Thắng lợi bước đầu của Iran trong cuộc chiến pháp lý với Mỹ

Việc Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, ra phán quyết yêu cầu Mỹ ngừng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa phục vụ đời sống của người dân và an toàn hàng không dân dụng Iran đã mang về thắng lợi tinh thần đầu tiên, đầy tính biểu tượng cho Tehran.

Các thẩm phán tòa ICJ đọc phán quyết ban đầu trong cuộc chiến pháp lý giữa Iran và Mỹ ngày 3/10/2018.

Tháng 7 vừa qua, Iran đã "kéo" Mỹ vào cuộc chiến pháp lý tại ICJ với lý do các biện pháp trừng phạt của Washington đã “bóp nghẹt” kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo, vi phạm Hiệp ước về quan hệ thân thiện và kinh tế (TAER), được 2 nước ký kết hồi năm 1955. Vì thế, việc ICJ "ngả về" Iran ngay trong "trận so găng" đầu tiên, đã cổ vũ tinh thần cho Iran, đặc biệt trong việc huy động tiếng nói từ cộng đồng quốc tế nhằm "hợp lực" đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Trên thực tế, Iran đã đạt được mục đích của mình khi khởi kiện đó là có thể "loa lên" trước cộng đồng quốc tế rằng Tehran là nạn nhân của việc Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) hồi tháng 5 và các biện pháp trừng phạt của Mỹ chẳng qua là nhằm vào chính người dân Iran. Không riêng gì các nước EU vốn chịu nhiều tổn hại sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, mà ngay cả ICJ cũng thừa nhận rằng trừng phạt không thể là biện pháp giải quyết các bất đồng. Do đó, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố phán quyết của ICJ rõ ràng là "một thắng lợi pháp lý", đồng thời khẳng định: "Phán quyết của ICJ một lần nữa chứng tỏ nước Cộng hòa Hồi giáo là đúng đắn và các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm chống lại người dân Iran là bất hợp pháp và tàn nhẫn".

Tuy vậy, đây cũng chỉ là thắng lợi tinh thần mang tính biểu tượng bởi các phán quyết của ICJ – tòa án cao nhất của Liên hợp quốc (LHQ), đều mang tính ràng buộc và các bên không có quyền kháng án, tuy nhiên, tòa lại không có thẩm quyền để thi hành, do đó, không có gì đảm bảo các phán quyết này chắc chắn được tuân thủ.

Hoàn toàn không ngạc nhiên khi ở chiều ngược lại, Mỹ đã phản ứng rất gay gắt trước phán quyết trên, cho rằng việc ICJ yêu cầu Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran là "không thích đáng”, tiếp tục nhắc lại quan điểm cho rằng ICJ "không có thẩm quyền tài phán". Thậm chí, Washington còn tuyên bố sẽ hủy bỏ hiệp ước TAER ký năm 1955 với Tehran, rút khỏi Nghị định thư không bắt buộc theo Công ước Vienna về quan hệ quốc tế năm 1961, xem xét lại toàn bộ các thỏa thuận quốc tế vốn buộc nước này phải liên quan đến các quyết định mang tính ràng buộc của ICJ, cho rằng ICJ đã "bị chính trị hóa và thiếu hiệu quả".

Trong bối cảnh hầu hết các biện pháp “gây sức ép tối đa” của Mỹ đều tạm coi đã phát huy tác dụng như trong vấn đề Triều Tiên, tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thì vấn đề Iran dường như vẫn đang “diậm chân tại chỗ”, thậm chí còn có những diễn biến trái chiều, Washington nhiều khả năng sẽ không tuân thủ phán quyết và siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Tehran nhằm đạt được mục đích chính là buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán như Tổng thống Trump vẫn kêu gọi lâu nay, nhất là trong thời điểm bầu cử giữa nhiệm kỳ đang cận kề.

Do phán quyết của ICJ ngày 3/10 chỉ là quyết định về các biện pháp được cho là tạm thời trước khi tòa đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện và cũng phải mất một vài năm nữa tiến trình này mới có thể hoàn tất, không ai dám đảm bảo cả Iran và Mỹ sẽ tiếp tục không tuân thủ phán quyết cuối cùng của ICJ như đã từng làm trong quá khứ. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là mối quan hệ giữa Iran và Mỹ, vốn luôn trong trạng thái “căng như dây đàn”, nhất là sau các màn “khẩu chiến” giữa lãnh đạo 2 nước tại kỳ họp thường niên Đại hội đồng LHQ khóa 73 và các cáo buộc, đổ lỗi cho nhau gây bất ổn tại thành phố Ahvaz, Tây Nam Iran hay tại Basra, miền Nam Iraq, sẽ không dễ gì hóa giải trong “một sớm, một chiều”. Nếu mối quan hệ này bị đẩy lên cao trào, "vòng xoáy" bạo lực, bất ổn khu vực Trung Đông tiếp tục rối ren hơn, tác động không nhỏ đến các vấn đề khác của thế giới trong đó có thị trường dầu mỏ.

Ngọc Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thang-loi-buoc-dau-cua-iran-trong-cuoc-chien-phap-ly-voi-my.aspx