Thắng cử Tổng thống Ukraine, Zelensky không phải 'nguyên thủ ngoại đạo' đầu tiên

Diễn viên hài Volodymyr Zelensky đã có màn thể hiện ngoạn mục khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine ngày 21/4.

Một diễn viên hài đắc cử Tổng thống Ukraine với sự ủng hộ áp đảo là một sự kiện đặc biệt. Tuy nhiên, ông Volodymyr Zelensky không phải là người đầu tiên có xuất thân “ngoại đạo” trở thành nguyên thủ một quốc gia.

Tổng thống đắc cử Ukraine Volodymyr Zelensky. (Nguồn: BBC)

Xuất thân diễn viên

Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, người từng là diễn viên Hollywood hơn 20 năm, được coi là ngôi sao truyền hình đầu tiên trên thế giới trở thành nguyên thủ một quốc gia. Ông đắc cử thống đốc California năm 1966 trước khi bắt đầu 2 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ vào năm 1981.

Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và phu nhân.

Tuy không trở thành nguyên thủ, song ngôi sao Hollywood Arnold Schwarzenegger cũng mạnh dạn “lấn sân” sang chính trị. Ông trở thành thống đốc bang giàu có và đông dân nhất của nước Mỹ (California) từ năm 2003 - 2011.

Tại Philippines, ngôi sao phim hành động Joseph Estrada, người từng góp mặt trong khoảng 100 bộ phim truyền hình, cũng lấn sân sang chính trị từ năm 1969. Ông Estrada sau đó lần lượt trở thành thị trưởng, nghị sĩ, phó tổng thống. Đến năm 1998, ông đắc cử tổng thống, song bị phế truất vào năm 2001 sau khi vướng vào các cáo buộc tham nhũng.

Ông Joseph Estrada. (Nguồn: Twitter)

Tại Guatemala, Jimmy Morales, một diễn viên hài không có kinh nghiệm chính trường, đã đắc cử tổng thống vào tháng 10/2015 với chiến dịch vận động tranh cử tập trung vào chống tham nhũng. Trước khi bước chân vào chính trường, ông Morales vừa là một diễn viên, một nhà sản xuất phim. Ông nổi tiếng với vai diễn cao bồi trong bộ phim A President in a Sombrero.

Bén duyên với chính trường sau khi nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật, diễn viên Salvador del Solar cũng trở thành Bộ trưởng văn hóa của Peru vào năm 2016. Tháng 3/2019, ông trở thành Thủ tướng Peru.

Doanh nhân và nhân vật truyền hình thực tế

Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi. (Nguồn: AFP)

Ông trùm truyền thông Italy Silvio Berlusconi, người nổi tiếng với nhiều chương trình truyền hình gây tranh cãi, đã 3 lần trở thành Thủ tướng của Italy trong giai đoạn từ năm 1994 - 2011. Mặc dù không ít lần vướng vào vòng lao lý, song ông Berlusconi đã có thời gian hoạt động hơn 2 thập niên trên chính trường Italy.

Tại Mỹ, ông trùm bất động sản kiêm người dẫn chương trình truyền hình thực tế Donald Trump đã giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ông Trump trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, một trong những vị trí quyền lực nhất thế giới, mà gần như không có kinh nghiệm về chính trị, ngoại giao hay quân sự.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: WSJ)

Ngoài việc kinh doanh bất động sản, điều hành tập đoàn Trump Organization, tổng thống thứ 45 của Mỹ cũng từng dẫn chương trình truyền hình thực tế "The Apprentice" (Người tập sự) từ năm 2004 - 2015.

Xuất thân nhạc sĩ, ca sĩ

Ở Lithuania, nhạc sĩ Vytautas Landsbergis chính là người đã dẫn dắt quốc gia này giành độc lập và trở thành tổng thống vào năm 1990.

Cựu Tổng thống Haiti Michel Martelly là ca sĩ nhạc pop trước khi bén duyên với chính trường. (Nguồn: EPA)

Tại Haiti, ca sĩ nhạc pop Michel Martelly bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4/2011 với tỷ lệ phiếu áp đảo hơn 67%. Ông lãnh đạo Haiti cho đến năm 2016.

Xuất thân vận động viên thể thao

Vận động viên từng 2 lần đoạt huy chương vàng Olympic vào năm 1968 và 1972, Pal Schmitt, đã trở thành Tổng thống của Hungary vào năm 2010. Tuy nhiên, ông bị buộc từ chức 2 năm sau đó, do bị cáo buộc đạo văn luận án tiến sĩ.

Cựu Tổng thống Hungary Pal Schmitt (Nguồn: AFP)

Xuất thân nghèo khó và trở thành siêu sao bóng đá vào những năm 1990, cầu thủ George Weah đã đắc cử tổng thống Liberia vào tháng 12/2017. Cầu thủ châu Phi này bước chân vào chính trường vào khoảng cuối cuộc nội chiến 1989 - 2003 với chức vụ ban đầu là thượng nghị sĩ.

Hồi tháng 8/2018, cựu vô địch cricket Imran Khan đã trở thành Thủ tướng của Pakistan.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Uganda Idi Amin Dada, một cựu vận động viên quyền anh, đã lên nắm quyền điều hành đất nước vào năm 1971 sau một cuộc chính biến.

(theo Dân trí/AFP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thang-cu-tong-thong-ukraine-zelensky-khong-phai-nguyen-thu-ngoai-dao-dau-tien-92392.html