Tháng 7 ở Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9

Trong khói hương trầm mặc, mỗi người khi đến với Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 (NTLSQG Đường 9) đều mang trong mình tâm tưởng thành kính, tỏ lòng tri ân đến các anh hùng liệt sỹ đang nằm lại ở nơi này.

65% phần mộ vẫn chưa biết tên

Những ngày cuối tháng 7, trong tâm thế cả nước đang hướng về 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2018) với nhiều hoạt động tri ân, tưởng nhớ đến những người lính đã hy sinh tính mạng hoặc một phần xương máu của mình cho Tổ quốc, chúng tôi có dịp tìm đến viếng thăm NTLSQG Đường 9 tại tỉnh Quảng Trị.

Những ngày tháng 7, NTLSQG Đường 9 lại đón hàng nghìn người dân đến thăm viếng. Ảnh: Lê Chung

Nằm ngay bên QL9, là con đường chiến lược nối từ biên giới Việt Lào về TP. Đông Hà, NTLSQG Đường 9 là một trong hai nghĩa trang liệt sỹ quốc gia của tỉnh Quảng Trị. Đây hiện là nơi an nghỉ của hơn 1 vạn liệt sỹ với đầy đủ ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Những ngày ngày, NTLSQG Đường 9 liên tục đón hàng nghìn lượt khách từ khắp mọi miền đất nước. Khi đông, số khách đến thăm viếng có khi cả trăm đoàn. Trong khói hương trầm mặc, mỗi người khi đến đây đều mang trong mình tâm tưởng thành kính, tỏ lòng tri ân đến các anh hùng liệt sỹ đang nằm lại ở nơi này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Chí – Trưởng BQL cho biết, khác với NTLSQG Trường Sơn, phần đông các phần mộ liệt sỹ đang nằm tại NTLSQG Đường 9 là chưa biết tên hoặc biết tên nhưng chưa có địa chỉ. Vậy nên hàng năm cứ đến dịp này ngoài các đoàn đến thăm viếng còn có hàng trăm trường hợp là thân nhân đến liên hệ tra cứu hồ sơ, tìm kiếm người nhà.

“Nếu ở NTLSQG Trường Sơn hầu như các phần mộ đã có tên thì trong 10.700 phần mộ tại NTLSQG Đường 9 có đến 65% chưa biết tên; 3000 ngôi biết tên, địa chỉ đầy đủ được đưa vào từng khu vực theo địa phương và có 822 ngôi là liệt sỹ biết tên nhưng không có địa chỉ. Mỗi năm đều có một đợt truy tập hài cốt các liệt sỹ từ đất bạn Lào về. Những năm trước nhiều thì tìm thấy vài trăm, ít thì cũng vài chục đồng chí”, ông Hoàng Chí thông tin.

Trưởng BQL NTLSQG Đường 9 cũng cho biết thêm, tại nghĩa trang hiện tại còn có một khu mộ “đặc biệt” thu hút sự chú ý của nhiều người khi đến thăm viếng. Đó là khu mộ tập thể, nơi đang yên nghỉ của khoảng 600 liệt sỹ.

Khu mộ tập thể tại NTLSQG Đường 9. Ảnh: Lê Chung

Nằm ở một vị trí khá trang trọng trong nghĩa trang, khu mộ tập thể gồm có 8 ngôi mộ với kích thước lớn. Ngôi nhiều nhất có 123 liệt sỹ, các ngôi khác ít hơn thì lần lượt 102, 80, 50, 30,.. ngôi ít nhất có 2 liệt sỹ.

Ông Hoàng Chí giải thích, trong chiến tranh có những trận đánh quân ta không làm chủ được trận địa, quân địch đào một hố chung lớn chôn tập thể rồi tẩm xăng đốt. Sau này khi phát hiện và quy tập, vì không thể tách hài cốt ra được nên các liệt sỹ được quy tập ở trong những ngôi mộ tập thể như vậy.

“Nhiều người lần đầu đặt chân đến đây đã không khỏi xúc động khi nghe kể về khu mộ này”, ông Chí nói.

