Thành Cát Tư Hãn chinh phục thiên hạ bằng chiến thuật 'bầy sói'

Chó sói được người Mông Cổ coi như linh vật. Đoàn kết, trung thành và kỉ luật trong cấu trúc xã hội bầy sói được coi như nguồn cảm hứng với họ. Việc hạ gục con mồi bằng cách vây tròn, tấn công từ mọi hướng theo kiểu 'xa luân chiến' liên tục làm kẻ thù dù mạnh cũng khó lòng chống đỡ, thế mới hay câu 'mãnh hổ nan địch quần hồ'. Chiến binh huyền thoại của thảo nguyên - Thành Cát Tư Hãn (Gheghis Khan) đã vận dụng một triết lý chiến tranh khá độc đáo từ 'bầy sói' để chinh phục thiên hạ.

Với một số lượng quân đội ít ỏi nhưng Thành Cát Tư Hãn lại có thể chinh phục một vùng đất rộng lớn trải dài trên lục địa Á-Âu, tiêu diệt nhiều đế quốc hùng mạnh nhờ trí tuệ và dũng khí hơn người. Từ một cậu bé Thiết Mộc Chân lưu lạc, trốn chạy sự bức hại của kẻ thù, ông đã thống nhất các bộ tộc Mông Cổ, lên ngôi Thành Cát Tư Hãn và từ đó bắt đầu giấc mơ chinh phục thế giới.

Ông trở thành một chiến binh Mông Cổ huyền thoại, nhà quân sự kiệt xuất trong lịch sử nhân loại. Nghệ thuật quân sự của Thành Cát Tư Hãn vẫn còn nhiều điểm bí ẩn và độc đáo mà người đời nay luôn cố gắng tìm hiểu và học hỏi.

1. Gây dựng lòng trung thành tuyệt đối của thuộc hạ

Trung thành là điều cốt yếu của binh sĩ Mông Cổ.

Trung thành là điều cốt yếu của binh sĩ Mông Cổ.

Trong xã hội loài sói, tất cả các thành viên của đàn đều trung thành với con đầu đàn cho dù đến lúc nó già yếu. Một sự sắp xếp trật tự, kỷ luật rất tuyệt vời giúp chúng sinh tồn trong những điều kiện, lãnh thổ vô cùng khắc nghiệt. Quân Mông Cổ phải tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh thượng cấp, đặc biệt là Khả Hãn. Nếu một người lính bỏ trốn khi giao chiến thì 9 người còn lại trong đội sẽ bị xử tử.

Tuy nhiên, Thành Cát Tư Hãn là bậc thầy về việc gây dựng lòng trung thành của hạ cấp, bằng thuyết “thu phục nhân tâm” một cách chân thành, trọng nghĩa khí và anh hùng của người Mông Cổ. Do đó, không một tướng lĩnh nào bỏ rơi ông trong 60 năm chinh chiến. Và họ chiến đấu hết mình, liều chết xông pha vì lý tưởng Đại đế quốc Mông Cổ rộng lớn nhất trong lịch sử. Sự tuân lệnh tuyệt đối và trung thành tận tụy là yếu tố nền tảng trong quân đội Mông Cổ.

Để minh họa điều này, có một ví dụ điển hình như sau:

Đầu thế kỉ XIII, Thiết Mộc Chân giao tranh với bộ tộc Thái Xích Ô (Tarruchiud), ông bị Triết Biệt bắn trọng thương ở cổ và bất tỉnh. Một thân tín trung thành của ông là Giả Lặc Miệt (Jelme) đã dùng miệng mình hút máu độc từ vết thương, rồi lẻn sang trại địch tìm sữa ngựa cho ông uống khi trong doanh trại không còn giọt nước nào. Sau này, khi lên ngôi Đại Hãn, ông không quên ơn cứu mạng nên đã phong cho Giả Lặc Miệt là Vạn Hộ, có thể tha chết chín lần nếu phạm tội, đó là phần thưởng mà Thành Cát Tư Hãn hay ban để cổ vũ cho tinh thần trung thành của thuộc hạ. Từ đó, Giả Lặc Miệt trở thành một trong những nhân vật quan trọng trong các chiến dịch chinh Tây của Thành Cát Tư Hãn. Đặc biệt hơn, khi thắng trận, ông vẫn tha chết cho kẻ đã bắn mình là Triết Biệt vốn là một cung thủ xuất chúng của thảo nguyên Mông Cổ, giữ bên mình làm thân tín.

