Tháng Tư đó, lòng vui rộn ràng

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta được đánh dấu bằng Chiến thắng lịch sử 30 tháng Tư năm 1975. Những cựu chiến binh (CCB) đã đi qua thời khắc lịch sử ấy bây giờ nhớ lại vẫn không khỏi bồi hồi xúc động. Âm hưởng mùa xuân đại thắng vẫn còn vang vọng đâu đây.

Tháng Tư lịch sử, vẫn còn đó niềm vui vỡ òa, nụ cười rạng rỡ và giọt nước mắt trên gương mặt của những CCB tôi đã từng gặp. “Đi qua ba chiến dịch lớn vào các năm Mậu Thân 1968, Nguyễn Huệ 1972 và Hồ Chí Minh lịch sử 1975, biền biệt 9 năm 6 tháng chưa một lần được về nhà như tôi mới thấy được giá trị, ý nghĩa của ngày giải phóng” - CCB Tạ Văn Tư (SN 1948) ở tổ dân phố Khả Lý Thượng, phường Quảng Minh (thị xã Việt Yên) mở đầu câu chuyện như vậy.

CCB Tạ Văn Tư (bên trái) với người đồng đội.

Nhập ngũ năm 1966, ông và đồng đội hành quân bộ 6 tháng liền để vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, băng qua mưa bom, bão đạn, vượt qua những lằn ranh sống chết, vào đến nơi thì kiệt sức nhưng ai cũng cố gắng. Là lính trinh sát, làm nhiệm vụ ở Chiến khu D, chỉ có đường mòn đi bộ, không có đường ô tô, đi lại vô cùng khó khăn, ông Tư và anh em chiến sĩ làm nhiệm vụ đi trước mở đường. Thời tiết, khí hậu không quen, lại là nơi “rừng thiêng nước độc”, nhiều người bị sốt rét ác tính, hy sinh rất nhiều.

Càng gần thắng lợi, càng nhiều gian nan, giữa năm 1972, ông hành quân qua Campuchia sau đó mới quay về Đồng bằng sông Cửu Long. Giữa mênh mông sông nước của Đồng Tháp Mười, cứ khi nào nghe tiếng động cơ của máy bay địch, anh em trinh sát lại phải ngụp xuống nước, sình lầy; rồi nằm vật vờ ở bờ kênh hay mắc võng trên cây nằm giữa đầm lầy đầy muỗi vắt... Khó khăn gian khổ là vậy nhưng niềm tin chiến thắng thì luôn hiện hữu. Trước ngày 30/4 lịch sử là những cuộc chuyển quân rầm rộ, là một đêm đợi chờ hồi hộp.

“Khi đó tôi nghe tin quân ta rầm rập vượt sông, tiến như vũ bão vào Sài Gòn, tôi tự nhủ “Có khả năng mình còn sống, có khả năng mình được trở về”. Và rồi nghe tin thắng trận, miền Nam hoàn toàn giải phóng qua chiếc radio, tôi la hét như một kẻ khùng trong niềm sung sướng tột đỉnh, rồi lấy súng bắn loạn xạ trong rừng như thể mình đang xả đạn vào quân giặc. Vậy là mình còn sống rồi, cả đơn vị vỡ òa trong niềm vui giải phóng. Một Sài Gòn giải phóng, một Sài Gòn hòa bình đã trở về với Tổ quốc thân yêu. Ước mơ Bắc - Nam sum họp, Việt Nam thống nhất đã trở thành hiện thực. Ai nấy đều mừng vì chiến tranh kết thúc, được sống, được đoàn tụ với người thân, được về với mẹ” - ông Tư xúc động kể.

CCB Thân Quang Hoạt kể lại thời khắc lịch sử - ngày 30/4/1975.

Khi hỏi về ký ức ngày Đại thắng 30/4, CCB Thân Quang Hoạt, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 TP Bắc Giang chia sẻ, trước khi nhập ngũ ông là sinh viên Trường Đại học Xây dựng. Tại đây, hàng trăm sinh viên của trường đã tạm “xếp bút nghiên” lên đường vào chiến trường. Trải qua 81 ngày đêm ở mùa hè Quảng Trị đỏ lửa năm 1972, nhiều sinh viên lại tiếp tục lên đường vào miền Đông Nam Bộ.

