'Tháng ngoại giao' lớn của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng Trung Đông

Trang PassBlue (của Liên hợp quốc) ngày 8/1 nhận định, ngoại giao Việt Nam đang nỗ lực để đảm bảo thành công cho 'tháng ngoại giao' lớn với việc đảm đương 2 vai trò chủ trì quan trọng trên trường quốc tế trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông leo thang.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý chủ trì Họp báo quốc tế đầu tiên trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ tháng 1/2020. (Nguồn: UN)

Theo bài viết, ngoại giao Việt Nam đang ở trong thời điểm quan trọng, khi Hà Nội vừa chủ trì Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) trong tháng 1 này, cùng với đó là đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN.

Hai vai trò sẽ đan xen vào ngày 23/1, khi Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, do Đại sứ Đặng Đình Quý dẫn đầu, dự kiến chủ trì một cuộc tranh luận mở trong HĐBA về sự hợp tác giữa LHQ và ASEAN.

Hai tổ chức hợp tác với nhau trong nhiều vấn đề, như chống khủng bố và phát triển bền vững. Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi của Brunei dự kiến tham dự cuộc tranh luận.

Từ ngày 1/1/2020, Việt Nam thay thế Kuwait trong HĐBA với tư cách đại diện cho khu vực châu Á. Trang PassBlue nhận định, đây là cơ hội để Việt Nam hợp tác chặt chẽ hơn với Indonesia, một ủy viên khác cũng từ Đông Nam Á.

Tại một cuộc họp báo mới đây, khi được hỏi về sự hợp tác với Indonesia, Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam muốn phối hợp với Indonesia trong vấn đề của ASEAN tại LHQ.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ chủ trì cuộc thảo luận vào ngày 9/1, tập trung vào việc duy trì Hiến chương LHQ trong bối cảnh hòa bình và an ninh quốc tế. Thảo luận về chủ đề này ở thời điểm hiện tại là hợp lý vì nhiều thành viên LHQ đang cáo buộc Mỹ vi phạm Hiến chương khi sát hại Tướng Iran Qassim Suleimani trong một cuộc không kích bằng máy bay không người lái hôm 3/1 tại sân bay Baghdad.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif dự kiến phát biểu tại cuộc họp của HĐBA, song Bộ Ngoại giao Mỹ vừa từ chối cấp thị thực cho ông này. Đó cũng sẽ là một thách thức khác trong chương trình nghị sự của Việt Nam: đối phó với các sự kiện bất ngờ.

Kể từ khi Tướng Suleimani bị sát hại, nhiều nhà ngoại giao tại LHQ và các quan chức cấp cao của cơ quan này nói rằng cuộc họp ngày 9/1 sẽ cho các nhà ngoại giao cơ hội thảo luận về tình hình căng thẳng ở Trung Đông và quan hệ Mỹ - Iran, mặc dù chương trình nghị sự trong tháng đã được thông qua trước chiến dịch của Mỹ.

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Indonesia và các nước trong khu vực cũng là vấn đề cần theo dõi trong 2 năm Việt Nam đảm nhận ghế Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.

Ông Prashanth Parameswaran, biên tập viên cao cấp của tạp chí The Diplomat, cho rằng: “Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều trong vài năm qua, bất chấp những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông. Chúng tôi cho rằng đây cuối cùng vẫn là vấn đề của luật quốc tế và LHQ”.

Anh Thơ

(theo PassBlue)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thang-ngoai-giao-lon-cua-viet-nam-trong-boi-canh-cang-thang-trung-dong-107487.html