Thanh Hóa: Nâng tầm di tích núi và đền Đồng Cổ

Di tích lịch sử văn hóa núi và đền Đồng Cổ được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH,TT&DL) cấp bằng công nhận di tích cấp quốc gia năm 2001. Từ năm 2006 đến năm 2010, di tích được nghiên cứu và tu bổ quy mô lớn, tạo ra diện mạo khang trang bề thế, điểm tham quan ngắm cảnh khá thú vị của tỉnh Thanh. Tuy nhiên, giá trị của quần thể di tích danh thắng này vẫn cần có thêm những giải pháp để ngày càng phát lộ đậm nét, bền vững cùng với thời gian nhằm tạo ra chỗ đứng xứng tầm trong hệ thống di tích văn hóa của tỉnh Thanh Hóa.

Hoạt động lễ hội tại đền Đồng Cổ. (Ảnh: Hoa Mai)

Một địa chỉ mà đất trời đã tạo ra cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp, tiền nhân đã dày công tạo dựng nên một địa danh linh thiêng

Bên dòng sông Mã, tại thôn Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định có ba ngọn núi nhỏ tên là núi Xuân, núi Nghễ, núi Đổng. Ba ngọn núi có đường bao ngoài như một vòng tròn hình mặt trống đồng, tạo ra một thung lũng với hồ Vành Trăng đúng giữa tâm. Núi Xuân và núi Nghễ ở phía Bắc, núi Đổng ở phía Tây Nam để trống ra hướng Đông Nam thoáng đãng đón gió lành từ sông Mã tới. Thật kỳ thú. Trời đất đã tạo tác ra ba ngọn núi có hình tương tự ba vì sao nên người xưa đặt tên là Tam Thai. Núi Nghễ có động Trung Vân nối từ thung lũng ra sông Mã, núi Đổng có động Ích Minh đi vào từ thung lũng. Đây là hai động tự nhiên làm cho thung lũng vừa thoáng, đẹp và mát mẻ lại vừa có không gian nối kết sâu vào lòng núi và thông ra sông lớn. Ba ngọn núi, hai động bắt nguồn từ thung lũng có Hồ Vành Trăng, sông Mã uốn lượn ở sườn phía đông, không gian do trời đất tạo tác nhưng cứ như có một ông thầy phong thủy sắp xếp vậy. Trong chiến tranh chống Pháp, động Ích Minh được sử dụng làm nơi sản xuất vũ khí, sau đó lại đặt nhà máy phát điện Bình Giã để cung cấp điện phục vụ kháng chiến và dân sinh, động Trung Vân là nơi tập trung bộ đội nên còn có tên là động Tòng quân. Xưa kia, ở sườn đông núi Nghễ có bến Trường Châu. Thời ấy chưa có hệ thống đường bộ như ngày nay, người xưa chỉ dựa vào đường sông là chủ yếu, nơi đây là bến sông được các tao nhân, mặc khách dừng chân nghỉ ngơi khi di chuyển trên đường thiên lý Bắc - Nam, địa danh này còn có tên gọi là Bến Ngự.

Có lẽ xuất phát từ cảnh trí thiên nhiên kỳ thú nơi đây, các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng, thổi hồn, tạo ra một địa danh linh thiêng ở xứ Thanh kể từ hàng ngàn năm nay. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “phía tả có đền Thần, trong đền có một cái trống bằng đồng nặng chừng 100 cân... Tương truyền cái trống này chế từ thời Hùng Vương”. Những huyền tích, huyền thoại đều kể về các vị vua nhiều triều đại từ Hùng Vương, Tiền Lê, Lý, Hậu Lê khi đi đánh giặc đều được thần Trống Đồng phò giúp, sau khi thắng trận đều qua đền dâng hương bái tạ và cho dân trong vùng phụng thờ thần. Nhiều triều vua sau lại được thần phù trợ, che chở khi lũ lụt, thiên tai nên cũng bái tạ và sức cho dân được phụng thờ. Trống đồng ở Thanh Hóa được phát hiện ở rất nhiều nơi và trống đồng Đông Sơn là biểu tượng rực rỡ của nền văn minh Đại Việt. Có lẽ vì thế, thần Đồng Cổ là vị thần được nhiều triều đại tôn thờ, đến thời Lý Phật Mã - Lý Thái Tông, vị vua thứ hai triều Lý, đã cho dựng đền ở Thăng Long, thường xuyên phụng thờ theo nghi thức nhà nước. Liên tục qua các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn, việc tu bổ đền Đồng Cổ, thôn Đan Nê được thực hiện với những giải pháp và quy mô khác nhau, việc cầu đảo ở đền Đồng Cổ được tổ chức rất nhiều lần. Sau đó, các vua đều ban cho dân Đan Nê việc cúng tế Thần rất chu đáo.

