Thanh đồng Lê Thị Thanh Hiền: Đam mê và nhất tâm thờ mẫu

'Vai trò của người làm hầu đồng là hướng dẫn mọi người hiểu hơn về các giá trị và quy tắc hầu đồng. Do đó người làm hầu đồng phải là tấm gương sáng trong việc đề cao nhân đức và hết lòng đóng góp cho việc truyền bá văn hóa hầu đồng của dân tộc đến với mọi người', thanh đồng Lê Thị Thanh Hiền luôn giữ quan điểm rõ ràng như vậy trong công việc của mình.

Lê Thị Thanh Hiền sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thờ Mẫu linh thiêng, nổi tiếng với tên gọi vùng đất “Ba Vua”. Hằng năm, mỗi độ xuân về, khi hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu Phật tử cùng tao nhân mặc khách từ khắp mọi miền Tổ quốc lại nô nức trẩy hội chùa Hương, hành hương về với miền đất Phật - nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành. Cũng từng mang ước mơ, hoài bão như nhiều cô gái khác, nhưng nhờ một cái duyên, nhờ có “căn đồng” và được lựa chọn nên cô đã đến với công việc hầu đồng như một định mệnh của cuộc đời. Sau khi xây dựng gia đình, có một thời gian dài sau đó cô thường xuyên được cô Chín dạy những kiến thức về đạo Mẫu, cô cảm thấy rất kỳ lạ. Kể từ đó cô không còn cơ duyên với việc trần nữa, thường hay gặp nhiều khó khăn, trắc trở mỗi khi để tâm nhiều tới công việc đang làm ở trần gian. Lúc đầu không hiểu lý do, nguyên nhân vì đâu mà như vậy, sau khi được thầy đồng cựu Lê Tôn Thực cũng là bố cô chia sẻ, cô đặt niềm tin vào tâm linh và xuất thủ trình đồng hầu Mẫu. Cuộc sống thăng trầm có lúc tưởng chừng như đã đánh gục cô, không thể đứng dậy. Nhưng với bản chất là người nghị lực, và ý thức được những giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu, cô đã luôn nỗ lực vươn lên từ hai bàn tay trắng mở một điện riêng cho mình với tên gọi là Quang Minh Điện, tọa lạc tại số nhà 53A, hẻm 43/4, ngõ Quan Thổ 3, Tôn Đức Thắng, Hà Nội. Cô chính thức phụng sự cửa Thánh từ năm 1999, đến nay cô đã có hơn 19 năm gắn bó với sự nghiệp hầu đồng với hoạt động ở nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Bản điện thờ cô Chín, người đã dạy những kiến thức về đạo Mẫu cho cô trong những giấc mơ mà một thời gian sau cô mới có cơ duyên biết tới. Cô Chín, hay Cô Chín Riêng, Cô Chín Sòng Sơn - tức Cửu Thiên Huyền Nữ - con gái thứ 9 của Ngọc hoàng Thượng đế; tương truyền là vị Thánh Cô theo hầu Thánh Mẫu Thần chủ. Trong tâm thức dân gian, Cô quản cai chín giếng liêng thiêng làm nên dòng suối tự nhiên bốn mùa xanh mát.

“Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh

Có Cô Chín Giếng đành hanh nhất phàm trần

Sinh thời hầu cận Mẫu Vương

Dọn hàng quán mát âm dương núi Sòng”

(Trích Văn chầu Cô Chín Giêng)

Quang Minh Điện

Việt Nam là một đất nước tuy không lớn nhưng luôn tự hào về bề dày lịch sử - văn hóa mấy nghìn năm. Người dân Việt Nam lao động cần cù và chất phác, mang trong mình niềm tự hào về bản sắc văn hóa Việt, và coi đó là cội nguồn sức sống quật cường của cả dân tộc xuyên suốt chiều dài lịch sử. Trong đời sống tinh thần của người Việt, niềm tin tâm linh có vai trò vô cùng quan trọng và là biểu hiện sinh động của văn hóa Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời của người Việt, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn, là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội. Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vừa được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể” của nhân loại. Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều người hiểu biết chưa đầy đủ do ranh giới giữa việc thực hành tín ngưỡng và hoạt động mê tín dị đoan khá mong manh. Nhiều người vốn có ác cảm với những cô, cậu đồng, người làm công việc thờ phụng thánh phật, bởi việc làm của họ thường bị hiểu nhầm, bị đánh đồng với mê tín dị đoan. Tuy nhiên, nếu có cơ hội được gặp gỡ hoặc tìm hiểu về thanh đồng Lê Thị Thanh Hiền, có thể những ý nghĩ này sẽ được thay đổi phần nào. Cô Hiền luôn thành tâm kính lễ, giữ cho tâm mình thanh tịnh, làm nhiều việc thiện cứu dân độ thế Tốt đời đẹp đạo để xứng đáng là một người con đất Phật - vùng đất Mỹ Đức linh thiêng.

