Thanh Hóa: Nghề thủ công truyền thống của người Dao

Làm giấy và nấu cao chàm là hai trong số những nghề thủ công nghiệp nổi tiếng, tạo nên 'thương hiệu' của người Dao Thanh Hóa, những hoạt động này ngày càng có dấu hiệu mai một và không loại trừ khả năng sẽ biến mất khỏi đời sống người Dao trong tương lai không xa.

Đồng bào Dao Thanh Hóa luôn giữ được nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Tỉnh Thanh Hóa có sự hiện diện của 2 nhóm/ ngành người Dao là Dao Đỏ và Dao Quần Chẹt tụ cư ở vùng đồi núi thấp xứ Thanh, còn nhóm Dao Đỏ sống biệt lập trên những đỉnh núi cao ngất với tổng dân cư khoảng hơn 7.300 người (số liệu năm 1997). Trong đó người Dao Quần Chẹt có 6.700 người tụ cư thành 7 làng thuộc huyện Cẩm Thủy (Phú Sơn, Sơn Lập, Bình Yên, Bình Sơn, Ngọc Sơn, Thạch An, Làng Ơi - còn gọi là làng Ghép) và 3 làng thuộc huyện Mường Lát gồm 3 chòm: Pù Quăn-xã Pù Nhi (266 người); Suổi Tuốt (82 người) và Con Dao (286 người) đều thuộc xã Quang Chiểu.

Cũng như nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác, người Dao không có ý thức phát triển nghề thủ công. Do địa bàn cư trú biệt lập, khó khăn trong giao lưu, trao đổi hàng hóa với các tộc người khác nên các nghề thủ công làm giấy, nấu cao chàm... chỉ đơn thuần là phục vụ cuộc sống hàng ngày, không mang tính chất sản xuất hàng hóa. Về sau, do nhu cầu cuộc sống và sự phát triển của kinh tế hàng hóa, các công việc này được phát triển thành nghề. Sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ trong cộng đồng mà còn hiện diện trong đời sống các dân tộc cận cư khác.

Nghề làm giấy: Giấy đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của người Dao. Vật dụng này không chỉ dùng để viết chữ, gói đồ mà còn được dùng trong các hoạt động tâm linh như viết sớ, bôi màu lên giấy làm “tiền âm” đốt cho người đã khuất.

Nguyên liệu chính để làm giấy là các cây tre, nứa còn non. Sau khi chặt về, người ta tiến hành chặt nhỏ, rửa sạch, loại bỏ mấu và ngâm trong nước vôi khoảng một tuần lễ để khử mùi. Sau khi ngâm xong, các đoạn tre, nứa được đun liên tục nhiều tiếng đồng hồ trong nước vôi trong rồi bỏ vào cối, giã thành bột. Bột tre, nứa được trộn với một loại nhựa cây rừng cùng nước lã. Tiếp đến, người ta căng những tấm vải nhiều kích cỡ. Để tạo độ căng tuyệt đối cho tấm vải, giúp giấy làm ra không bị nhăn, nhàu, người Dao sử dụng 4 thanh gỗ đóng thành khung, ghì chặt mảnh vải ở bốn cạnh.

Bột tre, nứa giã mịn sau khi trộn đều với nước lã, nước lá rừng sẽ được phết lên bề mặt vải. Đây là công đoạn rất công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ phải thật đều tay để tấm giấy có độ dày, mỏng đều nhau. Sau khi phết bột, người Dao sử dụng cật nứa để “là” cho thật phẳng, phơi trong vài giờ đồng hồ. Khi nào tờ giấy khô thì trở mặt sau phơi tiếp rồi đưa vào sử dụng. Do công việc làm giấy khá cầu kì, mất nhiều thời gian chế tác nên người Dao rất hạn chế sử dụng sản phẩm cho các nhu cầu khác.

Nghề nấu cao chàm: Trên địa bàn cư trú của người Dao, chàm là loại cây mọc hoang ở các thung lũng ẩm ướt, các núi đá. Chàm được trồng lấy cành, lá để nhuộm màu xanh chàm.

Nét thú vị đối với nghề nấu cao chàm là người Dao không trồng bông, dệt vải (mặt hàng này thường được trao đổi với các dân tộc cận cư) nhưng lại rất thạo việc nhuộm chàm. Nguyên liệu để nấu cao chàm là thân cây chàm từ 3 đến 5 tháng tuổi. Cây chàm chặt về được ngâm trong nước lạnh khoảng một tuần lễ, thân và lá chàm vữa ra, hòa với nước thành màu chàm đặc trưng. Sau khi lọc hết bã chàm, người Dao hòa một ít vôi vào chảo nước chàm, khuấy đều để vôi tan, khi nước chuyển sang màu tím than thì dừng lại, để vài ngày lắng hết cặn vôi rồi gạn lấy phần nước phía trên. Đây chính là cao chàm.

Cao chàm có thể cất giữ trong thời gian rất dài mà không hư hỏng hay biến màu. Thông thường, mỗi lần làm cao chàm, người Dao thường nấu với số lượng lớn, dùng nhuộm vải dần. Tùy theo số vải cần nhuộm cũng như màu sắc (đậm hay nhạt), người Dao biết lượng cao chàm thế nào là phù hợp. Để giữ màu, người Dao còn sử dụng một loại củ rừng giã nát, đun trong chảo nước rồi ngâm tấm vải đã nhuộm trong khoảng vài giờ. Vải sẽ có màu xanh chàm rất đẹp mắt và gần như không có biểu hiện phai màu trong quá trình sử dụng.

Ngày nay, song song với sự phát triển của kinh tế hàng hóa, người Dao đã mua giấy, vải vóc tại chợ huyện. Do đó, nghề thủ công ngày càng có dấu hiệu mai một. Nếu không có giải pháp kịp thời để bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả, không loại trừ khả năng hoạt động thủ công nghiệp truyền thống của người Dao sẽ chỉ còn trong trí nhớ của những người cao tuổi.

Trần Thị Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-nghe-thu-cong-truyen-thong-cua-nguoi-dao-75403