Thành công nhờ làm mới mình

Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018 vừa qua đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả TP Hồ Chí Minh. Một số diễn viên hài đã tạo sự bất ngờ cho người xem khi hóa thân vào những vai bi, vai tính cách, khác hẳn hàng loạt nhân vật mà họ từng thể hiện trước đây.

NSƯT Hoài Linh vào vai ông Tư trong vở Hiu hiu gió bấc.

Suất diễn của vở “Hiu hiu gió bấc” (tác giả Như Trúc; đạo diễn Minh Nhật, dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) của sân khấu kịch Buffalo thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc vừa kết thúc vào tháng 4 đã không còn chỗ trống. Nhiều khán giả phải đứng dọc các lối đi. Ai cũng có thể đoán được cái tên Hoài Linh có trong vở diễn là “nguyên nhân” dẫn đến việc “cháy vé”. Anh tham gia vở “Hiu hiu gió bấc” với vai ông Tư, một ông già Nam Bộ nghèo nhưng sống giàu tình nghĩa và luôn trọng chữ tín. Ông sống cùng đứa cháu trai (Hết - Công Danh đóng), luôn thương yêu cháu hết mực và lúc nào cũng mong mỏi đứa cháu mình sẽ có được một mái ấm gia đình hạnh phúc. Nhưng vì nghèo, đứa cháu của ông Tư phải nén nỗi đau, kể cả phải gánh luôn tiếng bội tình, bội nghĩa để người yêu mình có tương lai tươi đẹp hơn với người chồng khá giả. Hai ông cháu phải đốt nhà, trôi theo những con nước miền Tây đến nơi khác sinh sống với hy vọng tìm được hạnh phúc và bình yên cho chính mình.

Với vai diễn nhiều nội tâm, NSƯT Hoài Linh cho thấy khả năng diễn xuất đa dạng của mình. Một ông già Nam Bộ quyết dạy đứa cháu bằng roi vọt vì phản bội chữ tín, phản bội tình nghĩa nhưng khi hiểu ra hết sự thật thì lại thương cháu mình hơn. Trước sự bạc bẽo của cuộc đời, hai ông cháu chỉ còn biết cười thật lớn giữa mênh mông sông nước, cười để thấy mình mạnh mẽ, thấy mình phải tự tin tiếp tục đối mặt với cuộc đời. Đó là một trong những lớp diễn ấn tượng nhất của Hoài Linh trong “Hiu hiu gió bấc”. Khán giả có thể nghe thấy tận sâu trong tiếng cười của ông Tư vẫn là tiếng nức nở, là những giọt nước mắt cảm thương cho số phận nghèo.

Khoảng mười năm trước, khán giả “cười nghiêng ngả” với nhân vật “Cá mặt ngu” trong vở kịch “Thiếu nhi Na Tra đại náo Thủy cung” của sân khấu kịch Idecaf. Đó cũng là vai diễn khiến cái tên Đại Nghĩa trở nên quen thuộc hơn với người yêu thích kịch nói. Đến nay, Đại Nghĩa đã không chỉ là một diễn viên hài mà còn là người dẫn chương trình duyên dáng. Chính vì thế, khán giả bất ngờ khi thấy anh đóng vai chính trong vở kịch tâm lý “Tiếng giày đêm” (kịch bản: Lê Chí Trung; đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc) của Công ty TNHH Giải trí Hero Film trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc vừa qua. Đại Nghĩa vào vai Bình, em của Sơn (Hữu Tiến đóng). Sơn là một ngôi sao được nhiều khán giả hâm mộ.

Trong một lần mất kiểm soát, Sơn đã gây ra tai nạn chết người. Vì yêu quý Sơn, không muốn sự nghiệp của anh mình bị lụi tắt, Bình đã nhận tội và ở tù thay anh. Tuy nhiên khi trở về với gia đình, với xã hội, Bình phát hiện người bạn gái năm xưa giờ trở thành người yêu của anh trai mình. Bình như rơi vào vòng xoáy của cuộc đời, mong ước tìm một hạnh phúc nhỏ nhoi cho riêng mình cũng trở nên quá khó với anh. Vai Bình của Đại Nghĩa có chút ngang tàng, bất cần, nhưng đằng sau vẻ bề ngoài ấy là trái tim tràn đầy yêu thương. Bình muốn sống cuộc đời bình thường với một gia đình đầm ấm, cùng một người mình yêu thương. Nhưng khi mọi thứ tưởng chừng đã có trong tầm tay của Bình, bỗng trở nên vụt mất.

Diễn viên Đại Nghĩa cho biết, khi được mời tham gia vở diễn anh đã quyết định chọn nhân vật Bình vì tâm lý phức tạp của nhân vật sẽ khiến anh thử sức bản thân nhiều hơn. Và cũng như vai diễn ông Tư của NSƯT Hoài Linh, vai Bình đã mang đến thành công cho anh. Cả hai đều nhận Huy chương vàng cá nhân trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018. Nhưng có lẽ thành công nhất đối với hai diễn viên hài Hoài Linh, Đại Nghĩa, đó chính là họ đã dám làm mới mình bằng những vai diễn chính kịch, có chiều sâu và đã thật sự gây ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.

Bài, ảnh: Bảo Linh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/36463602-thanh-cong-nho-lam-moi-minh.html