Thanh Hóa: Dự án xử lý khẩn cấp đê tả sông Lạch Trường vừa làm đã nứt?

Người dân cho rằng chất lượng bê tông có vấn đề khi nhiều đoạn đê chống tràn xuất hiện bong chóc, nứt nẻ, nghiêng ngả, có nơi lộ mố sắt và đã được nhà thầu trám vá. Đáng lo hơn khi đây là dự án xử lý khẩn cấp tuyến tả sông Lạch Trường vừa được nghiệm thu trước mùa mưa bão năm nay chưa lâu.

Vừa nghiệm thu... đã nứt toác!

Theo phản ánh của người dân xã Hoằng Xuyên (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết: Dự án chống tràn tuyến tả sông Lạch Trường đoạn qua địa bàn xã này dù mới hoàn thành tháng 5/2018, song đến nay đã xuất hiện nhiều vết nứt, điểm trám vá nham nhở. Đáng lo hơn khi đây là dự án xử lý khẩn cấp sau đợt lũ lịch xử năm 2017.

Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Đỗ Hữu Tuấn (người dân thôn 10, xã Hoằng Xuyên) bức xúc cho biết: “Tôi có khu đồng tôm cả chục héc ta ở đây nên cũng được công ty này tạo điều kiện thuê trông coi vật liệu. Tôi biết rất rõ, họ làm rất ẩu, nhưng phận mình làm thuê nên tôi không dám phản ánh. Nay dự án vừa nghiệm thu chưa được bao lâu đã bắt đầu xuống cấp, bên cạnh đó chủ đầu tư, nhà thầu không giữ lời hứa nên tôi phải lên tiếng”.

Dẫn chúng tôi mục sở thị tuyến đê không thể chống đỡ trận lũ năm 2017, ông Tuấn còn nhớ như in hàng chục héc ta lúa, hoa màu cũng như nhà cửa người dân đã bị ảnh hưởng như thế nào sau trận lũ. Xét thấy mối nguy lâu dài, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận đưa tuyến đê vào danh mục “xử lý khẩn cấp” cùng với nhiều tuyến đê khác trên địa bàn tỉnh.

Tuyến đê nhanh chóng được chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thi công. Thế nhưng ông Tuấn và nhiều người dân vẫn hoài nghi: “Có phải dự án xử lý khẩn cấp là làm tạm vài năm rồi làm lại hay không? Mà nhà thầu làm rất ẩu, chất lượng công trình xuống cấp nhanh chóng?!”.

Tận tay chỉ dẫn chúng tôi nhiều vết nứt gãy từ phía trong, bên ngoài đê, ông Tuấn bảo: Không chỉ một vài điểm nứt nẻ mà lên tới vài chục điểm xuất hiện liên tiếp. Chưa kể, là thân đê kè chống tràn nhưng có nhiều điểm nghiêng ngả nứt tách với mặt đê? Nhiều đoạn tuyến chiều cao đê chống tràn đo chỉ tầm 40cm, tuy nhiên lại có những điểm cao đến 60cm?...

Chưa hết, hộ ông Tuấn cũng không khỏi bức xúc khi phía chủ đầu tư, nhà thầu thiếu trách nhiệm trong lập thiết kế thi công. Ông Tuấn phân trần: “Nhà tôi thầu của xã hơn 10 héc ta đồng tôm. Lúc trước khi triển khai dự án, nhà thầu hứa để lại cho một cái “nổ” (chỗ lên xuống đồng tôm sản xuất - pv). Tuy nhiên, sau khi nghiệm thu công trình, giờ họ lại bắt lấp lại. Nếu ảnh hưởng đến công trình thì tôi hoàn toàn chấp thuận, tuy nhiên nếu lấp thì đồng nghĩa với việc chặn không còn đường lên xuống đồng tôm, chặn luôn đường sống của gia đình tôi? Tôi thắc mắc tại sao khi làm dự án lại không đưa vào thiết kế để giờ bảo lấp là lấp?!”

