Thẳng thắn, trực diện, làm rõ nhiều vấn đề 'nóng'

Hàng loạt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN và MT) Lê Ngọc Huấn đã làm 'nóng' diễn đàn Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVIII ngay từ những phút đầu tiên. Có thể nói, dù mới nhận nhiệm vụ được 8 tháng, và lần đầu tiên ' đăng đàn', song với sự khách quan, công tâm, trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, nhiều câu hỏi đưa ra đã được 'tư lệnh' ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh trả lời cụ thể, thấu đáo, rõ nguyên nhân, rõ giải pháp và trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành, đơn vị, địa phương.

Xử lý dứt điểm các khu đất chưa hoàn thành việc đánh giá, xử lý tài sản

Giải trình việcgiá mua đất của doanh nghiệp tại mỏ cao hơn giá do UBND tỉnh quy định nên doanh nghiệp khó khăn trong thi công, Giám đốc Sở TN và MT Lê Ngọc Huấn cho biết:Về quy trình Công bố giá vật liệu xây dựng để phục vụ lập dự toán và quyết toán cho các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn, được UBND tỉnh ủy quyền cho Sở Xây dựng khảo sát và công bố trên nguyên tắc theo quy trình khảo sát thông qua phản ánh của giá thị trường theo quy định là thông qua các hợp đồng, bản niêm yết giá bán của doanh nghiệp; hóa đơn GTGT bán hàng của doanh nghiệp theo từng thời điểm đã loại trừ các yếu tố đầu cơ, khan hiếm.

Hiện nay, giá đất san lấp bình quân trên địa bàn đang công bố ở mức bình quân từ 52.000 đồng - 56.000 đồng/m3 tùy từng địa bàn của từng địa phương và loại đất. Mức giá này được lấy cơ sở thông tin từ giá niêm yết của các doanh nghiệp, hợp đồng mua, bán, hóa đơn GTGT bán hàng của các doanh nghiệp và các giao dịch trên thị trường… Do vậy, việc phản ánh giá các doanh nghiệp bán vật liệu đất, cát cao hơn giá thông báo của Sở Xây dựng là chưa có cơ sở, trừ trường hợp giá doanh nghiệp bán cao hơn giá ghi trên hóa đơn bán hàng nên mới dẫn đến làm sai lệch thông tin. “Nếu có tình trạng nêu trên xảy ra thì nguyên nhân do trong quá trình các doanh nghiệp mua vật liệu xây dựng không yêu cầu đơn vị bán hàng xuất đúng giá bán, dẫn đến không có thông tin chính xác gây khó khăn cho quá trình thực hiện khảo sát ban hành Thông báo giá vật liệu xây dựng đối với mặt hàng đất, cát nêu trên”, tư lệnh ngành TN và MT nhấn mạnh.

Về giải pháp, ông Lê Ngọc Huấn cho biết: UBND tỉnh đã giao Sở TN và MT tiếp tục tập trung rà soát các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo kết luận số 81/TB-UBND ngày 23.3.2023 và kết luận tại cuộc họp ngày 10.7.2023; căn cứ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt và dự báo nhu cầu của Sở Xây dựng kịp thời tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023 và các năm tiếp theo bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường… Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, khảo sát về giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để công bố đúng giá thực tế của thị trường bảo đảm theo quy định.

Các đại biểu dự phiên chất vấn

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Ngọc Huấn trả lời chất vấn

Liên quan đến tình trạng chậm định giá tài sản trên đất và phương án sử dụng đất của các sở, ngành cũng như Trung tâm Phát triển quỹ đất, Giám đốc Sở TN và MT Lê Ngọc Huấn nhấn mạnh: UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan tập trung xử lý dứt điểm đối với các khu đất chưa hoàn thành việc đánh giá, xử lý tài sản; tham mưu thẩm định, xử lý các hồ sơ đã trình nhằm rút ngắn thời gian để đưa đất vào sử dụng… Bên cạnh đó, Sở TN và MT đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, lập phương án sử dụng đất, triển khai tổ chức bán đấu giá ngay sau khi được UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể và phương án đấu giá; đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể để làm giá khởi điểm đấu giá đất. Trường hợp không có nhà đầu tư tham gia đấu giá thì xem xét xác định lại giá khởi điểm để đấu giá lại hoặc thực hiện mời gọi đầu tư, cho thuê đất không qua đấu giá theo quy định tại khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai… “UBND tỉnh cũng đã giao Sở TN và MT, Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể để làm giá khởi điểm đấu giá đất”, ông Huấn cho biết thêm.

