Thanh Hóa đối thoại về tải trọng xe, doanh nghiệp hứa không vi phạm quá tải

Ngày 22/6, Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, đối thoại với DN về công tác đảm bảo TTATGT và kiểm soát tải trọng xe.

Về dự Hội nghị có ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy Ban ATGT Quốc gia; Thượng tá Phạm Việt Công – Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an); Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Các Ban QLDA thuộc Bộ GTVT; Lãnh đạo UBND tỉnh cùng các đơn vị liên quan; Doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chủ mỏ khoáng sản đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Hội nghị tuyên truyền, đối thoại với DN về công tác đảm bảo TTATGT và kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

TNGT - Nhìn từ những con số biết nói

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa, số lượng phương tiện xe tải (xe tự đổ, xe xi téc, xe tải) hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tính đến thời điểm hiện tại là 55.376 xe (chiếm 40,2% ô tô toàn tỉnh), trong đó xe tự đổ (xe tải ben) là 38.024 xe (chiếm 68,7% số xe tải toàn tỉnh).

Đại tá Phan Thị Hường - Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua theo dõi nắm bắt, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe chở hàng quá tải gấp nhiều lần so với quy định chịu tải của cầu đường (nhiều phương tiện chở quá tải trọng đến trên 200% đến gần 300% đã bị các lực lượng chức năng đã xử lý) là nguyên nhân chính khiến nhiều tuyến giao thông bị hư hỏng xuống cấp nhanh chóng.

Về dự Hội nghị có lãnh đạo Ủy Ban ATGT Quốc Gia, Đại diện Bộ GTVT, Cục CSGT, Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn

Bên cạnh đó, nhiều phương tiện chở quá tải trọng không thực hiện hoặc thực hiện sơ sài việc che chắn đã khiến hàng hóa, vật liệu rơi vãi gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng phương tiện khác tham gia giao thông, gây mất TTATGT và bức xúc trong dư luận xã hội.

“Hoạt động của xe quá tải tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT thảm khốc, điển hình gần đây nhất vào đêm ngày 22/3/2021, tại Km 13+570, đoạn dốc Bả Vai, thuộc tỉnh lộ 530 qua địa bàn xã Trí Nang, huyện Lang Chánh đã xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Xe ô tô biển kiểm soát 36C - 136.40 chở gỗ keo quá tải 155% khi xuống dốc đã lao mạnh vào taluy dương bên phải làm 7 người ngồi trên cabin xe tử vong”, Đại tá Hường cho biết thêm.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy Ban ATGT Quốc gia phát biểu tại Hội nghị

Theo thống kê, năm 2021, TNGT liên quan đến xe tải xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 162 vụ (chiếm 43%), làm chết 55 người (chiếm 40%), bị thương 102 người (chiếm 31,3%).

Trong đó, TNGT liên quan đến xe tải ben là 101 vụ (chiếm 62,3% vụ TNGT liên quan đến xe tải), làm chết 32 người, bị thương 65 người. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, TNGT liên quan đến xe ô tô tải xảy ra 83 vụ (chiếm 50%), làm chết 30 người (chiếm 43,5%), bị thương 48 người (chiếm 35,3%).

“Việc không chấp hành tốt các quy định pháp luật về TTATGT khi điều khiển tham gia giao thông như chở quá tải, vi phạm nồng độ cồn, thiếu chú ý quan sát dẫn đến TNGT. TNGT liên quan đến ô tô tải vẫn còn ở mức cao, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022 đã chiếm tới 50% số vụ TNGT trên địa bàn toàn tỉnh”, Đại tá Phan Thị Hương nhận định.

Vụ lật xe tải chở keo hồi tháng 3/2021 làm 7 người chết ở huyện Lang Chánh. Nguyên nhân được xác định xe tải này chở quá tải trọng cho phép 155%

Doanh nghiệp “hứa” không vi phạm quá tải, cơi nới thành thùng

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, kinh doanh vận tải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.

Ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thay mặt các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tôi đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ mở các lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến pháp luật về giao thông cho các doanh nghiệp.

Theo phản ánh, trên địa bàn có nhiều nơi tình trạng biển báo hiệu cong, vênh, bị che khuất tầm nhìn dẫn tới không ít các trường hợp vi phạm nên đề nghị làm rõ trách nhiệm. Hiệp hội cam kết chấp hành các quy định của pháp luật, không bốc xếp, chở hàng quá tải, cơi nới thành thùng.

Ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết Hiệp hội cam kết chấp hành nghiêm các quy định pháp luật khi bốc, xếp dỡ hàng hóa không quá tải trọng cho phép

Còn ông Nguyễn Duy Nở - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn: Đơn vị chúng tôi có 50 đầu xe và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vừa qua giá xăng dầu tăng nên cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí vận chuyển giá thành vật liệu đến tận công trình. Chúng tôi cũng cam kết không chở hàng vượt quá tải trọng cho phép khi tham gia giao thông.

“Tôi đề nghị đối với các chủ mỏ khai thác khoáng sản, doanh nghiệp cung cấp VLXD kiên quyết không cấp hàng quá kích thước, tải trọng quy định của phương tiện. Làm tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương nơi mình khai thác khoáng sản”, ông Nở nói.

