Thành công từ đam mê trải nghiệm

'Năm 2006, ở tuổi 18, tôi nghĩ những người được học bổng Fulbright là 'quái kiệt'. Chỉ có 'quái kiệt' mới đạt được học bổng khó nhai và danh giá này. Mười năm sau, tôi trở thành một trong những 'quái kiệt' đó'. Đây là tâm sự của Trần Thanh Vân, một trong 15 nhân vật được lựa chọn cho Stories of Fulbrighters (Những câu chuyện của người đạt học bổng Fulbright).

Trần Thanh Vân trong một lần làm MC

Trải nghiệm để học hỏi và trưởng thành

Nhiều người biết đến Trần Thanh Vân vì chỉ cần một cú click chuột trên youtube sẽ truy cập được vào bất kỳ vlog nào mà cô gái sinh năm 1988 này chia sẻ. Những vlog của Vân góp phần lan tỏa tư duy tích cực, cung cấp thông tin hữu ích về ngôn ngữ và du học, giúp cho người trẻ có thêm một góc nhìn mới về các vấn đề xã hội.

Tất cả những kinh nghiệm mà cô gái 8X này tích lũy được chính là những “cố gắng hết mình trong việc học hỏi và hoàn thiện bản thân, thậm chí trong các cuộc thi và những lần tuyển chọn học bổng”. Thanh Vân vốn xuất thân trong một gia đình bình thường và ít người. Cảm giác bao trùm thời ấu thơ của Vân là lạc lõng và yếu ớt. Vân từng nhận xét mình rất ít nói, mặt dù rất thích hòa đồng với mọi người.

Để thay đổi bản thân mình, Thanh Vân bắt đầu dấn thân vào các hoạt động cộng đồng, hội nhóm ngay từ thời học ở Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong. Thanh Vân từng ứng cử Ban Chấp hành Đoàn trường, khởi xướng CLB tiếng Anh, CLB Radio. Vân tham gia gần như tất cả các cuộc thi, “làm gì cũng làm hết 200% công sức”.

Theo Vân, có lẽ sự dạn dĩ của cô có nền tảng từ đây. Chính vì thích giao tiếp, thích tiếng Anh, Thanh Vân thi đậu vào Khoa Quan hệ Quốc tế Trường ĐH KHXH&NV TPHCM. Lúc này, cô gái 8X khát khao đi nước ngoài du học nhưng chưa xin được học bổng, nên tự nhủ sẽ tận dụng tốt thời gian học ĐH tại Việt Nam, rồi mới tìm học bổng đi học Thạc sĩ.

Bước vào ngưỡng cửa ĐH, Thanh Vân cố gắng vừa giữ kết quả học tập vừa tham gia thật nhiều hoạt động ngoại khóa. “Tôi làm lớp phó học tập của lớp và chủ nhiệm CLB học thuật của khoa, tên là CLB Thời sự. Để vực dậy CLB, tôi thức trắng đêm xây dựng format mới cho CLB, tăng tính tương tác và sự thú vị cho hoạt động. Năm đó, CLB của chúng tôi hoạt động xuất sắc và tăng số lượng thành viên lên gấp đôi. Tôi tích lũy thêm một chút kinh nghiệm về leadership và khả năng điều hành đội nhóm” - chị hào hứng nhớ lại.

Khi học ĐH, Thanh Vân nhiệt tình ứng tuyển vào các chương trình giao lưu thanh niên trong và ngoài nước. Cô may mắn được chọn đi Malaysia, Indonesia, Thái Lan, đại diện cho thanh niên Việt Nam thi thố và giao lưu văn hóa.

Những chuyến đi như vậy làm cho Vân thay đổi suy nghĩ rất nhiều. Cô muốn mình sẽ làm một nhà ngoại giao “mềm”, giới thiệu Việt Nam đến bạn bè thế giới bằng “những sản phẩm như văn hóa chẳng hạn”. Một trong những hoạt động có tính bước ngoặt đối với cuộc đời Thanh Vân là tham gia điều phối chương trình Giờ Trái Đất 2010. Lúc đó, Vân không thể ngờ rằng hoạt động này mở ra cơ hội cho bản thân: có công việc đầu tiên của mình.

