Tháng Giêng an nhiên lễ chùa

Tháng giêng viếng chùa đã trở thành phong tục, là nét độc đáo trong văn hóa truyền thống từ nhiều năm qua của bao thế hệ người Việt. Với tấm lòng thành kính, người dân đi chùa lễ Phật đầu năm mới với mục đích cầu mong quốc thái dân an, một năm mới đủ đầy, hạnh phúc, công việc làm ăn được hanh thông, phát triển.

Du khách cầu an, tài lộc trong chùa Bà Bình Dương Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Từ nếp văn hóa truyền thống

Theo quan niệm dân gian, khởi đầu một năm mới bằng việc đi viếng chùa lễ Phật sẽ mang đến nhiều may mắn, phúc lộc cho gia đình và người thân trong năm mới. Thực tế, thói quen viếng chùa của nhiều người dân TPHCM đã bắt đầu ngay sau thời điểm giao thừa, tuy nhiên, cao điểm và nhộn nhịp nhất vẫn là dịp rằm tháng Giêng. Bà Nguyễn Thị Ngọc và nhóm bạn buôn bán ở quận 11 cho biết: “Năm nào nhóm chúng tôi cũng đi chùa, lễ Phật cầu bình an cho gia đạo, cầu tài lộc trong năm mới. Sau khi đi một vòng các chùa tại TPHCM, rằm này chúng tôi làm một chuyến 3 ngày đến lễ Phật ở chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương, sau đó đi cúng Bà và nghỉ đêm ở núi Bà Đen (Tây Ninh)”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ sau mùng 10 đến ngày 12-13 tháng Giêng âm lịch, lượng người lễ Phật tại các chùa lớn ở TPHCM tăng khá mạnh, thường tập trung vào buổi sáng sớm và cao điểm đông nhất là từ sau 17 giờ. Chiều tối 13 tháng Giêng âm lịch tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), gia đình anh Trần Hoài Nam đưa theo hai con cùng đi lễ Phật. Anh chị cùng làm việc tại KCX Tân Thuận, nhiều năm qua chưa có dịp về quê đón tết với người thân ở Quảng Nam. “Hồi trước ở quê, cứ mỗi rằm tháng Giêng mẹ tôi và các anh chị em trong gia đình luôn đi chùa lễ Phật cùng nhau. Giờ vào sinh sống ở TPHCM, tôi muốn các con mình hiểu và giữ được thói quen này, vì đấy cũng là một nét đẹp văn hóa nên mấy năm nay vợ chồng tôi đều đưa các con đi chùa với mong muốn một năm mới gia đình nhiều sức khỏe, bình an và gặp mọi điều thuận lợi thôi”, anh Nam chia sẻ. Giống như gia đình anh Nam, đại gia đình 3 thế hệ gồm bố mẹ chồng, vợ chồng và hai con chị Nguyễn Thu Vân ở Bà Rịa-Vũng Tàu cũng lễ Phật viếng chùa tại Bình Dương. Chị Vân tâm sự: “Lễ chùa tháng Giêng, gia đình tôi muốn cảm ơn trời Phật một năm qua đã cho mọi người bình an mạnh khỏe, công việc kinh doanh của chồng tôi gặp nhiều thuận lợi, cũng là cầu mong một năm mới nhiều may mắn, vạn sự như ý”.

Tại TPHCM, những ngôi chùa lớn thu hút nhiều khách thập phương đến viếng các chùa như chùa Vĩnh Nghiêm, Việt Nam Quốc tự, Xá Lợi, Pháp viện Minh Đăng Quang, Ngọc Hoàng, Hoằng Pháp, Huê Nghiêm, Châu Đốc 2, Nam Thiên nhất trụ… Ngoài ra, còn nhiều điểm chùa nổi tiếng, thu hút khách hành hương khắp các tỉnh Nam bộ đến viếng trong tháng Giêng có thể kể đến như chùa Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc (An Giang), chùa Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (Tây Ninh), chùa Bà Thiên Hậu, chùa núi Châu Thới (Bình Dương), chùa trên núi Gia Lào, chùa Cổ Thạch (Bình Thuận)…

Xây dựng văn minh lễ hội

Không xảy ra tình trạng giẫm đạp hay chen lấn cướp lộc, cướp ấn gây phản cảm và nhiễu loạn, nhìn chung không khí lễ chùa tháng Giêng của người dân khu vực phía Nam diễn ra trong không khí ôn hòa, thân thiện và trật tự. Từ sáng sớm ngày 14 tháng Giêng âm lịch, có mặt tại chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương), chúng tôi chứng kiến hàng ngàn lượt người đến viếng chùa trong không khí trang nghiêm và trật tự. Để phục vụ lễ hội chùa Bà, tỉnh Bình Dương đã triển khai công tác chuẩn bị từ rất sớm: tuyến đường Nguyễn Du được ngăn vòng rào, không cho các phương tiện lưu thông để giữ an toàn cho khách viếng; quy hoạch khu bán vé số dành cho người khuyết tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ sơ cấp cứu túc trực ngay phía cổng ra nhà chùa; lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp trong khu vực cúng lễ; thông báo vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, không chen lấn xin lộc, không đốt vàng mã, không xem quẻ bói toán mê tín dị đoan, không mua bán chim phóng sinh; không còn tình trạng người ăn xin đeo bám khách.