Triết Biệt được tha chết và trong dụng.

2. Chiến thuật áp đảo tinh thần đối phương

Cung thủ Mông Cổ vừa vây vòng tròn vừa tấn công.

Khi vây được con mồi, bầy sói chạy vòng tròn và thay phiên nhau sủa nhằm đe dọa đối phương bằng những âm thanh hỗn loạn trước khi ập vào tấn công dồn dập, vũ bão. Gây sự hoang mang, dao động trong tinh thần chiến đấu của quân địch là một nét đặc sắc trong cách cầm quân của Thành cát Tư Hãn, khiến đối thủ chưa đánh đã hàng.

Khi cho quân hạ trại, ông sai quân mỗi người đốt năm đám lửa trên các đồi. Mục đích là để phương trông thấy hình ảnh này và hoảng sợ khi lầm tưởng quân số ông đông lên gấp nhiều lần. Chưa kể là những cách hành hình tàn bạo các tù binh được người Mông Cổ thực hiện trước đám đông để thị uy khiến ai ai cũng ghê rợn, run sợ. Những khi hãm thành hay cận chiến, kị binh Mông Cổ cùng nhau tạo ra những âm thanh hỗn loạn như những bầy sói nhằm đe dọa đối phương, như thể bầu trời đổ sập, thoắt ẩn, thoắt hiện, khiến địch quân khó lòng trở tay.

3. Chiến thuật truyền thông

Quân Mông Cổ dùng hỏa công phá thành nhà Kim (người Nữ Chân).

Bầy sói luôn đánh dấu lãnh thổ của chúng bằng nước tiểu. Các phân tử mùi lan truyền trong không khí khiến chúng đánh hơi được cỏ kẻ lạ xâm nhập. Khi phát hiện,tất cả các con sói dù ở đâu lập tức hú lên để báo động... Tiếng hú gọi đàn của con đứng đầu giống như quân lệnh của tướng chỉ huy chiến trận, các con sói thành viên sẽ tăng thêm dũng khí chiến đấu đến cùng. Tiếng hú càng to khiến con mồi càng khiếp sợ và dễ dàng gục ngã.

Khi chiếm đóng một thành phố nào, Thành Cát Tư Hãn ra lệnh hành hình những kẻ nào dám chống cự. Tuy nhiên, ông vẫn chừa lại một số ít người, cố tình để họ trốn thoát sang các thành phố khác với những tin đồn về sự thiện chiến và tàn bạo của quân Mông Cổ. Điều này gây nên nỗi sợ hãi cho các thành phố đang cố công phòng thủ, như một hiệu ứng Domino lan truyền từ nơi này sang nơi khác.

Tương truyền, khi tấn công nước Kim của người Nữ Chân dưới thời Nam Bắc triều (Kim-Bắc Triều, Tống- Nam Triều), các tướng lĩnh Mông Cổ hứa với người Nữ Chân sẽ rút quân nếu chịu cống nạp thật nhiều chim và mèo cho họ. Khi nhận được, quân Mông Cổ gắn đuốc và dải băng cháy vào đuôi của chúng, đồng thời thả cho chạy ngược lại vào thành. Kết quả là bầy chim và mèo chạy tán loạn vào thành. Lửa từ các ngõ ngách và từ trên không lam thiêu rụi cả một tòa thành. Một trận hỏa công ngoạn mục mà ít ai nghĩ đến khi quân Mông Cổ không tốn một mũi tên để công thành.

Khi tiến quân Tây chinh đánh vùng Trung Á, tướng lĩnh Mông Cổ liên tục thổi phồng số người chết khi giao tranh với họ, gieo rắc sự hoảng sợ trong dân chúng những nơi họ đi qua. Và Thành Cát Tư Hãn nói rằng, họ chỉ có thể sống yên bình nếu chấp nhận quy thuận, và xưng ông là Khả Hãn của họ.

