Thanh âm cuộc sống

Mười năm trước, ai cũng cảm thấy anh Thanh là một kẻ hâm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Anh Thanh bật cười. Không phải anh nói chuyện, nhất là nói với người cõi trên, mà là đang lắng nghe. Anh đang cố nghe mọi âm thanh hiện hữu quanh mình.

"Ủa, anh nghe rồi làm chi?" - tôi hỏi.

Anh Thanh cười, không đáp mà nhắc đến bộ phim kiếm hiệp sáu giờ chiều hôm qua. Chúng tôi được thể bàn tán rôm rả, theo thói quen diễn lại cảnh yêu thích.

Con Huyên cắm hoa đầy đầu như cô Thưởng đóng Súy Vân hôm văn nghệ xóm. Nhưng thực ra nó đang vờ làm cô công chúa bị đem hóa thân. Con Phúc chiếm vai nữ tướng cướp võ nghệ siêu quần đến cướp của hồi môn. Thằng Hùng, thằng Lục và tôi đóng cận vệ. Năm đứa diễn lại cảnh nữ tặc đại chiến ba cận vệ trong rừng.

Trong lúc đó, anh Thanh lấy từ trong bọc vải ra rất nhiều món đồ, toàn là những thứ ở đâu cũng có. Nào xích chó, gáo dừa, đồ dùng nhà bếp và đủ thứ hầm bà lằng khác.

Thằng Hùng mở màn bằng tiếng hét thất thanh có phần quá khích:

"Có động".

Thằng Lục chắn trước mặt con Huyên:

"Bảo hộ công chúa".

Rồi nó đá tôi:

"Mày phải phù phù giả làm chim bay tán loạn chớ?".

Tôi cãi:

"Mày phải phù phù với tao, nhiều chim mà".

Con Phúc mặc kệ hoàn cảnh, cứ nhảy tới, tuốt cành cây làm kiếm:

"Chớ nhiều lời, mau giao vàng bạc ra, bằng không đừng trách bổn cô nương vô tình".

Đến lúc này thằng Hùng nhanh trí hét to:

"Nhiều chim quá, đằng trước có động".

Con Huyên gỡ hoa trên đầu phi vào thằng Hùng, mắng nó:

"Nhảy ra rồi còn chim chim".

Con Phúc vung cành cây tuyên bố:

"Diễn lại!".

Con Huyên tiu nghỉu:

"Biết thế tao bắt mấy con bồ câu ở nhà đem chơi cho giống thật".

Thằng Lục cười hề hề:

"Xong mẹ mày cho ăn gậy, hết làm công chúa".

"Công chúa làm sao bị đánh" - Huyên cãi.

"Mày công chúa nỗi gì. Lùn lại còn sún" - Thằng Hùng chêm vào.

Chẳng mấy chốc ven sông đã ỏm tỏi cả lên. Chúng tôi nửa bàn luận nửa cãi cọ về cảnh diễn lại, quên béng luôn anh Thanh. Mãi cho đến khi nghe thấy một âm thanh như tiếng chim đập cánh, tất cả mới giật mình.

Anh Thanh cầm đôi găng tay da phất qua phất lại, lúc nhanh lúc chậm, mà tiếng động phát ra y hệt tiếng cánh chim bay từ xa tới. Sau phút ngỡ ngàng, con Phúc hét to, dáng điệu không phải nữ tặc mà là nữ tướng quân:

"Lên".

Với tiếng chim đập cánh, thằng Hùng đọc câu thoại mở đầu. Anh Thanh vừa ngừng vẩy đôi găng, con Phúc liền nhảy ra chặn đường. Vào khoảnh khắc nó rút cành cây từ bên hông, chúng tôi lại nghe tiếng rít của kim loại y hệt tiếng gươm tuốt khỏi vỏ. Đó là anh Thanh. Anh cầm con dao gọt hoa quả, đưa lưỡi dao chuốt một đường dọc cán muôi múc canh.

