Thăng trầm nghề gốm Chăm Bàu Trúc

Làng gốm Chăm Bàu Trúc ở Ninh Thuận có tuổi đời hơn 800 năm đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Trong các tour du lịch về Ninh Thuận, rất nhiều du khách muốn ghé thăm và trải nghiệm tại Làng gốm Bàu Trúc. “Plei Hamu Trok” là cái tên theo tiếng Chăm cổ có nghĩa là “làng trũng, nhô ra cuối triền sông” và cho đến bây giờ người Chăm ở đây vẫn nhắc tới khi gọi tên Bàu Trúc.

Kỹ thuật làm bằng tay, xoay bằng mông

Làng Bàu Trúc cách trung tâm TP Phan Rang – Tháp Chàm 10 km về phía nam, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Làng nghề gốm Bàu Trúc.

Làng nghề gốm Bàu Trúc.

Đây được xem là một trong những làng gốm cổ nổi tiếng nhất Đông Nam Á còn tồn tại đến ngày nay. Nói làng gốm cổ bởi lịch sử tồn tại có cả ngàn năm, nói nổi tiếng bởi những sản phẩm được tạo ra bằng kỹ thuật độc đáo không giống bất cứ một làng gốm nào ở Việt Nam. Mỗi sản phẩm làm ra đều độc bản và mang đậm nét văn hóa Chăm.

Gốm Bàu Trúc nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước.

Theo dân gian, ông tổ nghề gốm Bàu Trúc là Po klong Chanh, một người bạn thân, đồng thời cũng là quan cận thần của vua Po Klong Giarai (1151-1205). Họ còn kể rằng hơn ngàn năm trước chính Pô Klong Chang đã dạy người dân Bàu Trúc cách lấy đất, nặn rồi nung thành những vật gia dụng.

Nghề làm gốm chỉ là nghề phụ nên chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm. Đàn ông làm những việc nặng nhọc hơn là đào đất, nung gốm và gánh gốm hoặc chở đi bán. Phụ nữ Bàu Trúc từ tuổi 12-13 đã được bà, mẹ hướng dẫn làm gốm, cứ đời nối đời, mẹ truyền con nối.

Phụ nữ người Chăm được bà, mẹ truyền nghề từ lúc 12-13 tuổi.

Gốm Bàu Trúc mê hoặc nhiều người bởi vẻ đẹp mộc mạc và kỹ thuật chế tác thô sơ. Để tạo ra một sản phẩm gốm phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đặc biệt, đất sét để làm gốm phải là đất sét đen chỉ có ở xứ đồng Hamu Nulanh bên bờ sông Quao.

Cánh đồng này được ví như đồng Thạch Sanh vì đất sét đồng Hanu Nulanh khai thác bao đời, nhưng chỉ một thời gian sau lại tiếp tục hình thành như mới.

Đất sét làm gốm được lấy ở đồng Hanu Nulanh bên bờ sông Quao.

Đồng Hanu Nulanh được người dân ví như đồng Thạch Sanh.

Đất lấy về được đập nhuyễn, phơi khô, sau đó ngâm nước và làm sạch. Người thợ làm gốm sẽ pha đất sét với cát mịn theo một tỷ lệ nhất định dựa vào kinh nghiệm. Công đoạn quan trọng nhất là nhồi đất, đòi hỏi phải thật kỹ, nếu không sản phẩm sau khi nung sẽ bị nứt.

Nét độc đáo của nghề làm gốm Bàu Trúc là không dùng bàn xoay. Người ta gọi kỹ thuật làm gốm Bàu Trúc bằng cái tên rất dân dã “làm bằng tay, xoay bằng mông”. Người thợ gốm đi giật lùi, tay “bát” từng lọn đất để trong ép, ngoài xoa biến những khối đất thành sản phẩm gốm.

Gốm Chăm được làm thủ công.

Sau đó, người thợ dùng những dụng cụ thô sơ như vòng tre, vỏ sò… để làm láng thân và trang trí hoa văn trên sản phẩm. Hoa văn không cần mẫu mã có trước, người thợ vẽ chìm trên thân sản phẩm. Đó là những hình ảnh dân dã, nét đời thường, gần gũi, đậm nét dân tộc Chăm.

Thợ làm gốm dùng công cụ thô sơ để tạo ra những độc bản gốm.

Xong công đoạn làm láng và trang trí hoa văn, gốm được phơi khô rồi đem đi nung. Gốm được xếp trên một lớp củi, phủ rơm, trấu cho kín rồi mới nung lộ thiên khoảng 5-6 giờ.

Gốm chín, thợ gốm sẽ để nguyên đến khi nguội để giữ màu đỏ truyền thống Còn muốn tạo màu nâu, đen, thì khi gốm còn đỏ như hòn than, người thợ sẽ phun nước ngâm từ vỏ hạt điều hoặc chiết xuất từ cây cây thị vào sản phẩm.

Thăng trầm gốm Chăm Bàu Trúc

Gốm Bàu Trúc truyền thống trước đây chủ yếu để phục vụ sinh hoạt gia đình và để trao đổi, bán sang các vùng lân cận. Thời đó, gia đình nào cũng có cái lu đựng gạo, bếp để nấu than củi, cái nồi đất bằng gốm Bàu Trúc. Đặc biệt, lu đựng nước sinh hoạt đặt ở góc sân thì hầu như nhà nào cũng có, vì vậy các gia đình sản xuất gốm ăn nên làm ra.