Như vậy, có thể thấy hiệu ứng truyền thông của Thành Cát Tư Hãn là một loại vũ khí lợi hại như ngọn lửa lan truyền khắp nơi đánh trúng tinh thần đối phương khiến họ suy giảm nhuệ khí chiến đấu.

Bộ máy truyền thông của Thành Cát Tư Hãn đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh ông là người có “Chân mệnh Thiên tử”, là người tiếp nối số mệnh của các Khả Hãn để thống nhất Mông Cổ và chinh phục thế giới. Với chiến thuật tuyên truyền về sự phi phàm và bất khả chiến bại của kị binh Mông Cổ được các sứ giả hay các đoàn thương nhân trên con đường tơ lụa nối liền lục địa Á-Âu lan truyền khắp nới và đến cả Đức Giáo Hoàng.

4. Chiến thuật truyền tin nhanh

Tiếng hú của loài sói có thể vang xa đến 10 km.

Tiếng hú của loài sói có thể vang xa đến 10 km. Đó là thứ ngôn ngữ truyền tin rất đặc biệt của loài này giúp chúng liên lạc với nhau trên những thảo nguyên xa thẳm. Khi tìm thấy con mồi, con đầu đàn sẽ phân tích tình hình, việc nôn nóng tấn công có thể khiến chúng trắng tay. Nắm lấy thời cơ nhanh chóng là một bí quyết thành công của loài vật ưa tốc độ và có thừa sự ranh mãnh. Cộng với giác quan thiên phú vô cùng nhạy bén giúp chúng luôn biết việc gì đang diễn ra quanh mình.

Binh pháp có câu: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”.Việc nắm bắt tình hình mặt trận và thông tin là điều cốt lõi để giành chiến thắng. Mặt khác, việc giao lưu thông tin nhanh chóng giữa các đơn vị tham chiến hay từ tiền tuyến đến hậu phương càng thiết yếu, giúp nâng cao khả năng “hiệp đồng tác chiến” của quân đội.

Hãy thử tưởng tượng xem, khi Thiết Mộc Chân đưa quân cách xa hậu cứ Đại Thảo Nguyên đến vạn dặm, đồng thời chia làm nhiều cánh quân đảm nhiệm liên tục các mặt trận khác nhau, để duy trì sự liên lạc thông tin thì việc xây dựng một hệ thống truyền tin tốc độ trên một lãnh thổ rộng lớn như vậy dường như là một thách thức không thể thực hiện.

Đại Đế quốc Mông Cổ thể kỷ 13.

Song song với việc lập ra một mạng lưới vận tải khổng lồ nhằm vận chuyển chiến lợi phẩm từ các vùng lãnh thổ chinh phục được, Thành Cát Tư Hãn cũng cho thiệt lập các hệ thống truyền tin khá chặt chẽ và phủ rộng khắp Đế quốc Mông Cổ trải dài từ biển Đen (phía Tây) đến Thái Bình Dương (phía Đông). Có thể xem đó là một hệ thống thư tín quy mô đầu tiên trên thế giới. Từ đó, tạo tiền đề hình thành hệ thống thương mại Á-Âu trên “Con đường tơ lụa”.

Với truyền thống lớn lên trên yên ngựa, người Mông Cổ đã thiết lập một mạng lưới thư tín tốc hành bằng việc phi ngựa. Họ đã xây dựng một hệ thống các “Dịch trạm” gọi là Yam, tức trạm truyền tin để liên lạc. Thư từ sẽ được truyền đi liên tục không ngưng nghỉ bằng ngựa đến các trạm, lại đổi ngựa và người mang tin tiếp di chuyển.

