từ biển thổi vào. Tấm di ảnh của mẹ trên bàn thờ với đôi mắt và nụ cười phúc hậu, hiền từ, độ lượng như đang nhìn từng động tác tỉ mẩn, thành kính của Thiếu tá Phan Xuân Chiến và Đại úy Lê Văn Dùy, cán bộ Đồn Biên phòng Cửa Việt, BĐBP Quảng Trị khi đến chăm lo hương khói trên bàn thờ của mẹ...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt thăm và kiểm tra sức khỏe cho mẹ liệt sĩ Bùi Thị Thí. Ảnh: Thành Phú

Sinh ra và lớn lên trên miền cát trắng ven biển Triệu Vân, thời khói lửa chiến tranh, mẹ Trần Thị Đoài tham gia vào đội quân những người bám trụ kiên trung giữ đất quê hương. Mẹ lập gia đình với niềm hạnh phúc lớn lao nhưng rồi chồng và người con trai độc nhất của mẹ đều lên chiến khu theo cách mạng và mãi mãi không ai trở về. Thương chồng, khóc con, đôi mắt của mẹ đã không còn nhìn thấy ánh mặt trời. Thương mẹ đơn chiếc, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Việt đã nhận phụng dưỡng, chăm sóc mẹ. Năm 2013, do tuổi cao, sức yếu, mẹ đã về với tiên tổ, cứ ngỡ căn nhà của mẹ sẽ vắng bóng người, bàn thờ sẽ chẳng có ai lo hương khói mỗi khi ngày rằm, tháng giỗ. Song, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Việt đã thường xuyên khói hương bàn thờ cho mẹ.

Ông Trần Bình Huỳnh, Chủ tịch UBND xã Triệu Vân kể: “Các anh ở Đồn Biên phòng Cửa Việt tình cảm lắm. Lúc mẹ còn sống, các anh đã chăm sóc, phụng dưỡng như chính mẹ ruột của mình. Tôi còn nhớ năm 2009, cơn bão số 10 ập đến, gió rất lớn và mưa to, căn nhà của mẹ có nguy cơ bị nước tràn vào, thế là các anh cõng mẹ trên lưng để đưa đến nơi an toàn. Từ ngày mẹ qua đời đến nay, không có ngày rằm nào trên bàn thờ của mẹ lại không có đĩa trái cây, gói bánh để thắp hương. Mỗi dịp giỗ mẹ, các anh lo lắng rất chu toàn. Cán bộ và nhân dân địa phương ai cũng cảm kích trước tình cảm của các anh”.

Cũng vào thời gian này, tại thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt vẫn đang miệt mài dưới cái nắng nóng để chắn che lại ngôi nhà để giúp mẹ liệt sĩ Bùi Thị Thí phòng tránh áp thấp ở Biển Đông gây mưa to. Năm nay, mẹ Thí đã 98 tuổi, tuy vẫn còn minh mẫn, nhưng đôi tai mẹ lại không còn nghe được âm thanh. Sinh hạ được 9 người con, nhưng “ông trời” chẳng cho mẹ nuôi đủ. Chiến tranh và bệnh tật đã cướp đi của mẹ mất 6 người con, giờ chỉ còn 3, nhưng người con trai còn lại duy nhất, thần kinh lại không được bình thường.

Mẹ kể: Người con trai cả là anh Hoàng Văn Thạch trong một lần đi biển vào biết tin vợ và hai đứa con đã bị đạn pháo địch giết hại, anh chỉ kịp nói với mẹ là theo du kích để trả thù cho vợ, con, rồi đi biệt tăm không một tin tức báo về. Đến tháng 3-1968, mẹ nhận được tin anh Thạch hy sinh trong khi chống địch đi càn tại địa bàn xã Gio Mỹ, nhưng thi thể anh và những người du kích hy sinh đã bị bọn địch đem đi nơi khác. Cho đến tận bây giờ, người dân ở đây vẫn không ai biết bọn chúng đã chôn những người du kích quả cảm ấy ở đâu. Thương hoàn cảnh của mẹ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt đã luôn bên cạnh mẹ, thường xuyên chăm lo sức khỏe cho mẹ, nhận phụng dưỡng mẹ đến cuối đời với mức 300.000 đồng/tháng, tuy không nhiều nhưng tình cảm ấy thật sâu nặng.

Trong cơn mưa ướt đẫm núi rừng biên giới, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai và tuổi trẻ xã Hướng Việt vẫn chăm chút dọn vệ sinh, trồng thêm hoa trong khuôn viên Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại địa phương vừa hoàn thành vào tháng 1-2018 (có mức đầu tư 400 triệu đồng, trong đó, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đóng góp 100 triệu đồng). Chị Hồ Thị A, Bí thư Chi đoàn thôn Tà Rùng, xã Hướng Việt tâm sự: “Những buổi tham gia cùng với các anh ở Đồn Biên phòng Cù Bai trồng hoa, dọn vệ sinh và dâng hương, dâng hoa cho các anh hùng liệt sĩ đã giúp cho chúng tôi hiểu về lịch sử, từ đó nêu cao trách nhiệm của tuổi trẻ trong xây dựng quê hương phát triển”.

Lòng tri ân hướng về các anh hùng, liệt sĩ không chỉ trong tháng 7 mà luôn sâu thẳm trong trái tim của những người chiến sĩ Biên phòng Quảng Trị.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thang-7-nghia-nang-tinh-sau/