Tháng Bảy, băn khoăn những nỗi niềm

Tháng Bảy về, nhiều người dân đất Việt lại bùi ngùi xúc động hướng tới ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7). Đồng bào, chiến sĩ cả nước lại tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tri ân thương binh, liệt sĩ với nhiều hình thức đa dạng, phong phú ở các cấp, ngành, địa phương để 'đền ơn đáp nghĩa' đối với công lao và sự hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc.

Nhiều cựu chiến binh (CCB) đã dành những đồng tiền ít ỏi của mình để đi tìm đồng đội, tốn nhiều thời gian và chặng đường rất gian nan, vất vả. Một CCB ở Sơn La kể rằng: Trong một chuyến đi tìm đồng đội, có rất nhiều nghĩa cử khiến ông cùng các thành viên trong đoàn vô cùng xúc động: Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) tỉnh Bình Phước đã cử cán bộ vượt qua hàng chục cây số để gặp gỡ, động viên, trực tiếp đưa đoàn đi làm việc. Anh xe ôm đưa ông lên Nghĩa trang Liệt sĩ Lộc Ninh không lấy tiền xe. Một cháu là cán bộ đoàn ở địa phương thấy ông ở nghĩa trang liệt sĩ ra, dừng xe lại hỏi: “Ông về chỗ nào con đưa đi một đoạn?”. Bà lão bán nước mía cũng không lấy tiền... Những việc làm nhỏ ấy chính là cách mà người dân vùng biên này dành tình cảm thiêng liêng nhất bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ...

 Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tặng quà đại biểu gia đình liệt sĩ tại buổi giao lưu nghệ thuật “Tổ quốc nhìn từ biển” năm 2019.

Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tặng quà đại biểu gia đình liệt sĩ tại buổi giao lưu nghệ thuật “Tổ quốc nhìn từ biển” năm 2019.

Vào đầu tháng Bảy, Hội HTGĐLS Việt Nam nhận được lá thư kèm theo 200.000 đồng của anh Trần Nhật Tuấn, quê ở xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Anh Tuấn là cựu quân nhân Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Anh cho biết, năm nào cũng vậy, anh thường gửi nhiều tin nhắn ủng hộ chương trình nhắn tin tri ân liệt sĩ. 200.000 đồng tuy nhỏ nhưng là tấm lòng của người cựu quân nhân làm nghề nông với các liệt sĩ.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn có những “hạt sạn” thật đáng tiếc, làm rầu lòng nhiều người, ảnh hưởng đến thanh danh các liệt sĩ. Ở nhiều địa phương hiện nay đã có hội (hoặc chi hội) HTGĐLS và đang hoạt động rất hiệu quả. Các tổ chức hội đã góp phần không nhỏ vào những hoạt động tri ân liệt sĩ ở địa phương, bên cạnh đó, họ còn “ghé vai” cùng ngành lao động-thương binh và xã hội ở địa phương làm tốt công tác chăm lo các gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta. Thế nhưng thật đáng tiếc, sự quan tâm của lãnh đạo, chính quyền ở một số địa phương đối với tổ chức hội HTGĐLS chưa thật sự tương xứng...

Anh bạn tôi ở Sơn La còn kể rằng, đầu tháng Bảy vừa qua, anh tham gia chuyến đi tìm phần mộ của hai liệt sĩ quê ở Mộc Châu (Sơn La) đã chiến đấu và hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Một liệt sĩ đã có thông tin nhưng chưa đầy đủ, một liệt sĩ trong hồ sơ ghi rõ nơi an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Lộc Ninh (Bình Phước), nhưng trong nghĩa trang không có mộ và cũng không có tên trong hồ sơ quản lý của nghĩa trang. Hai gia đình đều là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu và rất nghèo nên không có điều kiện đi tìm chồng, tìm con. Anh nói với tôi: “8 giờ ngày 14-7-2020, tôi đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, một cán bộ nhận hồ sơ và nội dung làm việc. Tôi ngồi đợi 2,5 giờ trong điều kiện thời tiết nóng nực của phòng tiếp dân cho đến 10 giờ 30 phút, một nữ cán bộ mang hồ sơ xuống thông báo kết quả. Câu đầu tiên cô ấy hỏi: “Người nhà đâu không đi làm mà phải ủy quyền cho người khác?”. Tôi đưa giấy giới thiệu của đồng chí Trung tướng, Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam, giấy ủy quyền của thân nhân liệt sĩ và trình bày rằng hội có chức năng làm việc này. Hơn nữa, gia đình người dân tộc thiểu số rất nghèo nên chúng tôi tự nguyện tự túc kinh phí giúp đỡ...

Đất nước đã hòa bình hàng chục năm nhưng vẫn còn đó hàng vạn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt và trong số các liệt sĩ đã được quy tập, vẫn còn khoảng 30 vạn liệt sĩ chưa xác định được danh tính, để lại nỗi khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi chúng ta. Vì vậy, tri ân liệt sĩ chưa bao giờ đủ. Mỗi chúng ta hãy nhớ ơn liệt sĩ bằng cái tâm trong sáng và hành động thiết thực của mình.

Bài và ảnh: HOÀNG QUÝ LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/thang-bay-ban-khoan-nhung-noi-niem-627790