Thanh Hóa: Người dân bức xúc vụ không cấp phép xây dựng vì chủ trương 'chỉnh' quy hoạch công viên biển

Gần 100 hộ dân và các tổ chức kinh doanh tại phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa ký đơn, bức xúc trước câu chuyện quy hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa. Các cơ quan hữu trách tỉnh Thanh Hóa đã dừng cấp phép xây dựng cho các công trình, dự án vì lý do quy hoạch. Điều tra của phóng viên cho thấy có dấu hiệu lợi ích nhóm trong vụ việc này.

Bỏ nghìn tỉ đầu tư kinh doanh theo quy hoạch

Trong đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan báo chí, các hộ dân và các tổ chức kinh doanh tại phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa bức xúc cho biết họ đang là nạn nhân trong câu chuyện quy hoạch của tỉnh nhà.

Các khách sạn quy mô đã được đầu tư đúng quy hoạch đã duyệt, được cấp giấy phép xây dựng trên mặt đường Hồ Xuân Hương, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. (ảnh: HC)

Các khách sạn quy mô đã được đầu tư đúng quy hoạch đã duyệt, được cấp giấy phép xây dựng trên mặt đường Hồ Xuân Hương, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. (ảnh: HC)

Tiếp xúc với phóng viên, người dân ở đây cho biết, trong năm 2011, nhiều người dân, doanh nghiệp có đất và đầu tư tại khu vực đường Hồ Xuân Hương, phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn không được cấp phép xây dựng nhà ở, khách sạn do quy hoạch không cho làm nên gặp nhiều khó khăn về kinh tế và đầu tư.

Đến cuối tháng 12/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định số 4638/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu vực đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn.

Tiếp đó, ngày 18/12/2015 ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định số 5340/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu Quảng trường biển, phố đi bộ thị xã Sầm Sơn.

Người dân tại phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn bức xúc trao đổi vụ việc liên quan đến câu chuyện quy hoạch của chính quyền tỉnh Thanh Hóa, có đất mà không thể xây dựng vì quy hoạch. (ảnh: HC)

Từ đó, người dân và các tổ chức doanh nghiệp nằm ngoài quy hoạch khu quản trường biển yên tâm đầu tư xây dựng hạ tầng, đầu tư hàng nghìn tỉ đồng xây dựng hệ thống khách sạn theo quy hoạch để kinh doanh.

Theo quan sát của phóng viên thì dọc đường Hồ Xuân Hương từ tượng đài Nguyễn Thị Lợi xuống khách sạn Vũ Phong 1 (đầu đường Hai Bà Trưng) - địa bàn phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn đã được người dân và các tổ chức doanh nghiệp đầu tư hệ thống khách sạn cao tầng gồm: KS Vũ Phong 1 (11 tầng), KS Rubi (12 tầng), KS Sơn Trang 1 (10 tầng), KS Cát Đại Lợi (10 tầng), KS Long Thành 1 (10 tầng), KS Thanh Bình Gold (15 tầng), KS Tiền Châu (7 tầng)…

Tất cả các khách sạn này đều phù hợp với quy hoạch đã phê duyệt và được cấp phép xây dựng với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng.

Quy hoạch chưa ráo mực đã tính thay đổi

Được biết ngân sách tỉnh Thanh Hóa phải chi gần chục tỉ đồng cho Quy hoạch chung đô thị Sầm Sơn đến năm 2035, có tầm nhìn đến năm 2050.

Không chỉ phê duyệt các quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực đường Hồ Xuân Hương, tỉnh Thanh Hóa đã thuê đơn vị có uy tín của Hàn Quốc lập quy hoạch chung với số tiền hàng tỉ đồng.

Theo người dân phản ánh nếu quy hoạch mở rộng Công viên biển thực thi thì những công trình nghìn tỉ, hợp pháp này sẽ bị thổi bay. Ai, đơn vị nào sẽ được hưởng lợi từ câu chuyện này? (ảnh: HC)

Sau khi quy hoạch chung được đơn vị có uy tín, chuyên nghiệp của Hàn Quốc lập, ngày 17/7/2017, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định số 2525/QĐ-UBND quyết định Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040.

Quyết định này của UBND tỉnh Thanh Hóa rất chi tiết, rõ ràng đến từng khu đất và có tầm nhìn đến năm 2040. Theo bản đồ quy hoạch này thì lô 01 mặt đường Hồ Xuân Hương là quảng trường biển, mật độ xây dựng 0 - 5%, diện tích 3 ha, lô 20, 21, 22, 23, 28…. Được quy hoạch là khách sạn dịch vụ.

