Thánh đường đối diện Vòm đá vàng thành nút thắt xung đột Israel - Gaza

Thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa nằm tại một địa điểm linh thiêng đối với các tín hữu Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo.

Các cuộc đối đầu dữ dội giữa người Palestine và lực lượng an ninh tại Jerusalem trong tháng này cho thấy tầm quan trọng của Thánh đường Al-Aqsa.

Những tuyên bố tranh chấp của những cộng đồng tín hữu Hồi giáo và Do Thái giáo đã biến địa danh này thành một trong những địa danh có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới hiện nay, theo The New York Times.

Tính đến ngày 13/5, các nhà chức trách y tế ở Gaza cho biết ít nhất 67 người Palestine, bao gồm 17 trẻ em và 8 phụ nữ, đã thiệt mạng do các cuộc không kích của Israel. Bên phía Israel ghi nhận ít nhất 6 người thiệt mạng, trong đó có một trẻ em. Đây là cuộc không kích dữ dội nhất ở Gaza kể từ vụ tấn công năm 2014.

Quang cảnh của khu phức hợp Al-Aqsa và thành phố cổ Jerusalem. Ảnh: The New York Times.

Lịch sử Al-Aqsa

Thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa là một trong những địa điểm linh thiêng nhất trong niềm tin của người Hồi giáo. Thánh đường nằm trong một khu đất rộng khoảng 35.000 m vuông tại nơi được người Hồi giáo gọi là “Haram al-Sharif”, nghĩa là “Khu bảo tồn quý tộc”. Ngọn đồi này cũng được người Do Thái gọi là Núi Đền. Địa điểm này là một phần của Thành cổ Jerusalem và vô cùng thiêng liêng đối với người Thiên chúa giáo, Do Thái và Hồi giáo.

Thánh đường được hoàn thành vào đầu thế kỷ VIII, đối diện với Vòm đá vàng, một thánh đường Hồi giáo biểu tượng của Jerusalem cũng nằm trên Núi Đền. Al-Aqsa có thể chứa đến 5.000 người một lúc. Vào các ngày lễ, người Hồi giáo sẽ tập trung tại toàn bộ khuôn viên để cầu nguyện.

Trong tiếng Arab, “Aqsa” có nghĩa là xa nhất. Thánh đường Al-Aqsa gắn liền với câu chuyện về đêm Miraj, hay còn gọi là hành trình đêm của nhà tiên tri Muhammad lên thiên đàng.

Thánh đường Vòm đá vàng trong khu phức hợp Al-Aqsa. Ảnh: AP.

Theo kinh Qur’an, tại vị trí của thánh đường Al-Aqsa hiện tại, nhà tiên tri Muhammad đã lên thiên đường và gặp các vị thánh khác nhau như chúa Jesus, Moses và Abraham. Sau khi nhà tiên tri Muhammad gặp Abraham, ông tiếp tục gặp thánh Allah. Thánh Allah nói với ông rằng người dân cần cầu nguyện 50 lần mỗi ngày. Sau đó, vì thấy phải cầu nguyện quá nhiều, Muhammad đã xin thánh Allah giảm xuống 5 lần và được chấp thuận. Chuyến đi của nhà tiên tri Muhammad chỉ diễn ra trong một đêm.

Theo niềm tin Thiên chúa giáo và Do Thái giáo, đây là nơi Tổ phụ Abraham trói giữ con trai của mình Isaac để hiến tế cho Thượng đế. Núi Đền là nơi linh thiêng nhất đối với người Do Thái bởi đây là vị trí tọa lạc của hai ngôi đền cổ. Theo Kinh thánh, ngôi đền đầu tiên được xây dựng bởi vua Solomon nhưng sau đó bị người Babylon phá hủy. Ngôi đền thứ hai tồn tại gần 600 năm trước khi bị Đế quốc La Mã phá hủy trong thế kỉ I.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã xếp loại thành phố cổ Jerusalem và các bức tường là di sản thế giới. Thành phố được coi là có tầm quan trọng quốc tế nổi bật và xứng đáng được bảo vệ đặc biệt.

Ai kiểm soát nhà thờ Hồi giáo?

Sau cuộc chiến tranh với người Arab năm 1967, Israel đã chiếm và sáp nhập khu vực Đông Jerusalem vào lãnh thổ của mình, bao gồm cả thành phố cổ Jerusalem. Israel sau đó tuyên bố Jerusalem thống nhất là thủ đô của mình. Tuy nhiên, động thái này chưa bao giờ được quốc tế công nhận.

Theo một thỏa thuận hòa bình năm 1994 giữa Israel và Jordan, một quỹ tín thác Hồi giáo có tên Waqf sẽ quản lý Thánh đường Al-Aqsa như đã làm trong nhiều thập kỷ trước đó. Quỹ này được tài trợ và kiểm soát bởi Jordan.