Việc làm này đã được người Trung Hoa thực hiện từ trước đây nhưng đến thời Thành Cát Tư Hãn nó lại trở nên quy mô hơn. Mỗi người đưa tin di chuyển 40 km để đi đến trạm kế tiếp và có khoảng 1400 trạm được lập, mỗi trạm cách nhau 40 km, hơn 50.000 con ngựa chiến cùng 2000 kị binh ưu tú được lựa chọn làm nhiệm vụ đưa thư. Theo một số tư liệu, mỗi ngày thư tín được đưa đi 320 km, đây là tốc độ truyền tin nhanh nhất trong thế kỷ 13. Qua đó, các thủ lĩnh Mông Cổ có thể kiểm soát được tình hình trong toàn lãnh thổ rộng lớn.

Thành Cát Tư Hãn do thám đối phương rất cẩn trọng trước khi xuất binh. Khi chinh phục châu Âu, hai dũng tướng của Thành Cát Tư Hãn là Tốc Bất Đài và Bạt Đô đã mất 10 năm để trinh sát.

5. Chiến thuật thần tốc: Biến mặt trận thành hậu phương

Quân Mông Cổ chiếm ưu thế trước người châu Âu.

Khi thức ăn cạn kiệt, đàn sói buộc phải đi xa và chúng có thể đi tận 160 km một ngày, rất cơ động và dẻo dai. Và ngay lập tức nó thích nghi với vùng lãnh thổ mới.

Thành Cát Tư Hãn thống nhất các bộ lạc Mông Cổ ở khu vực Đông Bắc Á vào năm 1206 cho đến khi ông ta qua đời vào năm 1227, lãnh thổ của đế chế Mông Cổ ngày càng lớn mạnh, trải dài từ vùng Đại thảo nguyên tới tận biển Thái Bình Dương và biển Caspi. Và Thiết Mộc Chân chỉ thực hiện giấc mơ vĩ đại đó trong 20 năm. Làm tiền đề cho đến năm 1241, hậu duệ của vị Khả Hãn anh hùng này đã tiến hành thôn tính Viena (Áo) và trở thành nỗi ám ảnh với các quốc gia Đông Âu trong suốt phần còn lại của Thế Kỷ 13.

Việc thường xuyên tham chiến rất xa hậu phương, nếu thất bại thì đoàn quân viễn chinh Mông Cổ sẽ thiệt hại vô số khi lui binh thụ động. Vậy nên, Thành Cát Tư Hãn đã chọn phương án tương tự như trong Binh Pháp Tôn Tử đã chép: “Đưa ba quân vào chỗ không còn đường lui để liều chết chiến đấu”. Việc hậu cần, vận chuyển từ thảo nguyên đến các mặt trận xa xôi nhằm đáp ứng diễn tiến nhanh chóng của chiến sự được xem là không thể.

Các chiến dịch của Thành Cát Tư Hãn.

Đó chính là nguyên nhân các chiến binh Mông Cổ được chỉ đạo phải dứt điểm nhanh gọn các mục tiêu nhằm chiếm ngay các kho tàng của địch quân để phục vụ cho quân nhu (lương thực, thuốc men, vũ khí, lực lượng,…).

Và yếu tố thần tốc, linh hoạt, bất ngờ trong cách dụng binh luôn được người Mông Cổ đưa lên hàng đầu. Mỗi người lính Mông Cổ phải nuôi từ 3 đến 4 con ngựa. Họ thay ngựa cưỡi thường xuyên nên giúp họ di chuyển nhanh chóng, liên tục mà không làm giảm sức ngựa.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra các binh khí và giáp trụ của phương Tây thường khá nặng nề nên khi giao chiến với người Mông Cổ, họ không nắm được thế chủ động, Đông Âu liên tục bại trận. Thậm chí, quân Mông Cổ còn ôm mộng tấn công Đế quốc La Mã. Đội hình dàn quân và chiến thuật của người Mông Cổ thay đổi rất linh hoạt, khi tiến khi lùi, trong lùi có tiến và trong tiến có lùi, biến hóa khôn lường. Như Tôn Tử nói :" Muốn chiếm thì vờ như bỏ chạy”.

Theo Hoàng Anh (Ohay.tv)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/thanh-cat-tu-han-chinh-phuc-thien-ha-bang-chien-thuat-bay-soi-941981.html