Thành Cổ Sơn Tây- Không gian trải nghiệm cho học sinh

Trong nhiều năm qua, ngành giáo dục thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã tích cực xây dựng các chương trình tìm hiểu, học tập về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Điều này góp phần bảo tồn di sản văn hóa ở thế hệ trẻ, giáo dục học sinh biết trân quý những giá trị lịch sử của ông cha để lại.

Hơn 900 học sinh cùng cán bộ giáo viên nhân viên trường THCS Phùng Hưng,Sơn Tây tham quan và trải nghiệm những giá trị văn hóa của thành cổ Sơn Tây.

Hơn 900 học sinh cùng cán bộ giáo viên nhân viên trường THCS Phùng Hưng,Sơn Tây tham quan và trải nghiệm những giá trị văn hóa của thành cổ Sơn Tây.

Trong buổi học tập trải nghiệm Chào mừng kỷ niệm 200 năm Thành Cổ Sơn Tây (1822-2022); Hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam 9/11, hơn 900 học sinh cùng cán bộ giáo viên nhân viên trường THCS Phùng Hưng, thị xã Sơn Tây đã có buổi tham quan và trải nghiệm những giá trị văn hóa của thành cổ Sơn Tây. Em Giang Hà Thu- lớp 7C trường THCS Phừng Hưng cho biết: “Trong buổi trải nghiệm này, em đã được tham quan và hiểu thêm nhiều về lịch sử, giá trị văn hóa của thành cổ Sơn Tây. Được tham gia dâng hương và là người trực tiếp học hỏi, tìm tòi và tuyên truyền về chính những giá trị của di tích thành cổ Sơn Tây với em là một niềm tự hào.

Các em tham quan không gian văn hóa tại Thành cổ Sơn Tây.

Bà Đỗ Thị Thông- Hiệu trưởng trường THCS Phùng Hưng, thị xã Sơn Tây cho biết, “Tự hào là ngôi trường được nằm trong khuôn viên phố đi bộ Thành Cổ Sơn Tây, chúng tôi nhận thức rõ nhiệm vụ của mình đó là lan tỏa niềm tự hào đó, lan tỏa những giá trị của trăm năm tuổi của Thành Cổ để không chỉ học sinh Phùng Hưng, học sinh Sơn Tây mà lớp lớp các thế hệ học sinh cũng như người dân Việt Nam được biết đến ngôi thành với bao chiến tích vĩ đại của cha ông”.

Đây sẽ là những điểm đến lý tưởng cho những giờ sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Thủ đô.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng ban đại diện Hội cha mẹ học sinh trường THCS Phùng Hưng chia sẻ “Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng chương trình học tập trải nghiệm về với di sản là một hoạt động rất thiết thực đối với thế hệ con cháu của chúng tôi. Nó không chỉ giúp các con củng cố bổ sung kiến thức về môn lịch sử, mà quan trọng hơn, qua những buổi học tập trải nghiệm như thế này, niềm tự hào về quê hương, đất nước sẽ được bồi đắp để từ đó khơi gợi tinh thần học tập của các con”.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung- Phó trưởng phòng văn hóa thông tin thị xã Sơn Tây chia sẻ, Sơn Tây là mảnh đất đậm đà các di tích văn hóa, không chỉ có Thành Cổ, Đền Và, làng cổ đường Lâm nổi danh mà Sơn Tây còn có hơn 400 dích cùng rất nhiều các địa danh nổi tiếng . Đây sẽ là những điểm đến lý tưởng cho những giờ sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Thủ đô. Chúng tôi sẽ tăng cường phối kết hợp với ngành giáo dục để tổ chức các buổi ngoại khóa cũng như trao đổi các thông tin hình ảnh di sản trong dạy học. Việc này không chỉ giúp quảng bá di sản văn hóa Sơn Tây đến những người trẻ, mà còn tạo được niềm tin yêu, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở thế hệ trẻ.

Giáo dục trải nghiệm cho học sinh tại một di sản ý nghĩa không chỉ góp phần thúc đẩy phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực’

Thành Cổ Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822), là tòa thành được xây bằng đá ong, có tổng diện tích 16ha với các kiến trúc độc đáo như: Tường thành bằng đá ong, 4 cổng thành xây bằng gạch cổ. Đây là một trong số ít tòa thành dưới thời Minh Mạng còn lại đến ngày nay. Thành được xây dựng kiên cố để bảo vệ vùng đất phía Tây Bắc Thăng Long.

Thành cổ Sơn Tây đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử kiến trúc quốc gia năm 1994. Ngày nay, tòa thành này vẫn còn tồn tại ở trung tâm thị xã Sơn Tây, và trở thành một di tích lịch sử và kiến trúc quân sự thu hút du khách. Hiện, thị xã Sơn Tây đang trình văn bản lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để công nhận Thành cổ Sơn Tây là di tích đặc biệt.

Việc tổ chức giáo dục trải nghiệm cho học sinh tại một di sản ý nghĩa như thế này không chỉ góp phần thúc đẩy phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực’ các nhà trường đang xây dựng. Mà quan trọng hơn, những bài học mà các em tự thu nhận được từ trải nghiệm thực tế chắc chắn sẽ đọng lâu trong trái tim các em. Giáo dục trải nghiệm di sản cũng là một cách tiếp cận mới để các em tự lĩnh hội kiến thức, đồng thời phát triển toàn diện nhân cách./.

Trần Hằng

Đài PTTH Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/thanh-co-son-tay--khong-gian-trai-nghiem-van-hoa-cho-hoc-sinh-d215816.html