Lực lượng an ninh Israel sẽ duy trì sự hiện diện tại địa điểm này và phối hợp hoạt động với quỹ Waqf. Người Do Thái và Cơ Đốc được phép đến viếng thăm. Tuy nhiên, theo thỏa thuận, chỉ có người Hồi giáo được quyền cầu nguyện ở Al-Aqsa. Người Do Thái sẽ cầu nguyện ngay dưới cao nguyên ở Bức tường Than khóc, tàn dư của một bức tường đã từng bao quanh Núi Đền.

Giáo hoàng Francis cầu nguyện tại Bức tường Than khóc năm 2014. Ảnh: Times of Israel.

Vì vậy, theo các nhà phê bình, sự phân biệt đối xử của thỏa thuận đối với những người không theo đạo Hồi đã châm ngòi bạo lực. Lễ kỷ niệm hàng năm của Israel về ngày Jerusalem cũng đổ thêm dầu vào lửa. Đây là ngày lễ chính thức của người Do Thái kỷ niệm ngày Israel chiếm giữ toàn bộ thành phố.

Ngày lễ gần đây nhất được tổ chức vào ngày 10/5, trùng hợp với đêm thánh Laylat al-Qadr của người Hồi giáo. Đây là một sự khiêu khích đối với nhiều người Palestine, bao gồm cả cư dân ở Đông Jerusalem. Người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai, nhưng viễn cảnh đó dường như ngày càng xa xôi.

Các quan chức Israel, bao gồm cả Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đã khẳng định rằng họ không có ý định thay đổi hiện trạng và cũng không muốn kiểm soát hoàn toàn Al-Aqsa.

Tuy nhiên, một số nhóm tôn giáo Israel đã kêu gọi quyền cầu nguyện tại địa điểm này. Vào tháng 4, Bộ Ngoại giao Jordan đã chính thức lên tiếng về việc số lượng lớn du khách Do Thái đến địa điểm này và gọi đó là vi phạm hiện trạng.

Sự khác biệt trong cuộc biểu tình mới nhất

Trong những tuần trước khi bạo lực bùng phát hôm 10/5 tại Al-Aqsa, căng thẳng đã xuất hiện giữa một số người Do Thái và người Palestine về các vấn đề không liên quan đến khu thánh đường.

Các cuộc đụng độ bạo lực đã xảy ra xung quanh thành phố cổ Jerusalem. Một số người Palestine đã tấn công người Do Thái tại Jerusalem. Ngược lại, một nhóm người Do Thái cực đoan đã thực hiện một cuộc tuần hành. Những người tham gia hô vang khẩu hiệu “Người Arab rời khỏi Jerusalem”.

Người Palestine cũng tức giận vì cảnh sát cấm tập trung tại cổng Damascus trong những tuần đầu tiên của tháng Ramadan.

Cảnh sát Israel tại khu phức hợp Al-Aqsa. Ảnh: Reuters.

Căng thẳng hơn nữa, người Palestine đã đối đầu với cảnh sát Israel nhằm chống lại việc trục xuất cư dân Palestine khỏi khu phố Sheikh Jarrah. Theo chính quyền Israel, khu vực này sẽ được sử dụng cho việc xây dựng khu định cư cho người Do Thái.

Tình trạng căng thẳng diễn ra trong thời điểm chính phủ Israel đang rơi vào khủng hoảng sau khi diễn ra đến bốn cuộc bầu cử trong vòng hai năm. Tổng thống Mahmoud Abbas của chính quyền Palestine cũng hoãn vô thời hạn cuộc bầu cử lập pháp. Đáng lẽ cuộc bầu cử phải được diễn ra trong cuối tháng 5. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên của Palestine trong vòng 15 năm.

Các cuộc đụng độ trước đây đã phần nào định hình sự cứng rắn trong chính sách của Israel.

Vào năm 1990, một cuộc bạo loạn chết người đã bùng nổ sau khi một nhóm người Do Thái cực đoan tìm cách phá hủy thánh đường Al-Aqsa. Chúng muốn xây dựng một ngôi đền mới thay thế hai ngôi đền đã bị phá hủy vào thời cổ đại.

Đến năm 2000, một chuyến thăm tới Al-Aqsa khẳng định tuyên bố của người Do Thái của chính trị gia Israel cánh hữu Ariel Sharon đã châm ngòi cho một vụ đối đầu khác giữa người Israel và Palestine. Israel đã sử dụng các vũ khí hạng nặng như súng, xe tăng và máy bay, trong khi người Palestine đánh bom tự sát, ném đá và tấn công bằng tên lửa.

Năm 2017, một cuộc khủng hoảng khác nổ ra sau khi ba công dân Arab tại Al-Aqsa bắn chết hai sĩ quan cảnh sát của Israel. Điều này khiến chính quyền Israel hạn chế quyền ra vào khu phức hợp thánh đường và lắp đặt máy dò kim loại. Sự phẫn nộ của người Arab đối với các biện pháp an ninh đã dẫn đến bạo lực. Sau đó, các máy dò kim loại đã được gỡ bỏ.

Tòa tháp ở Dải Gaza bị đánh sập trong cuộc không kích của Israel Hơn 40 người tử vong trong cuộc chạm trán mới nhất giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thanh-duong-doi-dien-vom-da-vang-thanh-nut-that-xung-dot-israel-gaza-post1214531.html