Thăng trầm của tỷ phú 'một vành đai, một con đường'

Cổng bên của tổ hợp nhà CEFC tại Thượng Hải

Đường tới New York

Trên con đường rợp bóng cây, yên tĩnh ở khu nhượng địa thuộc Pháp trước đây của Thượng Hải, giữa khu vực bất động sản vô cùng đắt đỏ và mang tính lịch sử nhất của thành phố, là khu phức hợp Năng lượng Trung Quốc CEFC. Được thiết kế như một cung điện kiểu phương Tây, khu phức hợp có 20 biệt thự được hoàn thiện với các cột đá cẩm thạch trắng và một ngôi chùa. Từng là trụ sở của công ty, nhưng ngày nay, tất cả các biển hiệu của cơ quan Năng lượng Trung Quốc CEFC đã bị gỡ bỏ khỏi cổng.

Theo hồ sơ mà hãng tin tài chính Trung Quốc Caixin khai thác được, Diệp Giản Minh chuyển đến Thượng Hải từ Phúc Kiến vào khoảng năm 2009. Andrew Chubb, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về Trung Quốc tại ĐH Columbia-Harvard, chủ sở hữu của blog South Sea

Conversations, đã theo dõi sát sao câu chuyện Năng lượng Trung Quốc CEFC, cho biết: “Nhân vật này là một phần của một nhóm người Phúc Kiến; tất cả đã cùng nhau vươn lên”.

Tại Thượng Hải, đế chế kinh doanh của Diệp mọc lên như nấm. Anh ta nhanh chóng trở thành tâm điểm của nhóm các công ty trị giá hàng tỷ đô la có trụ sở tại Cộng hòa Séc, Singapore, Hồng Kông, Bermuda và Trung Quốc. Năm 2011, tổ chức phi chính phủ của công ty do Diệp thành lập, có tên gọi là Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Quốc, đã được trao tư cách tư vấn tại Liên Hợp Quốc. Đó là một động thái rất bất thường, nếu không phải là chưa từng có của một công ty năng lượng tư nhân.

Với câu hỏi gây nhiều bối rối: “Tại sao một công ty năng lượng của Trung Quốc lại tài trợ cho một tổ chức phi chính phủ tại Liên Hợp Quốc?”, học giả Mỹ Glaser đã gặp Diệp. Trên giấy tờ chính thức, nhiệm vụ của tổ chức này phục vụ như một “kho chứa” tư duy chiến lược cao cấp về năng lượng. Phần lớn thời gian tổ chức này dành cho việc tổ chức các hội nghị về sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Theo Glaser, dường như tham vọng này khá xa vời thực tế, vì tổ chức này quá “thân Trung Quốc”. Tuy nhiên, trái với dự báo của nhiều nhà quan sát, họ đã thu hút được khá nhiều người. Một cựu lãnh đạo của một tập đoàn dầu khí, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ và Nga, những thành viên đã về hưu của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ lẫn CIA đều xuất hiện tại các sự kiện mà tổ chức phi chính phủ Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Quốc của Diệp tổ chức.

Nhưng nhiều học giả tham dự diễn đàn này lại chưa bao giờ nghe nói về Diệp. Họ ngỡ rằng Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Quốc là một tổ chức chính thống của chính phủ Trung Quốc. Hugh White, thuộc Đại học Quốc gia Úc, đã tham gia vào một sự kiện như vậy vào năm 2015. Ông hồi tưởng: “Tôi cũng không hề có ý tưởng rõ ràng rằng ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Quốc là gì”.

Tại Liên Hợp Quốc, các nhân viên của tổ chức phi chính phủ của Diệp có cơ hội tiếp cận với một số người quan trọng nhất thế giới. Theo trang web của CEFC, trong bốn năm sau khi tổ chức phi chính phủ này được thành lập và có trụ sở tại New York, doanh thu của công ty tăng 25% mỗi năm.

(Còn tiếp)

Nano

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/thang-tram-cua-ty-phu-mot-vanh-dai-mot-con-duong-3970506-b.html