Đại biểu Thái Sinh chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Thái Sinh về chậm ban hành Đề án xử lý rác thải giai đoạn 2020-2030, Giám đốc Sở TN và MT Lê Ngọc Huấn cho biết: Đến nay, Sở TN và MT đã trình UBND tỉnh để ban hành đề án xử lý rác thải giai đoạn 2020-2030. Tuy nhiên, vì một số lý do, trong đó có vấn đề liên quan đến việc Nhà máy Xử lý rác thải tại xã Hồng Lộc (huyện Lộc Hà) đã được điều chỉnh chủ trương đầu tư thành nhà máy xử lý rác thải gắn với phát điện, dẫn tới nhiều lần thay đổi nhà đầu tư. Trong khi đó, theo tính toán, lượng rác trên thực tế để cung cấp cho nhà máy này chưa đảm bảo đủ công suất thiết kế… Do vậy, để cam kết với nhà đầu tư, cần thêm số lượng rác thải từ các địa bàn khác.

Đại biểu Phạm Nghĩa chất vấn

Đại biểu Trần Thị Hoa chất vấn

Trước nội dung chất vấn của đại biểu Trần Thị Hoa về tình trạng cấp đất sai thẩm quyền, người đứng đầu ngành Sở TN và MT tỉnh Hà Tĩnh cho biết: UBND cấp xã là đơn vị cấp đất sai thẩm quyền, vì vậy, chịu trách nhiệm về sai phạm trong nội dung này trước hết là Chủ tịch UBND cấp xã, tiếp đó là cấp ủy, chính quyền cấp xã. Để tháo gỡ khó khăn, năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2005/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân được giao đất làm nhà ở sai thẩm quyền… “Đối với các trường hợp cấp đất sai thẩm quyền chưa được xử lý do không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Lê Ngọc Huấn dẫn một số quy định chi tiết và khẳng định.

Doanh nghiệp cần đồng hành trong thực hiện các nội dung đã cam kết

Dẫn thực trạng nguồn cát tại tỉnh Hà Tĩnh mới chỉ đáp ứng được một phần rất ít so với nhu cầu thực tế và giá cát đắt hơn so với một số địa phương khác… đại biểu han Tấn Linh (huyện Nghi Xuân) đề nghị làm rõ giải pháp nhằm khắc phục tình trạng giá mua đất của doanh nghiệp tại mỏ cao hơn giá do UBND tỉnh quy định.

Đại biểu Phan Tấn Linh chất vấn

Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở TN và MT Lê Ngọc Huấn thừa nhận: Giá cát tại Hà Tĩnh đắt hơn so với một số địa phương khác. Nguyên nhân xuất phát từ công tác quản lý Nhà nước tại tỉnh Hà Tĩnh khá chặt chẽ; nguồn cát của tình Hà Tĩnh không nhiều do đa phần các con sông chảy qua địa bàn nhỏ, hẹp, dốc trong khi tỉnh đẩy mạnh công tác quy hoạch.

Về tình trạng khai thác cát lậu, ông Lê Ngọc Huấn cho biết: Thời gian qua, đã nhận được một số ý kiến phản ánh của cử tri xoay quanh nội dung này - đây là thực trạng có thật và trách nhiệm thuộc về cấp huyện, cấp xã… “Các địa phương cần thực hiện vai trò quản lý Nhà nước đối với nguồn tài nguyên khoáng sản; HĐND cấp huyện thường xuyên giám sát; Ban Thường vụ Huyện ủy làm tốt chức năng kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi vi phạm”, Giám đốc Sở TN và MT tỉnh Hà Tĩnh đề nghị.

