Thăng trầm của tỷ phú 'một con đường, một vành đai'

Giữa những năm 1990, Diệp Giản Minh chỉ kinh doanh trong một lĩnh vực duy nhất: Khai thác rừng. 20 năm sau, nhân vật này đứng đầu một đế chế trị giá 44 tỷ USD. Ngày nay, Diệp Giản Minh đã biến mất không vết tích, đế chế khổng lồ này tan vỡ và nằm dưới sự điều tra của chính phủ Trung Quốc.

Chân dung tỷ phú Diệp Giản Minh

Con đường lạ lùng

Gần như không ai hiểu hết điều này đã diễn ra như thế nào, nhưng có một điều khá rõ ràng: Ở tầm cao của mình, Công ty Năng lượng Trung Quốc CEFC của Diệp, có vị trí gần sát với chính phủ Trung Quốc, đến nỗi đôi khi khó mà phân biệt được hai thực thể này.

Vị tài phiệt trẻ xuất hiện trong các đoàn đại biểu về năng lượng của Trung Quốc, gặp gỡ các lãnh đạo quốc gia trên khắp thế giới, thậm chí còn trở thành cố vấn cho chính phủ một quốc gia ở châu Âu. Năm 2016, ông ta đứng thứ 2 trong danh sách 40 người nổi tiếng dưới 40 tuổi của Tạp chí Fortune. Nhưng tháng 11 vừa qua, sự thăng tiến như vũ bão của Diệp dường như đã đến điểm dừng, sau khi các công tố viên Mỹ cảnh báo một tổ chức phi chính phủ mà Diệp tài trợ đã sử dụng vị trí của tổ chức này trong Liên Hợp Quốc để cung cấp hàng triệu USD hối lộ cho các nhà lãnh đạo châu Phi. Khi vụ việc này được đưa ra tại một tòa án Manhattan (Mỹ), người ta mới sững sờ trước mối quan hệ phức tạp giữa một doanh nghiệp tư nhân và chính phủ, đồng thời dấy lên cảnh báo về những gì xảy ra khi một công ty Trung Quốc thất bại ở nước ngoài.

Diệp Giản Minh bắt đầu nổi tiếng trên thế giới vào mùa hè năm 2015, sau một cuộc mua bán bất thường ở Cộng hòa Séc. Là Chủ tịch của CEFC China Energy, Diệp đã mua được Slavia Praha, câu lạc bộ bóng đá lâu đời nhất của đất nước này; một nhà máy bia; một phần của nhóm hàng không dịch vụ du lịch; một nhà xuất bản; một tòa nhà tân phục hưng; cổ phần của Ngân hàng đầu tư J & T Finance Group; và một tòa nhà ở thủ đô Prague của Séc, dự định sử dụng làm trụ sở châu Âu của công ty.

Trong nội bộ Cộng hòa Séc, các thương vụ mua lại được chào đón với sự thích thú: Tại sao một công ty năng lượng lại muốn có một nhà máy bia? Và tại sao một công ty Trung Quốc đột nhiên được chào đón ở một đất nước mà cho đến gần đây, đã có quan hệ không mấy tốt đẹp với Trung Quốc? Như với tất cả mọi thứ liên quan đến CEFC China Energy, câu trả lời cuối cùng vẫn chỉ có thể cảm nhận được mà chưa thể có hình thù cụ thể.

Từ khi thành lập vào năm 1993 cho đến năm 2003, Cộng hòa Séc được lãnh đạo bởi Vaclav Havel, một nhà bất đồng chính kiến mà chiến dịch tranh cử đã giúp mở ra một kỷ nguyên dân chủ mới ở đất nước này. Trong suốt thập kỷ cầm quyền của mình, Havel không hề cố gắng che giấu thái độ bất bình đối với chính quyền Trung Quốc. Havel cũng thường xuyên gặp gỡ Dalai Lama - người bị Bắc Kinh coi là một nhân vật nguy hiểm.

Mối quan hệ đã thay đổi khi cuộc bầu cử 2013 đưa Milos Zeman lên vị trí số một lãnh đạo Séc. Tổng thống thân thiện với Trung Quốc đầu tiên của Cộng hòa Séc, Zeman rất muốn tạo điều kiện cho thương mại gia tăng giữa Bắc Kinh và Prague. Năm sau, một thực thể Séc sẽ trở thành công ty hoàn toàn thuộc sở hữu nước ngoài đầu tiên cung cấp các khoản vay trên khắp Trung Quốc, một cuộc đảo chính lớn trong thị trường tín dụng tiêu dùng tương đối chưa được khai thác. Ngay lập tức, Diệp ngửi thấy mùi cơ hội.

(Còn tiếp)

Nano

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/thang-tram-cua-ty-phu-mot-con-duong-mot-vanh-dai-3969188-b.html