Ứng dụng công nghệ để tìm kiếm liệt sỹ

Bởi đặc điểm chung là vẫn còn rất nhiều phần mộ liệt sỹ chưa biết tên mà một công việc luôn được BQL nghĩa trang hết sức quan tâm chú trọng đó là hỗ trợ cho thân nhân các liệt sỹ trong công tác tìm kiếm hài cốt. Kể với chúng tôi, Trưởng BQL nghĩa trang vui mừng cho biết, trước đây khi muốn đi tìm một phần mộ liệt sỹ từ Lào về người nhà phải mất ít nhất 10 ngày đi lại, chờ đợi bởi việc tra cứu hồ sơ trên giấy các liệt sỹ từ năm 1983 đến nay là rất khó khăn và mất nhiều thời gian.

NTLSQG Đường 9 thể hiện cho tình hữu nghị đoàn kết Việt Lào. Ảnh: Lê Chung

Hai năm trở lại đây, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai việc lập trình, số hóa lưu trữ bằng việc scan hồ sơ gốc nên việc hỗ trợ tra cứu tìm kiếm thông tin liệt sỹ đã trở nên dễ dàng hơn. Rất nhiều thân nhân liệt sỹ đã được hỗ trợ tối đa, giảm bớt phần nào vất vả trên hành trình tìm kiếm người thân.

“Giờ không cần phải đi lại nhiều mất thời gian, công sức. Thân nhân các liệt sỹ chỉ cần đến liên hệ với chúng tôi để cung cấp thông tin. Mất tầm 10 đến 15 phút là có thể biết được người nhà của mình có khả năng đang nằm tại đây hay không”, ông Chí chia sẻ.

Trong dòng người đến viếng thăm tại nghĩa trang, chúng tôi cũng tình cờ gặp được bà Nguyễn Thị Giá vợ của liệt sỹ Nguyễn Văn Súc, Sư đoàn 308 (trú tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). 43 năm kể từ ngày giải phóng, bà Giá mới tìm được chút thông tin về chồng đang yên nghỉ tại đây cũng nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình từ BQL nghĩa trang.

Bà Nguyễn Thị Giá khóc nghẹn khi tìm thấy thông tin về chồng tại NTLSQG Đường 9. Ảnh: Lê Chung

Trò chuyện với chúng tôi, bà Giá cho biết, chồng bà nhập ngũ năm 1968, đến năm 1972 thì hy sinh. Gia đình chồng có hai anh em trai thì cả hai đều là liệt sỹ đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt, mẹ của liệt sỹ Súc cũng là Mẹ Việt Nam anh hùng. Trước khi hy sinh, hai vợ chồng có hai người con nhưng không may đều đã qua đời, gia đình hoàn cảnh khó khăn nên bà chưa có điều kiện để đi tìm kiếm chồng, thông tin duy nhất là tờ giấy chứng tử.

“Cách đây vài tháng nhờ đài truyền hình tôi mới biết là chồng nằm đây, mọi thông tin đều trùng khớp chỉ khác tên trên bia mộ là Sức chứ không phải Súc. Giờ gia đình đang phối hợp với ban quản lý để lấy mẫu hài cốt làm xét nghiệm ADN, nếu đúng là anh thì sẽ sớm đưa anh về quê nhà”, lau vội nước mắt, bà Giá bày tỏ tâm nguyện.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng nước mắt của nhiều thế hệ hôm nay vẫn rơi vì ở đâu đó trong lòng đất mẹ còn có rất nhiều người như liệt sỹ Nguyễn Văn Súc vẫn chưa thể “đoàn tụ” cùng gia đình. Có mặt tại NTLSQG Đường 9 những ngày này, chúng tôi cũng thành kính thắp lên một nén hương lòng thể hiện sự tri ân sâu sắc công lao các anh hùng liệt sỹ, những con người đã ngã xuống vì tương lai của đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc.

Lê Chung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/thang-7-o-nghia-trang-liet-sy-quoc-gia-duong-9-353199.html