Thiếu quy định về xử lý tội phạm và thu hồi tài sản tham nhũng

Thiếu hướng dẫn quy định xử lý liên quan đến tham nhũng, lĩnh vực quản lý đất đai, tạo kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát NSNN…

Là một trong những bất cập, tồn tại được Quốc hội chỉ ra qua Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021 của Quốc hội.

Quy định về xử lý tội tham nhũng, thu hồi tài sản còn thiếu

Báo cáo chỉ ra, Luật THTK,CLP năm 2013 chưa đảm bảo đồng bộ với một số Luật chuyên ngành liên quan. Chưa quy định cụ thể tiêu chí đánh giá việc THTK,CLP trong các lĩnh vực.

Những tồn tại, hạn chế, bất cập trong tham mưu, ban hành chính sách, pháp luật về THTK, CLP và liên quan đến THTK, CLP đã ảnh hưởng rất lớn trong công tác THTK, CLP trong giai đoạn vừa qua, tạo nên những điểm nghẽn, gây lãng phí, thất thoát rất lớn các nguồn lực của quốc gia và toàn xã hội.

Đáng chú ý là việc, nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn của các cơ quan chức năng liên quan công tác điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng còn thiếu, chưa đồng bộ, không thống nhất, dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau.

Điển hình như, BLHS 2015 quy định 07 hành vi phạm tội tham nhũng, trong khi Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định 12 hành vi tham nhũng. Vậy nên 5 hành vi còn lại của Luật PCTN còn thiếu chế tài để xử lý, gây khó khăn và kẽ hở trong quá trình vận dụng vào thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử.

Một số quy định còn nhiều bất cập, chưa cụ thể, rõ ràng nên gây khó khăn trong việc áp dụng, như các quy định liên quan đến quy định về công tác kê biên, phong tỏa tài khoản, gây khó khăn cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Những thiếu khuyết đó dẫn đến việc kê biên, phong tỏa không kịp thời, các đối tượng có thời gian để tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho công tác thu hồi thiệt hại cho Nhà nước.

Quy định về xử lý vật chứng còn bất cập, gây lãng phí thất thoát, như tiêu hủy vật chứng vẫn có giá trị sử dụng trong thực tế đồng thời phát sinh chi phí rất lớn cho việc tiêu hủy. Dẫn đến, có những vật chứng nếu không được xử lý ngay tại giai đoạn điều tra mà để đến khi Tòa xử mới ra quyết định xử lý vật chứng thì giá trị hàng hóa bị sụt giảm nghiêm trọng, gây thất thoát, lãng phí rất lớn cho Nhà nước .

Đặc biệt, chưa có hướng dẫn cụ thể về tình tiết định khung “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” đối với Tội tham ô tài sản và Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, dẫn đến việc đánh giá, áp dụng quy định này không thống nhất.

Bất cập về quản lý, sử dụng đất đai, gây lãng phí

Quản lý, sử dụng đất đai là nội dung rất quan trọng và cũng là lĩnh vực phức tạp, nhiều khiếu kiện nhất hiện nay. Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra rất nhiều bất cập, vướng mắc, thiếu sót trong các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.

Giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Nhiều nội dung quy định chưa đầy đủ, còn bất cập, tạo kẽ hở để các tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi gây lãng phí, tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất.

Cụ thể: Các hạn chế, vướng mắc về quy định pháp luật trong xác định giá đất, việc xác định giá không phù hợp giá thị trường, gây thất thu NSNN; Pháp luật về đất đai chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất mà chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất;

Quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể. Các quy định này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong việc xác định giá đất không sát giá thị trường là kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát NSNN khi chuyển quyền sử dụng đất từ DNNN sang tư nhân thông qua cổ phần hóa, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất mà không phải đấu giá,...;

Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc trong thực hiện chính sách tiền thuê đất; Quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện giao đất để thực hiện dự án không hợp lý, không cụ thể dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án; Việc thực hiện chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong ưu đãi đầu tư còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng ; mua, bán tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm chưa rõ, thiếu hướng dẫn cụ thể;…... dẫn đến tranh chấp khiếu kiện, thất thoát nguồn thu NSNN và lãng phí trong quản lý sử dụng đất đai.

Từ thực tế đó, Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị, tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP. Xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác THTK, CLP.

Mai Thoa

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/thieu-quy-dinh-ve-xu-ly-toi-pham-va-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-217764.html