Thanh đồng Lê Thị Thanh Hiền chính là con gái của cựu thanh đồng Lê Tôn Thực, người đã từng vào sinh ra tử tham gia nhiệm vụ ở đơn vị đặc công 407, quân khu 5 (Cam Ranh - Khánh Hòa). Ông là người có lối sống giản dị, có lẽ việc cứu dân độ thế cũng bởi căn duyên xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện lớn của ông. 17 năm làm từ thiện, với vẻ bề ngoài thật thà chất phác không ai nghĩ ông là một thanh đồng cựu nổi tiếng ở vùng đất thiêng Mỹ Đức. Từ lời nói chân thật đến phong cách sống giản dị, những hành động cao cả khiến những người đối diện không thể không cảm phục một tấm lòng thiện nguyện lớn ở ông. Bố chính là tấm gương sáng từ cả việc đời lẫn việc tâm linh nên thanh đồng Lê Thị Thanh Hiền luôn nhất nhất tâm niệm sống và làm việc theo hình mẫu lý tưởng của bố.

Muốn để mọi người hiểu hơn về công việc hầu đồng, theo cô hầu đồng không phải là một thủ tục mê tín dị đoan, mà đây là một nghi lễ tín ngưỡng dân gian Việt Nam, là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua thầy đồng. Lúc đó, thầy đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào bản thể và Thánh phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho con nhang, đệ tử. Việc hầu đồng bị nhiều người Việt Nam đánh đồng với mê tín dị đoan xảy ra là do một số người làm công việc này đã tự “thần thánh hóa” bản thân, lợi dụng hoạt động hầu đồng để chuộc lợi cho cá nhân, “chặt chém” các đệ tử, làm thay đổi ý nghĩa của hoạt động vốn có bản chất tốt đẹp, mang lại may mắn, bình an cho mọi người. “Vai trò của người làm hầu đồng là hướng dẫn mọi người hiểu hơn về các giá trị và quy tắc hầu đồng. Do đó người làm hầu đồng phải là tấm gương sáng trong việc đề cao nhân đức và hết lòng đóng góp cho việc truyền bá văn hóa hầu đồng của dân tộc đến với mọi người”, thanh đồng Lê Thị Thanh Hiền luôn giữ quan điểm rõ ràng như vậy trong công việc của mình. Với tấm lòng “lá lành đùm lá rách”, cô cùng bản hội của mình thường xuyên tham gia các công tác an sinh xã hội, ủng hộ người nghèo, đồng bào bị lũ lụt ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị... Ý thức được những giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu, cô luôn chú trọng công tác giữ gìn, tôn tạo và vận động bản hội của mình công đức, góp phần tu tạo đền chùa ở các tỉnh, và đặc biệt tại quê hương thôn Lai Tảo xã Bột Xuyên, Mỹ Đức, Hà Nội. Đặc biệt, gia đình cô thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Cô và gia đình luôn tâm niệm đây là những việc làm xuất phát từ chữ ‘Tâm” nên cô luôn làm âm thầm, không phô trương.

Với những đóng góp tích cực trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của thanh đồng Lê Thị Thanh Hiền và toàn thể các đồng thầy khác trên cả nước, cùng với việc mở ra các hướng phát triển về văn hóa tâm linh của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì hầu đồng sẽ đi sâu vào quần chúng và phát triển cho đến muôn đời sau.

Xuân Huy

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-dong-le-thi-thanh-hien-dam-me-va-nhat-tam-tho-mau-61504