Sinh viên quốc tế đạt học bổng Fulbright

Làm đủ thứ nghề

Công việc đầu tiên mà Vân được nhận là phóng viên tại tạp chí Elle. Phó tổng thư ký tòa soạn khi đó vô tình là trưởng ban bảo trợ truyền thông cho chiến dịch Giờ Trái Đất 2010. Chị quan sát Vân suốt ba tháng làm chiến dịch và ngỏ lời: kỹ năng báo chí chị có thể training cho Vân được, song nhiệt huyết và đam mê thì không thể dạy. Và Vân có hai phẩm chất đó. Sau hai tháng tập sự tại Elle, Thanh Vân được chuyển sang team Quản trị thương hiệu (Brand). Những kỹ năng tổ chức sự kiện, điều phối show, giao tiếp với đối tác từ hoạt động ngoại khóa thời ĐH đã giúp Vân rất nhiều. Vân được chọn làm MC của Chương trình Fashion Show đầu tiên do Elle tổ chức.

Sau một năm rưỡi đầu quân cho Elle, Vân cảm thấy công việc đã trở nên quá quen nhàm.

Giữa lúc đó, Thanh Vân nhận được lời mời làm một dự án âm nhạc cho trẻ em vì người khởi xướng thấy Vân hiểu biết âm nhạc, quan tâm đến xã hội và có khả năng quản lý. Thế là Thanh Vân đã cùng nhạc sỹ Thanh Bùi và cộng sự lập nên trường đào tạo/công ty sản xuất âm nhạc SOUL Music Entertainment. Vân giúp anh Thanh Bùi sắp xếp lịch làm việc với báo chí và quản lý thương hiệu cho SOUL.

Tiếng Anh giúp Thanh Vân rất nhiều khi quan hệ với đối tác nước ngoài. Suốt 2 năm làm ở SOUL, Thanh Vân chợt nhớ về giấc mơ du học của mình. Vân lại xin nghỉ và ở nhà hai tháng để tìm học bổng ứng tuyển.

Bài học khi bước ra biển lớn

Năm đó, Thanh Vân ứng tuyển 5 chương trình học bổng gồm: Fulbright, Eramus Mundus, học bổng của chính phủ Ireland, học bổng của chính phủ Thụy Điển, học bổng quản trị tri thức và sáng tạo tại Nhật-Hoa Kỳ-Thái Lan-Singapore, gọi tắt là GLIK. Thanh Vân trượt học bổng Fulbright, nhưng nhận được cùng lúc học bổng của chính phủ Thụy Điển và GLIK. Cô chọn GLIK đi bốn tháng, thay vì học bổng kia đi một năm. Bốn tháng rong ruổi ở những vùng đất mới cho Vân suy nghĩ về hướng đi tiếp theo.

Vân về nước sau bốn tháng và làm cho chương trình radio Xone FM. “Tôi dùng tiếng Anh để tìm ra nhiều chất liệu mới cho chương trình. Đồng thời, dự án Vanlog ra đời là giao điểm của ba yếu tố: tôi làm được, tôi thích làm và xã hội cần. Tôi có cả những va vấp và những trải nghiệm đẹp. Tôi hàm ơn những người mình đã gặp, những câu chuyện mình đã nghe. Tôi muốn làm video chia sẻ những điều thú vị mà tôi quan sát được trong cuộc sống” - vlogger 8X chia sẻ.

Sau hành trình 10 năm dày đặc sự kiện và làm nhiều nghề từ quản lý thương hiệu, quản lý nghệ sĩ, MC, ca sĩ, phóng viên, giảng viên, Vlogger…, Thanh Vân đã tiếp tục ứng tuyển và chạm tay vào giấc mơ học bổng Fulbright vào tháng 8 năm 2017. Nhưng đây không phải điểm dừng mà là điểm mở đầu một hành trình mới. Thanh Vân tự tin vào hai năm tới sẽ học hỏi được nhiều điều hay ho và trở về Việt Nam làm tiếp những điều hữu ích.

Trấn Kiên

Trấn Kiên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/thanh-cong-tu-dam-me-trai-nghiem-3923982-b.html