Ông Mai Xuân Liêm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các lực lượng chức năng tập trung kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn

Ông Lê Chí Sơn - Phó giám đốc DN Xuân Hiếu cho rằng: Thời gian qua chúng tôi cũng tự ý thức việc chấp hành các quy định Luật giao thông đường bộ. Hiện nay, tại xã Tượng Sơn có nhiều mỏ đất hiện đang khai thác phục vụ cho dự án trọng điểm cao tốc Bắc - Nam; DA khu du lịch sinh thái suối nước nóng của Tập đoàn SunGroup…nên lượng phương tiện tăng đột biến gây áp lực lên hạ tầng giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

“Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như có ý kiến đối với các chủ đầu tư dự án nói trên để điều chỉnh hợp đồng cho phù hợp với thực tế giá thành nguyên vật liệu. Chúng tôi cũng cam kết sẽ chấp hành việc bốc xếp hàng hóa đúng tải trọng, kích thước thành thùng xe tại nguồn hàng”, ông Sơn cho hay.

Cũng tại hội nghị này, nhiều ý kiến của các Ban QLDA, Sở ngành địa phương, các doanh nghiệp nêu những khó khăn về giá thành VLXD, lắp đặt trạm cân kiểm soát trữ lượng… mong muốn có những chính sách phù hợp thực tế để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, chủ mỏ khoáng sản.

Đại tá Phan Thị Hường - Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa trực tiếp kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm chở quá tải, cơi nới thành thùng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Giải pháp nào kéo giảm TNGT, khống chế xe quá tải?

Phát biểu tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá cao công tác bảo đảm trật tự ATGT của tỉnh Thanh Hóa. Đây là địa phương đầu tiên của cả nước tổ chức tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp đang hoạt động vận tải để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất trong công tác kiểm soát tải trọng xe.

“Các lực lượng chức năng bám sát vào các quy định, trình tự kiểm soát tải trọng đối với các phương tiện vận tải đường bộ trên địa bàn. Tổng hợp các ý kiến của các doanh nghiệp liên quan đến điều chỉnh giá vật liệu báo các bộ, ngành liên quan ở Trung ương xem xét.

Cùng với đó, tổ chức thực hiện tốt chiến dịch cao điểm xử lý vi phạm về tải trọng, kích thước thùng hàng trên địa bàn tỉnh, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, tiếp tục triển khai đồng bộ công tác kiểm soát tải trọng trên toàn tỉnh”, Ông Hùng cho biết thêm.

Thượng tá Phạm Việt Công đưa ra một số giải pháp về kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Thượng tá Phạm Việt Công - Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng: Thanh Hóa là địa phương rộng và tình hình TTATGT phức tạp. Chỉ nhìn vào số liệu phương tiện đăng ký tăng cao là đủ thấy (tính đến tháng 6/2022, tổng số phương tiện là 137.663 xe ô tô, 2.145.481 xe mô tô và 114.381 xe máy điện). Từ đó dẫn tới các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, TNGT, ùn tắc giao thông…

Bộ Công an vừa qua cũng đã mở chiến dịch cao điểm trong 3 tháng, trong đó có chuyên đề kiểm soát tải trọng xe. Tôi tin rằng trong 3 tháng chúng ta sẽ làm được. Để tăng cường vai trò trong việc kiểm soát tải trọng phương tiện thì cần có sự tham gia ở cấp cơ sở trong việc giám sát doanh nghiệp. Chúng ta cũng phải phân công rõ trách nhiệm của lực TTGT, CSGT, Chủ doanh nghiệp, chủ mỏ khoáng sản, bến, bãi…

Tiếp thu những ý kiến tại Hội nghị, ông Mai Xuân Liêm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trong thời gian qua tình trạng TNGT liên quan đến xe tải trên địa bàn tỉnh chiếm tỉ lệ cao, gây đau thương, mất mát cho người dân. Ngay trong quý 3/2022, Sở Giao thông - Vận tải tổng rà soát hệ thống biển báo trên các cấp đường, trong đó tập trung các tuyến đường Quốc lộ, đường tỉnh và hoàn thành trước ngày 15/8 báo cáo Ban ATGT tỉnh".

Sau hội nghị này, Ban ATGT tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo cụ thể cho các ngành chức năng thực hiện các biện pháp kiểm soát ngay tại các cơ sở bốc xếp, nhà máy, xí nghiệp, các mỏ khoáng sản, cảng, nhưng trên tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Văn Phòng UBND tỉnh, Sở TN&MT tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh khi chấp thuận chủ trương mỏ khai thác khoáng sản phải có phương án kiểm soát tải trọng. Các lực lượng CSGT, TTGT thực hiện TTKS xử lý xe quá tải, cơi nới thành thùng và kiểm soát tình trạng xe tải gây ô nhiễm môi trường không phủ bạt che chắn, để rơi vãi hàng hóa, vật liệu trong quá trình di chuyển từ các điểm mỏ ra đường giao thông gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, tích cực hơn nữa công tác phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT, TTGT tập trung xử lý xe ô tô chở hàng hóa quá tải trọng, quá kích thước quy định lưu thông trên các tuyến đường do địa phương quản lý. Phải nắm chắc tình hình, kiểm soát tải trọng ngay tại điểm mỏ, chân hàng; không để tình trạng xe quá tải xuất phát từ các điểm mỏ, chân hàng gây bức xúc, nổi cộm.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cần tuyên truyền nâng cao ý thức cho các doanh nghiệp vận tải về bảo vệ môi trường, quét dọn sạch sẽ và dùng phương tiện tưới nước thường xuyên, liên tục, để đảm bảo không gây bụi bẩn ảnh hưởng đến đời sống nhân dân cũng như người đi đường.

Phúc Tuấn

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/thanh-hoa-doi-thoai-ve-tai-trong-xe-doanh-nghiep-hua-khong-vi-pham-qua-tai-d556701.html