Ông kể: “Đêm 3/10/1973, Trung đoàn 207 với lực lượng chủ yếu là sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội triển khai đội hình hành quân từ Ba Thu (đất Campuchia) vượt sông Vàm Cỏ Tây đến ấp Đá Biên (nay thuộc xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) về khu vực Đồng Tháp Mười. Đang mùa nước nổi, nước lên cao ngang thắt lưng, có đoạn ngập đến cổ, các gò đất bị nhấn chìm, chỉ còn những cây tràm kiên cường vươn lên giữa biển nước mênh mông. Anh em hành quân đêm, tư trang còn mới tinh, súng đạn lỉnh kỉnh, rất mệt lại thiếu kinh nghiệm sông nước.

Ngày 30/4/1975 đã trở thành bản giao hưởng chiến thắng khi cả dân tộc Việt Nam đón nhận một mùa xuân lịch sử trong niềm vui, niềm tự hào. Sau bao nhiêu năm phải sống trong khói lửa chiến tranh, chia cắt hai miền Nam - Bắc, tháng Tư năm ấy thật xúc động, rộn ràng.

Trời vừa sáng thì dừng nghỉ chân, giấu mình bên trong các bụi cây lúp xúp. Thế nhưng địch vẫn phát hiện rồi tập kích. Máy bay, xe lội nước của địch cứ nhằm những bụi cây rồi nã đạn, bắn pháo. Kiên cường chiến đấu trong một trận chiến không cân sức, gần 200 người đã anh dũng hy sinh, chỉ còn vài người bị thương sống sót, rất bi thương!”. Kể lại như vậy để thấy rằng trải qua chiến tranh với bao gian khổ, mất mát mới thấu hiểu được giá trị của ngày hòa bình đánh dấu bằng thời khắc lịch sử trưa 30/4/1975.

Thế trận thần tốc, táo bạo và không khí tưng bừng hân hoan của chiến thắng vĩ đại được ông Hoạt kể: "Sau chiến thắng giòn giã ở các mặt trận (giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng…), những ngày cuối tháng 4/1975, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta dồn sức cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từng đoàn quân cuồn cuộn tiến về Sài Gòn. Trên đường hành quân, leo qua một quả đồi nhìn trở lại, tôi thấy đội hình quân giải phóng như một con trăn khổng lồ không thấy đuôi, sức mạnh như được nhân lên gấp bội. Đội hình quân ta tràn qua các chốt địch, đi đến đâu giải phóng đến đó”.

Sáng 30/4, ông cùng đồng đội tiến vào Sài Gòn, sau đó về Tổng kho Long Bình. Nghe tin miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, trong không khí hân hoan đoàn tụ hai miền, đồng đội ôm nhau khóc như mưa. “Ngày đầu giải phóng, chúng tôi được phát trang phục mới, đi dạo trên những con phố ở Sài Gòn theo tốp 3 người đề phòng bất trắc. Ấn tượng với tôi là hình ảnh xe pháo, mũ áo địch vứt khắp trục đường tiến vào Sài Gòn; là âm thanh reo vui và những giọt nước mắt ăn mừng. Lần đầu tiên tận hưởng không khí của hòa bình, bộ đội được người dân ríu rít chào đón. Lính không có tiền mua hàng, người dân mời nước uống, cơm ăn, lấy phương tiện chở đi vòng vòng quanh các con phố, sung sướng lắm”.

Ông Hoạt là một trong những người vinh dự được tham gia lễ duyệt binh và diễu hành mừng Chiến thắng diễn ra vào ngày 15/5/1975 tại Sài Gòn. Không có lời nào tả hết được niềm hạnh phúc vô bờ đó.

Ngày 30/4/1975 đã trở thành bản giao hưởng chiến thắng khi cả dân tộc Việt Nam đón nhận một mùa xuân lịch sử trong niềm vui, niềm tự hào. Sau bao nhiêu năm phải sống trong khói lửa chiến tranh, chia cắt hai miền Nam - Bắc, tháng Tư năm ấy thật xúc động, rộn ràng như âm hưởng của bài hát “Đất nước trọn niềm vui" của nhạc sĩ Hoàng Hà: "Hội toàn thắng náo nức đất nước, ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang, ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam, Tổ quốc Anh hùng...".

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thang-tu-do-long-vui-ron-rang-092240.bbg