Tháng Tư của cha

Cuối tuần về thăm nhà, tôi thấy cha đang sắp xếp lại những kỷ vật cũ, từ chiếc ba lô bị cháy sém đến quyển nhật ký, tập giáo án, thư nhà... Với cha, đó là những kỷ vật vô giá, niềm tự hào của thế hệ thanh niên hiến dâng tuổi thanh xuân lên đường bảo vệ quê hương đất nước.

Ông bà nội tôi sinh được hai người con, bác trai nhập ngũ năm 1967, chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Bố tôi là thầy giáo làng, ngoài công việc lên lớp còn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Năm 1968, bác tôi hy sinh, cha nuốt nước mắt vào trong. Sau đận ấy, ông thường xuyên chong đèn làm việc tới khuya, đến khi lá đơn tình nguyện nhập ngũ được toại nguyện, mọi người mới biết ý định ấp ủ bấy lâu của cha tôi.

Chiến trường Trị-Thiên-Huế ác liệt. Ảnh tư liệu: TTXVN

Ánh trăng lấp lóa trên làng quê, hương cau bên thềm nhà trổ hoa thơm ngào ngạt. Biết tin cha chuẩn bị lên đường, bà con đến chơi rất đông. Mẹ trải chiếu trên nền sân gạch, đặt xuống đĩa trầu cau mới têm, rót nước chè xanh vào những chiếc bát chiết yêu xinh xắn, màu nước sóng sánh, thơm nồng. Các cụ ông vân vê điếu thuốc lào trên tay kể chuyện đánh giặc, các bà bỏm bẻm nhai trầu nói chuyện đồng áng, cấy hái. Cha đi khắp lượt chào tạm biệt ông già bà trẻ, bạn bè, bà con làng xóm.

Ngày thường, đám học trò tinh nghịch là vậy, bữa nay thấy chúng chụm đầu bên tập giáo án của cha ghi chép điều gì. Những con chữ xô nghiêng màu mực tím thỉnh thoảng nhòe đi theo dòng cảm xúc. Có đứa vừa cầm bút lên đã nghẹn ngào, mắt ngân ngấn nước. Muốn nói thật nhiều lúc này, nhưng viết bao nhiêu cũng cảm thấy thiếu, những ánh mắt thơ ngây chỉ biết cầu chúc người thầy của mình luôn chân cứng đá mềm trên mỗi bước hành quân.

Tạm biệt quê hương, cha hôn lên mái tóc đứa con thơ bé bỏng. Mẹ nhìn cha như muốn lưu lại hình ảnh ấy thật lâu, rồi giúi vào tay cha chiếc khăn mùi xoa làm kỷ niệm. Với đôi chim bồ câu bay cùng một hướng, mẹ thêu dòng chữ “Ra đi là để trở về” như lời ước hẹn vào ngày thống nhất.

Trong những bức thư gửi về từ chiến trường, cha kể ngày đầu huấn luyện, cánh tân binh còn rụt rè, nhớ nhà. Nhưng khi hành quân qua nhiều cánh rừng bị thiêu rụi, đường sá, nhà cửa, tài sản của nhân dân bị tàn phá nặng nề, chứng kiến tội ác dã man của kẻ thù, lòng căm hận càng dâng cao, ai cũng muốn trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương.

Gian khổ, ác liệt là vậy nhưng tinh thần người lính trẻ vẫn tràn đầy lạc quan. “Tiếng hát át tiếng bom” đã làm mềm đi không khí khốc liệt của chiến trường. Trong thời khắc ấy, tâm hồn anh giáo làng cũng bồi hồi nhớ nhà. Mượn lời thơ trong cuốn sổ tay đồng đội, kê chiếc ba lô làm bàn, cha trải lòng: “Xa em muôn dặm nghìn trùng/ Mối tình chung thủy sắt son tạc lòng/ Bắc-Nam liền dải chung dòng/ Thù nhà nợ nước trả xong anh về”.

Mùa xuân năm 1975, tin vui chiến thắng dồn dập từ các chiến trường, bộ đội ta hành quân mạnh như vũ bão. Sáng ngày 30 tháng Tư, khi đang cùng đoàn quân tiến vào giải phóng thành phố thì cha bị thương tại cửa ngõ Sài Gòn, chiếc ba lô trên vai cũng bị đạn xuyên thủng, rất may vết thương không nguy hiểm đến tính mạng.

Hòa bình lập lại, mỗi người lính lại trở về xây dựng quê hương. Cha tiếp tục đứng trên bục giảng như ngày nào. Ngoài việc dạy chữ, học sinh còn được nghe thầy giáo thương binh kể chuyện chiến trường, kể về những chiến sĩ anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, máu xương các anh tan vào lòng đất mẹ, hòa cùng non sông gấm vóc muôn đời sau.

Tháng Tư về, cánh đồng lúa quê tôi đẹp mượt mà đang thì con gái, hương lúa dịu dàng, e ấp như cô thôn nữ tuổi trăng rằm. Bất chợt chiếc đài bán dẫn của cha vọng lên lời hát: “Em hỏi anh có con đường nào là đường đẹp nhất đó/ Anh nói rằng chỉ có con đường thống nhất hôm nay...”.

Tản văn của PHÙNG MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/thang-tu-cua-cha-774930