Tháng Tết CPI tăng 1,04%, không chủ quan trong điều hành

Tháng 2 là tháng có Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân cao hơn, kéo theo chỉ số CPI tăng theo. CPI tháng 2/2024 tăng 1,04% so với tháng trước; bình quân 2 tháng đầu năm, CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước. CPI năm 2024 dự báo khá 'dễ thở', tuy nhiên không thể chủ quan trong điều hành bởi còn nhiều yếu tố tác động đến lạm phát.

Nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao trong tháng 2/2024. Ảnh: TL

Giá gạo, xăng dầu đẩy CPI tháng 2 tăng 1,04%

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2024 được Tổng cục Thống kê vừa công bố, tháng 2/2024 là tháng có Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao. Cùng với đó, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 2/2024 tăng 1,04% so với tháng trước; tăng 1,35% so với tháng 12/2023 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều tổ chức dự báo lạm phát của Việt Nam từ 3,4%-5,5%

Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam dự báo, chỉ số lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên mức 5,5% trong năm 2024. Khả quan hơn, tại Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 1/2024, Ngân hàng HSBC dự báo, lạm phát vẫn là vấn đề đáng lưu tâm. HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm 2024, dự báo ở mức 3,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 4-4,5%.

Trong mức tăng 1,04% của CPI tháng 2/2024 so với tháng trước, có tới 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, chỉ có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Trong 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm giao thông tăng cao nhất với 3,09%, làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,71%, tác động làm CPI chung tăng 0,57 điểm phần trăm. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,8% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng tăng vào dịp Tết Nguyên đán khiến giá rượu bia tăng 1,17%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,79% do nhu cầu mua sắm, du xuân dịp Tết Nguyên đán tăng đẩy CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm. Giá tăng tập trung chủ yếu ở những nhóm mặt hàng: Giá nhóm hoa, cây cảnh; dịch vụ giải trí; du lịch…

Cũng theo số liệu thống kê, lạm phát cơ bản tháng 2/2024 tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,67%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

“Cơ sở dữ liệu, dự báo giá cả là vô cùng quan trọng”

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), yếu tố gây áp lực lên kiểm soát CPI sau Tết là giá cả thường có biến động tăng theo quy luật vào trước và sau Tết. Trong khi đó, một số yếu tố chính giảm áp lực lên mặt bằng giá là nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân nên không có nhiều biến động. Ngoài ra, kinh nghiệm và sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thời gian qua giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.

Theo ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), diễn biến thị trường giá cả luôn là vấn đề nóng và chỉ tiêu về kiểm soát lạm phát luôn là chỉ tiêu quan trọng trong điều hành chính sách vĩ mô. Không phải ngẫu nhiên mà trong giai đoạn vừa qua, khi lạm phát các nước, nhất là Mỹ hay Châu Âu tăng cao, chính sách các quốc gia đều ưu tiên kiểm soát lạm phát. Do đó, vai trò của công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cơ sở dữ liệu về giá là vô cùng quan trọng.

Bộ Tài chính là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá, thời gian qua đã chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiểm soát lạm phát thành công những năm qua.

Kiểm soát lạm phát là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. CPI bình quân năm 2024 đặt mục tiêu ở mức 4-4,5%.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Ngô Trí Long, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu do Quốc hội đề ra, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, vị chuyên gia này đặc biệt lưu ý đến việc điều hành các hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình như giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục…

Ông Long cho rằng, cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Trong đó, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp.

Các cơ quan quản lý mà cụ thể là các bộ quản lý những mặt hàng thiết yếu cần sớm xây dựng kế hoạch, tính toán liều lượng cụ thể và thời điểm điều chỉnh. Việc điều hành phải linh hoạt, đúng thời điểm, vừa đạt mục tiêu theo lộ trình đề ra, nhưng cũng phải tính toán thận trọng, tránh để tác động lên lạm phát và ảnh hưởng tới các đối tượng là người nghèo, nhóm yếu thế trong xã hội./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thang-tet-cpi-tang-104-khong-chu-quan-trong-dieu-hanh-145945-145945.html