Gốm Bàu Trúc được nung lộ thiên từ 5-6 giờ.

Người thợ phun nước tạo màu cho gốm.

Hàng năm, khi lúa được sạ xanh đồng, làng Bàu Trúc lại mù mịt khói nung gốm. Từng chuyến xe ngựa, xe tải chất đầy gốm thành phẩm đi khắp nơi.

Tuy nhiên, từ lúc đồ gia dụng bằng nhôm, nhựa... ra đời, làng gốm Bàu Trúc tưởng chừng không thể tồn tại. Cả làng còn vài ba gia đình hoạt động cầm chừng, sản phẩm chỉ là mấy cái bếp than nhỏ, bếp lò hoặc lu bán cho mấy người trồng nho đựng thuốc phun.

Để nghề gốm không bị mai một, những nghệ nhân làng gốm đã chuyển đổi từ làm đồ gia dụng sang gốm mỹ nghệ. Nhờ đó, làng gốm Bàu Trúc bắt đầu khởi sắc trở lại.

Gồm mỹ nghệ đã giúp khôi phục lại nghề làm gốm.

Đến năm 2003, đề án phát triển làng nghề truyền thống dân tộc Chăm của UBND tỉnh Ninh Thuận, trong đó có gốm Bàu Trúc được triển khai, việc đầu tư hạ tầng, nhà trưng bày gốm được thi công và đi vào hoạt động.

Gốm Bàu Trúc được nhiều khách du lịch biết đến. Những sản phẩm gốm đa dạng mẫu mã được sáng tác và bán ra thị trường. Các phù điêu Apsara, Tháp Chàm, linh thần, bình gốm... làm ra ngày càng tinh xảo, được nhiều khách du lịch đặt hàng.

Những người giữ hồn cho gốm

Trải qua bao thăng trầm, đến nay nhiều người dân làng gốm đã thực sự làm giàu chính từ gốm.

Người làng Bàu Trúc vẫn luôn nhắc tới những người đã khuất như bà Đàng Thị Phan, người đã đem hòn đất từ xứ đồng Hamu NuLanh của làng gốm Bàu Trúc đi Nhật, Mỹ, Pháp, Malaysia...

Phòng trưng bày gốm Bàu Trúc được đầu tư, đi vào hoạt động từ nhiều năm trước.

Bà Đàng Thị Phan làm gốm từ khi là con gái, hơn nửa thế kỷ đi quanh chiếc đê nặn gốm, đôi chân bà cũng phải đi quanh được cả vòng trái đất.

Đến thời kỳ làm gốm mỹ nghệ, cái tên Đàng Xem được nhiều người nhắc tới, nhất là các sinh viên ngành mỹ thuật. Người đàn ông “dở hơi” bỏ làm ruộng suốt ngày đam mê với gốm, để rồi một ngày những bức phù điêu, tượng thần, thân tháp, bình hoa của ông khiến khách du lịch khi tới đây ghé thăm phải mua về. Nghệ nhân Đàng Xem của làng gốm Bàu Trúc đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Một người đàn ông "dở hơi" khác cũng đang giữ lửa cho nghề gốm Bàu Trúc là anh Vạn Quan Phú Đoan, Giám đốc Công ty Gốm Bàu Trúc Chăm Pa. Anh Đoan vốn là một giáo viên cấp 2. Sau khi lấy vợ làm gốm và say mê luôn nghề, anh quyết định bỏ nghiệp dạy và mở công ty sản xuất gốm đầu tiên của làng Bàu Trúc.

Công ty anh Đoan chuyên sản xuất gốm chất lượng cao cung cấp cho các khu du lịch, resort. Nhận thấy gốm nung lộ thiên chất lượng không cao, hay nút khi chưng ngoài trời, anh Đoan đã mạnh dạn đầu tư lò nung bằng củi, nhiệt độ cao hơn cho chất lượng gốm đảm bảo hơn.

Có thời kỳ, Công ty Gốm Bàu Trúc Chăm Pa của anh Đoan đã xuất sang Lào, Campuchia và bắt đầu vượt biển sang Mỹ. Hiện nay, công ty giữ các kỷ lục: Cặp bình gốm Chăm lớn nhất có kích thước bình đực cao 1,95 mét, đường kính nơi to nhất 54 cm, nặng 180 kg. Bình cái cao 1,97 mét, đường kính nơi to nhất 57cm, nặng 200 kg. Thân bình có bốn phù điêu mô tả các hoạt động sử dụng nhạc cụ và múa truyền thống của người Chăm cùng một số hoa văn Chăm trang trí.

Sức bật mới của làng nghề

Năm 2017, cùng với Lễ hội Ka Tê, nghề làm gốm Chăm Bàu Trúc đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đặc biệt, cuối tháng 11-2022, UNESCO ghi danh nghề làm gốm Chăm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Đây là một bước cần thiết để góp phần bảo tồn một làng nghề thủ công truyền thống độc đáo, cũng là cách để quảng bá hữu hiệu sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc ra thế giới. Sự ghi nhận này của UNESCO sẽ thúc đẩy các biện pháp thiết thực và hiệu quả nhằm bảo tồn, vực dậy sức sống của di sản, tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản này hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững.

Người dân làng nghề cũng sẽ nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của nghề làm Gốm truyền thống của người Chăm trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.

Nguồn PLO: https://plo.vn/thang-tram-nghe-gom-cham-bau-truc-post717172.html