Cần phải sớm có quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu di tích, danh thắng Núi và Đền Đồng Cổ

Năm 2006, tỉnh Thanh Hóa đã cho nghiên cứu, lập dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích và đến 2010 đã thực hiện được một số hạng mục như: tu bổ Nghi Môn, tu bổ quán Triều Thiên, phục dựng Tiền Điện và Hậu Điện. Những hạng mục này được gắn biển chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, Nghi Môn và Quán Triều Thiên là hạng mục bằng đá, Tiền Điện và Hậu Điện có kết cấu khung gỗ lợp ngói mũi hài. Vừa qua, chùa Thanh Nguyên trên núi Xuân cũng đã được phục dựng, trở thành điểm tâm linh. Có thể coi đây là giai đoạn một của dự án đầu tư. Nhiều hạng mục như Tả vu, Hữu vu, Nhà Bia, Phương Đình, Bến Trường Châu, Hồ Vành Trăng, động Ích Minh, động Trung Vân và một số hạng mục khác chưa được đầu tư. Các hạng mục này và nhiều hạng mục khác đang cần đầu tư càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, không gian toàn bộ khu vực núi và đền hiện có hơn 12ha, ba ngọn núi có vị trí độc đáo như vậy nhưng hệ thống cây xanh vẫn chưa được đầu tư đúng mức, nhiều cảnh trí tự nhiên vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” mà chưa có sự chăm chút đáng kể của con người. Cần phải nghiên cứu từ thổ nhưỡng và khí hậu để quy hoạch một số cây trồng phù hợp với cảnh trí Tam Thai cũng như phù hợp với các kiến trúc di tích. Kèm theo đó, cần phải quy hoạch hệ thống cấp nước và phòng cháy chữa cháy hợp lý. Bến Trường Châu xưa còn có chợ quê để phục vụ việc trao đổi hàng hóa ở tụ điểm dừng chân của khách và người địa phương, ngày nay chỉ là bãi đất trống cùng với trạm bơm tưới được xây dựng từ mấy chục năm nay. Cần phải tổ chức lại Bến Trường Châu gắn liền với tuyến du lịch dọc sông Mã và kết nối với bờ tả tại địa phận xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc. Trong phạm vi hơn 12ha của khu di tích có gần 6ha là núi đá. Quy mô đất đai như vậy là khá hẹp, chưa đủ để bố trí thêm những hạng mục phục vụ nhằm phát huy tốt hơn nữa giá trị của di tích.

Như phân tích trên đây, nhà nước cần sớm cho lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích, danh thắng Núi và đền Đồng Cổ. Qua đó làm rõ không gian danh thắng, không gian di tích cần bảo tồn, tôn tạo, không gian dịch vụ, phụ trợ và những khu vực liên quan khác. Hiện nay, địa phương đã giao đất xây dựng một tuyến dân cư dọc đường qua trước Nghi Môn đi Quý Lộc. Đây là một chỉ dấu của nhu cầu phát triển gần di tích, đòi hỏi cần phải sớm cho lập dự án cắm mốc giới hạn vành đai một và vành đai hai trên thực địa để quản lý ngay. Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích, danh thắng núi và đền Đồng Cổ cần phải tính đến những di tích hoặc cụm di tích lân cận như Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Di tích động Hồ Công (Vĩnh Ninh, Vĩnh Lộc), di tích đền thờ Hùng Vương thứ 11 (Yên Bái, Yên Định), dòng Mã giang và nhiều di tích danh thắng khác trong vùng.