Có âm thanh chân thực bên tai, chúng tôi như uống nước tăng lực. Năm đứa gào thét hây a, cầm cành cây vung tứ phía trong tiếng các món dao thìa, muôi nĩa va vào nhau ken két. Đoạn nữ tặc bẻ tay cận vệ, con Phúc vừa túm tay thằng Hùng, anh Thanh chẳng biết lôi từ đâu ra một bó thân rau diếp bị vặt sạch lá, trơ thân với rễ lấm đất, cầm nguyên bó vặn mạnh một cái. Âm thanh phát ra khiến ba đứa còn lại ngơ ngác. Tôi thực sự đã ngỡ con Phúc hăng quá bẻ tay thằng Hùng thật.

Đoạn cuối sau khi nữ tặc đánh tan tác cận vệ, nhóm binh lính triều đình cưỡi ngựa đến, thằng Hùng, thằng Lục kẹp cành cây giữa hai chân, giả vờ phi ngựa tới. Tại sao lại không có tôi diễn cùng? Bởi vì trong lúc anh Thanh cầm đống xích chó xắc lên xắc xuống tạo âm thanh giống dây cương ngựa nảy lên va chạm nhau, tôi bận giúp anh gõ hai cái gáo dừa xuống nền đất giả tiếng vó ngựa...

Sau hôm ấy, chúng tôi thường xuyên đòi anh Thanh "lồng tiếng" cho các màn bắt chước phim. Lúc con Phúc, thằng Hùng diễn kịch 20-11, anh khoác túi vải thần kỳ đến, thổi một luồng sinh khí hừng hực vào vở kịch đạo cụ nghèo nàn, dàn âm thanh rệu rã cũ kỹ ở trường tôi. Chỉ một cái micro, anh khiến tất cả phải kinh ngạc y như tôi vào giây phút nghe tiếng chim đập cánh từ đôi găng tay.

Có lúc tôi bắt gặp anh Thanh đeo một dàn thiết bị máy móc lạ lùng trên người. Có tai nghe, micro và nhiều thứ khác với rất nhiều nút. Anh nói đang thu "tiếng nền":

"Tiếng nền ở bến xe khác, bến sông khác, trong thành phố khác, làng quê khác, đêm ngày, mùa đông, mùa hè đều khác".

Con Huyên nhắm mắt lắng nghe một âm thanh nào đó.

*

Mười năm trôi qua, anh Thanh đã lên thành phố làm việc từ lâu. Ông nội anh suốt ngày khoe anh đi nhiều nơi, cả nước ngoài để lồng tiếng phim. Thi thoảng anh được giải, được phỏng vấn, lên truyền hình kênh trung ương hay địa phương, ông đều nhắc hàng xóm nhớ mở tivi xem đúng giờ.

Còn năm đứa chúng tôi vẫn chơi chung, vẫn học chung trường, và đang cùng đứng trước ngưỡng cửa đại học. Vài hôm nữa, chúng tôi sẽ tham gia vở kịch cuối cùng của đời học sinh, diễn vở "Tấm Cám" cải biên trong buổi chia tay lớp 12.

Con Huyên đột ngột gọi điện nói:

"Ổng về rồi, tao vừa nhờ ổng lồng tiếng kịch".

Tụi tôi lập tức phi xe tới nhà anh Thanh.

Anh đang ngồi xem một đoạn phim để lên phương án lồng tiếng. Lúc ngồi nói chuyện vẩn vơ, trông anh rất mệt mỏi. Nhưng vừa nhắc tới lồng tiếng cho vở kịch là anh sôi nổi hẳn, tràn trề sức sống.

Có lúc anh hỏi thăm tôi muốn học trường nào. Tôi định đáp cho qua chuyện nhưng rồi chẳng hiểu sao lại kể hết những điều trong lòng. Làm hồ sơ thì làm rồi, đăng ký cũng xong rồi mà tất cả các phương án đều không phải cái tôi thích. Càng gần ngày tốt nghiệp tôi càng hoang mang, thấy mình chôn chân tại chỗ còn tất cả đều tiến lên.