Những quy hoạch đã được phê duyệt là căn cứ pháp lý để người dân, tổ chức doanh nghiệp yên tâm đầu tư xây dựng những khách sạn nghìn tỉ theo đúng quy định của pháp luật, được cấp phép xây dựng phù hợp với những quy hoạch này của chính UBND tỉnh Thanh Hóa.

Quá trình điều tra, tìm hiểu vụ việc, phóng viên đã nắm trong tay hàng loạt Giấy phép xây dựng hợp pháp được Sở Xây dựng Thanh Hóa cấp cho các công trình xây dựng này.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên vấn đề khiến hàng trăm người dân, các doanh nghiệp đang hết sức bức xúc là việc thời gian gần đây cơ quan hữu trách tỉnh Thanh Hóa không cấp phép xây dựng các công trình phù hợp với quy hoạch hiện hành và đang có hiệu lực pháp luật.

Đơn cử như trong văn bản số 3699 ngày 10/11/2017 của UBND TP. Sầm Sơn (ông Lê Ngọc Chiến- Chủ tịch thành phố ký) gửi ông Bùi Xuân Thủy và bà Lê Thị Thủy trả lời về đề nghị cấp Giấy phép quy hoạch dự án thì: Sở Xây dựng Thanh Hóa đề nghị UBND TP. Sầm Sơn không cấp giấy phép quy hoạch; Giấy phép xây dựng cho các dự án, công trình thuộc quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu vực quảng trường biển, phố đi bộ TP. Sầm Sơn. Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, nhiều công trình, dự án khác của người dân tại khu vực này cũng lâm tình cảnh tương tự là… đúng quy hoạch nhưng bị treo.

Quá trình điều tra vụ việc của phóng viên cho thấy, quyết định số 2525/QĐ-UBND quyết định Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 do ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký vào ngày 17/7/2017 đến nay vẫn nguyên giá trị pháp luật.

Nhưng quyết định phê duyệt quy hoạch chung này chưa ráo mực thì cũng chính Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (ngày 18/8/2017) lạị chấp thuận chủ trương lập quy hoạch mới có ảnh hưởng đến Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu vực Quảng trường biển, phố đi bộ TP. Sầm Sơn.

Từ đó các cơ quan hữu trách dưới quyền từ chối cấp giấy phép quy hoạch, giấy phép xây dựng cho người dân, các tổ chức doanh nghiệp được tiến hành xây dựng công trình tuân theo các quy hoạch đã được phê duyệt trước đó.

Trao đổi với phóng viên người dân tại phường Trung Sơn bức xúc cho biết, theo dự kiến thì khu vực Quảng trường biển đã thể hiện rõ trong quy hoạch chung ngày 17/7/2017 sẽ mở rộng và lấy hết từ tượng đài Nguyễn Thị Lợi xuống khách sạn Vũ Phong 1 dọc theo đường Hồ Xuân Hương. Như vậy các công trình xây dựng hàng nghìn tỉ đồng phù hợp với quy hoạch trước đó có nguy cơ bị san phẳng để làm công viên biển. Nếu có sự thay đổi này thì ai được hưởng lợi, nghìn tỉ đền bù cho các công trình xây dựng ai phải chịu trách nhiệm?

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, tiến sỹ, luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư TP. Hà Nội khẳng định: “Quy hoạch chung do UBND tỉnh Thanh Hóa ký ngày 17/7/2017 có tầm nhìn đến năm 2040 đến nay đang có hiệu lực, chưa có văn bản nào thay thế thì nó phải được tôn trọng, tuân thủ.

Mới dừng lại ở chủ trương nhưng cơ quan hữu trách tỉnh Thanh Hóa từ chối cấp giấy phép xây dựng, giấy phép quy hoạch là trái quy định của pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, hoạt động kinh doanh và kế hoạch đầu tư của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Trong vụ việc này rõ ràng có dấu hiệu của lợi ích nhóm, có đối tượng được hưởng lợi cần được các cơ quan liên quan kiểm tra làm rõ.”

Hà Châu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thanh-hoa-nguoi-dan-buc-xuc-vu-khong-cap-phep-xay-dung-vi-chu-truong-chinh-quy-hoach-cong-vien-bien-20171124134859514.htm