Làm rõ ý kiến thêm chất vấn đẩy nhanh tiến độ đấu giá các mỏ vật liệu trên địa bàn, người đứng đầu Sở TN và MT cho biết: Hiện nay, Sở đã trình UBND tỉnh xem xét để thực hiện đấu giá các mỏ vật liệu (đất, cát, đá). Tuy nhiên, đây là nội dung cần thận trọng, vì vậy, UBND tỉnh đang giao các đơn vị liên quan rà soát tính khả thi của từng mỏ và từng vùng miền, địa phương để xem xét. Với trách nhiệm, quyết tâm cao, Sở sẽ tiếp tục chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương để rà soát chặt chẽ nội dung này. Phấn đấu trong quý III.2023 sẽ tiến hành đấu giá 25 mỏ vật liệu, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của các công trình.

Đối với vấn đề liên quan đến giá mua đất của doanh nghiệp tại mỏ cao hơn giá do UBND tỉnh quy định, ông Lê Ngọc Huấn khẳng định: Các công trình chậm tiến độ xin gia hạn thời gian thi công xuất phát từ nguyên nhân GPMB, thiên tai và chưa ghi nhận nguyên nhân do khai thác nguồn vật liệu… “Doanh nghiệp cần đồng hành cùng các cơ quan chuyên môn trong thực hiện các nội dung đã cam kết, phản ánh trung thực, khách quan các thực trạng diễn ra trên địa bàn”, ông Huấn nhấn mạnh.

Đại biểu Đào Thị Anh Nga chất vấn

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Đào Thị Anh Nga về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp Dự án khu đô thị Đông Nam huyện Kỳ Anh được đầu tư xây dựng song đã hơn 8 năm vẫn chưa hoàn thành, ông Lê Ngọc Huấn khẳng định: Dự án đã trải qua 6 lần đấu giá và 2 lần hạ giá không thành; quá trình đấu giá gặp không ít khó khăn… Do đó, thời gian tới, Sở TN và MT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh có phương án xử lý.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga về phương án xử lý các lô đất dôi dư thực hiện tái định cư, trong đó 735 lô đã giao cho trung tâm quản lý quỹ đất quản lý và đấu giá, Giám đốc Sở TN và MT Lê Ngọc Huấn cho biết: Hiện nay, trong 735 lô đất, có 103 trung tâm quản lý quỹ đất làm chủ đầu tư, 632 lô đất các huyện làm chủ đầu tư, chủ yếu là đất dôi dư khu tái định cư trước đây từ nguồn vốn Trung ương và trái phiếu Chính phủ… “Hiện, có những lô đất đã đủ điều kiện thu hồi đưa vào đấu giá nhưng cũng có nhiều lô đất chưa giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư hạ tầng nên chưa thể đấu giá”, ông Huấn nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga chất vấn

Nêu khó khăn trong giải quyết nội dung này, ông Lê Ngọc Huấn cho biết: Do quá trình thu thập tài liệu khó khăn do đã lâu, cán bộ làm các thời kỳ đã luân chuyển công tác, nghỉ hưu gây khó khăn cho Trung tâm Phát triển quỹ đất, nhiều lô hồ sơ không lưu trữ, một số địa phương chưa phối hợp chặt chẽ trong soát xét hồ sơ…

Về phương án sử dụng đất trong thời gian tới, Giám đốc Sở TN và MT cho biết: UBND tỉnh có các quyết định phê duyệt phương án đấu giá 67 lô đất Thạch Hà và TP Hà Tĩnh. Trong tổng số 103 lô đất trung tâm quản lý, chỉ đấu giá 87 lô, 15 lô phải hoàn thiện hạ tầng, 1 lô đề xuất giao địa phương mở rộng nhà văn hóa.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/thang-than-truc-dien-lam-ro-nhieu-van-de-nong--i336029/