Tháng sáu mùa mưa...

Tôi táp xe vào quán nước mía, ý định chờ tan cơn giông. Nhưng vợ chồng cô chủ tất bật lo khiêng mấy chồng nong nia phơi đậu phụng ngoài sân.

Rồi anh chồng quay ra tìm tấm bạt, che đống bao lúa còn chất ngổn ngang bên hiên, trong khi miệng quát tháo đám trẻ con khẩn trương rút quần áo giăng sấp ngửa ngoài sân. Đứa lớn chạy ôm bó củi khô vào bếp giúp mẹ… Tất bật, quay cuồng cho đến khi mưa đổ ào xuống, tôi mới có được ly nước mía trong ánh mắt luống cuống như có lỗi của cô chủ.

Tháng sáu, trời bắt đầu đổ giông. Ở miền núi này, cứ tầm 2 giờ chiều là trời đất vần vũ, rồi mưa đổ như trút ống, gió cuộn như lốc xoáy. Giúp cha mẹ xong, 2 đứa trẻ lao ra ngoài sân tắm mưa, mặc cho những tia chớp như quét roi xuống mặt đất với tiếng sấm rền dữ tợn.

Ngoài kia, rừng cao su như đứng yên, cúi đầu chịu trận. Tôi chợt nhớ tuổi thơ của mình hơn 30 năm trước. Cũng vùng núi Phước Sơn thâm u này, cũng trời đất đầy mưa to gió dữ như bây giờ, tôi xăng xái bám theo cha...

Tháng 6, mưa giông nhiều, đất mềm nên đám heo rừng ra ủi bật rẫy đậu phụng chưa kịp thu hoạch. Những bầy khỉ tinh quái cũng tranh thủ xuống bẻ bắp mà cha tôi trồng xen canh trên rẫy đó. Vì vậy, những đêm hè, cha hay dắt tôi lên rẫy, canh bọn thú phá hoa màu ở bìa rừng Phước Sơn này. Sau cơn giông, đêm ập xuống rất nhanh. Xung quanh rừng giăng kín tầm mắt, đen kịt. Cha tôi chất đống củi to giữa lán trại rồi đốt lên đỏ rực. Tôi cầm lưỡi rựa cùn, thi thoáng gõ lên cái kẻng bằng mảnh bom, vang vọng cả khu rừng. Tôi rất phấn khích, nhưng cũng hoang mang sợ, bởi sáng ra thấy quanh rẫy của mình đầy dấu chân lạ của thú rừng. Rừng đêm sau cơn giông mát lạnh nên tôi chỉ quậy tưng bừng một chốc lát rồi lăn ra ngủ tít. Việc châm thêm củi vào đống lửa, canh thú là của cha.

Một đêm, tôi giật mình thức giấc, sờ quanh sạp nằm, không thấy cha đâu. Đống lửa vẫn còn sáng rực khi xung quanh là bóng tối mịt mùng. Trại canh rẫy lại bốn bề không tường vách. Tôi cảm giác mơ hồ như có hàng ngàn đốm mắt đang hao háo nhìn vào mình giữa cái sạp trống trơ. Người tôi như cứng đơ, muốn kêu cha thật to nhưng không dám mở miệng, bởi sợ màn đêm quá mịt mùng, bí hiểm. Thời khắc trôi thật chậm như tiếng tí tách nổ của củi trong đống lửa sắp tàn. Tôi cố trấn tĩnh, day mặt về hướng có tiếng gào thét xa xa, đoán có chuyện chẳng lành nên cha tôi đã chạy về phía ấy.

Đống lửa sắp tắt lụi và trời cũng gần sáng thì cha tôi quay lại trại. Ông kể, có lũ trăn đã vào nhà trong làng Phước Sơn nuốt sạch bầy gà. Đàn ông đi làm ăn xa, nên những người đàn bà hoảng sợ gào thét như mất trí. Chắc cha không hề hay biết tôi vừa trải qua 1 cơn khiếp đảm điếng hồn nên ông kể chuyện nhẹ tênh. Tôi về mách với mẹ và nói: “ Con nhất định không ở lại đây. Các con của con cũng sẽ không ở đây với toàn núi non đầy bóng tối và sợ hãi”.

Và tôi đã không quay về thật. Cha đã già, vì thương cháu, con, đành phải đi theo.

Nhà tôi ở giữa thành phố du lịch. Đang mùa World cup sôi như sóng bể, đêm nào tôi cũng vài bận leo lên tầng trên xem ba có ngủ được không. Ba bảo ba ngủ được, quen rồi. Nhưng cái rèm cửa sổ, kéo thế nào cũng không che hết được ánh sáng trắng của các dãy đèn đường. Chợt tiếc 1 khung cảnh thâm sâu, mát lạnh để ba có thể ngủ mùi mẫn như những ngày tháng 6 trên nương xa lắc...

Cơn giông đã dứt, anh chồng cầm rựa ra bìa rừng để lùa đàn bò về. Thằng nhỏ lẽo đẽo đòi theo cha. Tôi cũng chẳng còn lý do gì để nán lại miệt rừng “tháng 6 mùa mưa”.

THANH HẢI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/chuyen-doc-duong/thang-sau-mua-mua-614208.ldo