Dâng hương bên trong chùa Bà Bình Dương Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Theo Ban chỉ đạo Lễ hội chùa Bà Bình Dương, năm nay có 11 điểm giữ xe UBND phường Phú Cường cấp phép, giá niêm yết (9.000 đồng/xe máy và 3.000 đồng/nón bảo hiểm); 8 điểm phát khăn lạnh, nước suối miễn phí (kiêm luôn vá xe miễn phí và xe ôm miễn phí khi có việc khẩn cấp) cho khách viếng chùa, do các doanh nghiệp hỗ trợ và Đoàn thanh niên đứng ra tổ chức.

Ngoài các điểm hỗ trợ miễn phí cho khách viếng do các ban ngành tổ chức, nét đẹp văn minh lễ hội nơi đây còn lan tỏa trong khắp cộng đồng: có 50 điểm người dân tự tổ chức các hoạt động thiện nguyện: tặng cơm hộp, bánh mì miễn phí cho khách viếng chùa trong ngày 14. Riêng trong ngày 15 âm lịch, con số này tăng lên đến 150 điểm, trao tận tay hàng ngàn phần cơm hộp, bánh mì thịt, khăn lạnh, nước suối cho khách viếng chùa thập phương. Các đơn vị VNPT, Viettel còn phục vụ wifi miễn phí cho du khách.

Ông Tạ Ngọc Trung, Phó trưởng Ban chỉ đạo Lễ hội chùa bà Bình Dương cho biết, trong thời gian diễn ra lễ hội, các ngành như quản lý thị trường, Thanh tra Sở Y tế cũng song hành giám sát việc tăng giá, chặt chém du khách và vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Từ tết đến nay, chỉ có 2 trường hợp giả sư (ở Tiền Giang) đi khất thực, xin tiền du khách đã bị người dân và các hiệp sĩ Câu lạc bộ phòng chống tội phạm Bình Dương phát hiện vào chiều ngày 12 âm lịch, vụ việc đã giao cơ quan chức năng xử lý. Ngoài ra, chúng tôi ghi nhận không xảy ra tình trạng giật dọc, móc túi hay trộm cắp tài sản trong khu vực lễ chùa”, ông Tạ Ngọc Trung cho biết.

Cách đây mấy ngày, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức đề nghị các cơ sở Phật giáo cả nước thực hiện văn minh lễ hội, không đốt vàng mã. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, từ nhiều năm qua, việc vận động người dân không đốt vàng mã đã triển khai khá tốt ở TPHCM. Tại khu vực chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), nhà chùa bố trí người túc trực nhắc nhở khách đến viếng chỉ thắp 3 nén nhang; bãi giữ xe phải lấy giá theo đúng quy định; vận động phật tử, người đến viếng chùa và các đám tang tổ chức tại chùa không đốt vàng mã. Nhiều năm qua, chùa luôn chủ động triển khai kế hoạch từ rất sớm, kết hợp với các ban ngành địa phương để đảm bảo an toàn, văn minh lễ hội trong tháng Giêng.

Vòng quanh một số chùa tại TPHCM, chúng tôi ghi nhận là nét văn minh lễ hội cũng ngày càng được các chùa quan tâm vun đắp như chùa Việt Nam Quốc tự kêu gọi người dân không thực hiện thả chim phóng sinh trong chùa, thay vào đó hãy làm thiện nguyện để có lợi ích xã hội nhiều hơn. Nhà chùa còn bố trí bãi giữ xe trong khuôn viên không thu phí, do người dân tùy hỷ đóng góp, bố trí người phát nhang miễn phí, đồng thời khuyến cáo khách viếng không đốt vàng mã. Từ nhiều năm qua, chùa Xá Lợi (quận 3) thực hiện không viết sớ, cúng sao giải hạn, không đốt vàng mã và không còn tình trạng người ăn xin lê lết, bói quẻ chào mời trong khuôn viên chùa.

MINH AN - BẢO NHI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thang-gieng-an-nhien-le-chua-502082.html