Một số hộ dân khác làm đồng tại đây cũng chung bức xúc: “Dự án của tỉnh đầu tư, người dân chúng tôi rất cảm ơn. Làm xong tuyến đê chống tràn này lẽ dĩ chúng tôi được yên tâm sản xuất nhưng trái lại, thưa các cán bộ, với nhiều điểm nứt nẻ thế ni không khéo lũ đến chúng tôi lại lo hơn?!”

Sau khi được người dân dẫn chỉ và được “mục thị” tuyến đê với nhiều điểm nứt nẻ nham nhở, có điểm nứt nằm ngay bên cạnh điểm nối giữa các khối bê tông, chỗ cao, chỗ thấp, nhiều chỗ bong chóc, nhiều điểm trám vá lộ liễu... rõ ràng những phản ánh của người dân của xã Hoằng Xuyên về chất lượng công trình là hoàn toàn có cơ sở.

Nhà thầu bao biện, Chủ đầu tư “bận họp”

Để làm rõ vấn đề người dân phản ánh, phóng viên đem thắc mắc đến trao đổi với ông Lê Văn Ba – Chủ tịch UBND xã, tuy nhiên ông Ba chối từ nội dung khi cho rằng đây là dự án của tỉnh, nghe đâu họ giao cho phòng nông nghiệp huyện làm nên không liên quan đến xã?! “Họ làm dự án có thông qua mình đâu, họ cũng chẳng liên hệ gì... tôi không biết. Riêng trường hợp ảnh hưởng đến đồng nuôi tôm hộ ông Tuấn – là người dân địa phương tôi đã giải quyết xong xuôi?!”

Một lần nữa, phóng viên tìm gặp và trao đổi với ông Lê Huy Cường – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoằng Hóa. Ông Cường cũng cho biết, đây là dự án do Sở làm chủ đầu tư, nhà thầu là doanh nghiệp Tuấn Linh.

Qua nguồn tin tìm hiểu thêm, phóng viên được biết, đây là Dự án xử lý khẩn cấp chống tràn đê tả sông Lạch Trường do Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt Thanh Hóa là chủ đầu tư, nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Tuấn Linh (địa chỉ đóng tại xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa). Dự án được nghiệm thu hồi tháng 5/2018, với tổng đầu tư hơn 4 tỉ đồng.

Sau khi liên hệ, trực tiếp ông Hán Thành Tuấn – Giám đốc Công ty đã cùng phóng viên ra tuyến đê trên để kiểm tra. Tuy nhiên, trước những điểm nứt nẻ, biểu hiện của sự xuống cấp, ông Tuấn cho rằng đó là những điểm lún. Khi phóng viên hỏi ngược, điểm lún thì đồng nghĩa với việc vừa thi công xong đã nứt nẻ, bong chóc?! - Ông Tuấn không trả lời. Bên cạnh đó, việc tuyến đê chống tràn nhưng chỗ cao chỗ thấp, phóng viên muốn tiếp cận hồ sơ thiết kế thi công nhưng vị giám đốc này cũng vòng vo giải thích rồi khước từ với lý do “Các anh muốn tiếp cận hồ sơ thì xuống gặp chủ đầu tư!”

Để làm sáng rõ sự việc, một lần nữa phóng viên liên hệ với ông Đặng Tiến Dũng – Chi cục trưởng, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt Thanh Hóa. Ông Dũng khẳng định dự án là do Chi cục làm chủ đầu tư, và nhà thầu là Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Tuấn Linh nhưng từ chối trao đổi những nội dung người dân phản ánh liên quan đến xuống cấp công trình với lý do “bận họp”.

Báo TTTĐ sẽ tiếp tục thông tin.

NHÓM PV ĐIỀU TRA

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/thanh-hoa-du-an-xu-ly-khan-cap-de-ta-song-lach-truong-vua-lam-da-nut-d2055802.html