Thanh Hóa: Dân muốn chăn thả trâu bò phải nộp 'phí đồng cỏ'

Nhiều năm nay, người dân chăn nuôi trâu bò tại xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) phải đóng phí 100.000 đồng/năm mỗi con nếu muốn chăn thả trâu bò trên địa bàn.

Người dân xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) phản ánh đang phải đóng cho HTX dịch vụ Minh Anh phí đồng cỏ và thế chấp chăn thả gia súc, gia cầm.

Mức đóng cụ thể là 100.000 đồng/con/năm cho loại "phí đồng cỏ".

Tiền thế chấp chăn thả gia súc thu theo từng mức độ khác nhau. Hộ dân có 1 đến 3 con trâu bò phải đóng 300.000 đồng; từ 3 đến 5 con đóng 500.000 đồng; từ 5 đến 10 con đóng 1.000.000 đồng và hộ nuôi từ 10 con trở lên nộp 2.000.000 đồng.

Người dân xã Thiệu Dương cho biết, nếu nhà nào không tuân theo quy định trên, HTX sẽ cấm chăn thả trâu bò ra ngoài đồng, bãi cỏ.

Người dân xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) phải đóng phí 100.000 đồng/năm mỗi con nếu muốn chăn thả trâu bò ở đồng cỏ.

Bên cạnh đó, những hộ dân có máy gặt, máy lồng cũng phải phải đóng góp tiền đặt cọc cho HTX Minh Anh, mức 5 triệu đồng/máy gọi là tiền thế chấp.

Ngoài ra, cuối vụ người dân phải trích lại 10% doanh thu/sào cho HTX gọi là phí dịch vụ khi máy móc hoạt động trên diện tích HTX quản lý. Theo người dân, nếu không tuân thủ quy định này sẽ bị HTX cô lập, thâu tóm hết cả cánh đồng, không cho làm mà chuyển giao diện tích này cho chủ máy khác.

Giải thích về những khoản thu trên, ông Dương Đình Minh - Giám đốc HTX dịch vụ Minh Anh cho rằng, HTX thu tiền thế chấp chăn thả gia súc là trên tinh thần tự nguyện, dựa trên quy ước của làng từ xưa đến nay.

Mục đích khoản thu là tránh người dân chăn thả gia súc bừa bãi, phá hoại hoa màu, bờ vùng, bờ thửa của nhân dân. Cũng theo ông Minh, tiền thế chấp chăn thả gia súc sẽ được hoàn trả cho người dân vào cuối mỗi năm nếu gia súc của chủ hộ không phá hoại hoa màu.

Phiếu thu thế chấp tiền chăn thả gia súc, gia cầm của HTX Minh Anh.

Liên quan khoản thu đặt cọc cho việc hoạt động máy cày bừa, gặt lúa của người dân, ông Minh khẳng định: “Các hộ có máy bắt buộc phải nộp tiền thế chấp vì chủ máy mỗi khi đưa máy ra đồng sẽ làm ảnh hưởng đến bờ vùng, bờ thửa và hệ thống mương thủy lợi.

Nếu làm hư hỏng bờ vùng, bờ thửa và hệ thống thủy lợi mà không tự sửa chữa, thì chủ máy phải chịu trừ vào khoản tiền đã đặt cọc để HTX sửa chữa bờ vùng, bờ thửa cho nhân dân”.

Đối với việc chủ máy phải trích lại 10% doanh thu/sào cày bừa, gặt lúa, ông Minh lý giải là do các hộ trong tổ cơ giới hóa tự nguyện đóng góp để chi cho công tác hoạt động của tổ.

Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thiệu Dương cho biết, việc HTX thu như vậy là đúng bởi có văn bản thỏa thuận của các hộ dân với HTX và dựa trên quy ước đồng điền do HTX và người dân lập nên.

Video: Xin giấy xác nhận độc thân phải nộp phí, dân Hà Tĩnh bức xúc

Hoàng Dũng

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thanh-hoa-dan-muon-chan-tha-trau-bo-phai-nop-phi-dong-co-d394027.html