Đền Đồng Cổ là đền thờ Thiên thần, ở đó có Quán Triều Thiên là nơi thần núi và thần sông chầu trời, có lẽ cũng rất ít nơi có những tổ hợp đền thờ thú vị như nơi đây. Tiếc rằng do chiến tranh loạn lạc và do những hiểu biết hạn chế của con người, các giá trị về tinh thần, những thần tích, bia ký, những hoạt động lễ hội của người dân bị mai một rất nhiều. Năm 2007, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đã cho nghiên cứu đề tài khoa học “Sưu tầm, khảo sát và phục dựng nghi lễ của đền Đồng Cổ”, đây là công việc rất ý nghĩa để phát huy giá trị di tích này. Trên cơ sở đó, nhà nước cần phải huy động mọi trí tuệ ở các tầng lớp trong xã hội, nhanh chóng phục dựng, bổ sung thêm những giá trị phi vật thể. Từ những giá trị ấy, hoàn thiện quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích, danh thắng núi và đền Đồng Cổ để chúng ta có một quy hoạch khoa học và đầy đủ, hấp dẫn và độc đáo.

Người dân địa phương phải được đặt đúng vị trí chủ thể bảo tồn và sáng tạo nhằm phát huy tối đa giá trị di tích

Khi bắt đầu nghiên cứu để lập dự án tu bổ khu di tích năm 2006 và triển khai các dự án khảo cổ học tiếp sau đó, chúng ta nhận thấy trên thực địa đã không còn nhiều vết tích công trình. Tiền Điện, Hậu Điện chỉ còn một ít viên gạch vồ trong lòng đất; chùa Thanh Nguyên đã bị xóa sổ; Hồ Vành trăng đã chia thành các ao nuôi cá và bị đào bới tùy tiện; động Trung Vân đã bị bùn lấp gần hết; động Ích Minh còn trơ lại nền móng công trình cùng với các dấu vết bom đạn Pháp; bến Trường Châu và chợ quê không thể hình dung được mà thêm vào đó là trạm bơm nước sông Mã, gần sát Nghi Môn có một số nhà dân xây dựng từ nhiều năm nay...

Nhìn lại quá trình bảo quản các giá trị vật thể và phi vật thể ở khu di tích này trong thời gian qua, chúng ta không khỏi không ưu tư về những gì còn sót lại trên thực địa. Một vùng đất luôn tự hào về truyền thống chế tác trống đồng trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, có trống đồng Đông Sơn trở thành biểu tượng rực rỡ của nền văn minh Đại Việt, càng phải sớm để Khu di tích danh thắng núi và đền Đồng Cổ được phục dựng trọn vẹn cả vật thể và phi vật thể, mang lại vẻ linh thiêng như vốn dĩ nó đã có từ thời Hùng Vương. Thanh Hóa cần làm tốt công tác tuyên truyền về những giá trị của di tích, làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của người dân địa phương trong việc chăm lo cho di tích. Để những hiểu biết, những cảm nhận về vẻ đẹp của di tích danh thắng được truyền bá rộng rãi, để sự linh thiêng của quần thể di tích này được phục hồi bền vững, những người dân thôn Đan Nê và xã Yên Thọ nói riêng, người dân ở quanh vùng di tích của Yên Định, kể cả Vĩnh Lộc nói chung phải được đặt đúng vị trí chủ thể bảo tồn và sáng tạo. Chính họ phải cảm nhận về vẻ đẹp của di tích trước, chủ động tham gia phục hồi giá trị vật thể và phi vật thể trước, từ đó làm cho di tích ngày càng hấp dẫn du khách muôn phương. Những giá trị tinh thần của di tích do những người dân sở tại lưu giữ, sáng tạo sẽ luôn có giá trị bền vững và hiện thực.

Khu di tích, danh thắng núi và đền Đồng Cổ tại làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định là một trong những biểu hiện cụ thể nhất của lịch sử về sự phát triển của nền văn minh Đại Việt từ thời Hùng Vương. Nếu chúng ta tập trung trí tuệ và nhiều nguồn lực trong xã hội, nhất định sẽ có một quần thể di tích danh thắng đẹp, xứng danh là một địa chỉ văn hóa quan trọng đóng góp vào mục tiêu phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

KTS Lê Hồng Cẩm

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-nang-tam-di-tich-nui-va-den-dong-co-81518