Anh Thanh cười:

"Nhớ hồi anh cho tụi bây nghe tiếng nền không? Mỗi nơi tiếng mỗi khác, con người cũng thế, mỗi người một kiểu. Có người từ bé đã biết mình thích gì, có người đến chết còn không biết".

"Nói thì dễ" - tôi thở dài.

"Cứ làm, miễn đừng trộm cắp phạm pháp, nuôi cho xong cái thân mày, bao giờ biết thích cái gì đổi sau vẫn kịp".

"Bố mẹ em muốn ổn định cơ. Sau này mới đổi chả phải càng phức tạp à?" - tôi phản bác.

Như thể đã nghe chuyện này nhiều lần, anh nhún vai:

"Thế tức là, mày thích chưa đủ thôi".

Cuối cùng, anh Thanh không thể giúp chúng tôi lồng tiếng vở kịch vì ngay đêm đó có chuyện gấp phải đi.

*

Lễ chia tay lớp 12 diễn ra vào một ngày đầy nắng, dậy tiếng ve kêu và cả sự chia ly. Nhiều cảm xúc có tên và không tên lẫn lộn khiến tôi không để ý vở kịch mở màn đã bắt đầu diễn dưới sân.

Lúc chạy xuống, tôi thấy học sinh chen chúc vòng trong vòng ngoài, có vẻ rất phấn khích. Trên sân khấu, con Phúc đóng vai mẹ kế, đang chống nạnh bắt Tấm làm việc nhà. Cô Tấm này vừa cao to vừa đen, giọng lại ồm ồm, đích thị thằng Hùng.

Tấm mang bát cơm đến miệng giếng cho Bống ăn. Tiếng nói đặc biệt trầm của thằng Hùng, cộng thêm cố làm méo tiếng khiến khán giả cười rần rần.

Nó mới hát mấy chữ "Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta…", một tiếng quẫy nước đã vang lên từ loa, vọng khắp sân trường.

Tôi sững người chốc lát trước khi lách khỏi đám đông, chạy vòng ra sau cánh gà.

Ở đó, tôi thấy con Huyên vục tay vào chậu nước, tạo âm thanh như cá quẫy. Có tới ba cái mic chĩa về phía tay nó.

Ngoài sân khấu, thằng Hùng dắt trâu giấy chăn đêm lúc trời mưa, con Huyên một tay gõ nhẹ gáo dừa xuống đất, một tay thả gạo rơi xuống lớp giấy ướt làm tiếng mưa.

Tôi cứ ngẩn người nhìn nó. Con Huyên thấy tôi thì nhe răng cười, vẫy vẫy tay.

Tôi dường như thấy lại anh Thanh mười năm trước đang chăm chú lồng tiếng cho vở kịch nữ tặc của chúng tôi ở bên sông. Rồi khi Tấm hóa thành Vàng Anh bay đến cung vua, con Huyên lại cầm một đôi găng da vung vẩy, lúc nhanh lúc chậm, lúc mạnh lúc nhẹ. Tôi nhớ đến những điều anh Thanh nói, cảm thấy đã hiểu ra một cái gì đó, mà rồi lại cũng chưa hiểu gì.

Nhưng lúc này tôi không nghĩ nhiều nữa, chỉ nhắm mắt lắng nghe tiếng động được tạo ra từ đôi tay của con Huyên. Đó là những âm thanh kỳ diệu sống động vang vọng khắp tuổi thơ của chúng tôi, hay như anh Thanh nói, đẹp đẽ và đầy mê hoặc bởi chúng là âm thanh đến từ cuộc sống.

Truyện ngắn dự thi của BẠCH ĐẰNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/thanh-am-cuoc-song-20180811202729321.htm