Thanh Hóa nhiều giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng

Thanh Hóa là tỉnh có số lượng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) lớn với 1.727 tổ chức cơ sở đảng (635 đảng bộ xã, phường, thị trấn; 417 đảng bộ cơ sở và 675 chi bộ cơ sở), với 222.608 đảng viên. Nhiều năm qua, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng. Trong đó, đăc biệt chú trọng đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát triển đảng, nâng cao chất lượng sinhh hoạt chi bộ và tăng cường quản lý đảng viên.

Cán bộ huyện Mường Lát gặp gỡ, trao đổi với đảng viên và người dân xã Tam Chung.

Cán bộ huyện Mường Lát gặp gỡ, trao đổi với đảng viên và người dân xã Tam Chung.

Đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng

Trong những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Thường xuyên sơ kết, tổng kết lý luận, nhân rộng mô hình mới, cách làm hay từ cơ sở. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phát huy sức mạnh của các cơ quan báo chí gắn với hoạt động của hệ thống tuyên giáo các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Hằng năm, toàn tỉnh mở hơn 500 lớp chuyên đề cập nhật kiến thức mới cho hơn 60.000 lượt cán bộ, đảng viên cơ sở (nhiều đơn vị cấp huyện mời các chuyên gia cao cấp của Trung ương về giới thiệu); tổng kết hơn 50 mô hình mới, cách làm hay trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh từ cơ sở.

Công tác nắm bắt dư luận xã hội, dự báo tình hình và định hướng tư tưởng được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể coi trọng. Đội ngũ cộng tác viên các cấp được củng cố, kiện toàn (toàn tỉnh có 485 cộng tác viên, trong đó cấp tỉnh 35, cấp huyện 450), chế độ, kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, điều tra, nắm bắt tình hình dự luận xã hội trên địa bàn tỉnh được bảo đảm. Hằng tháng, ban tuyên giáo cấp ủy các cấp tổ chức giao ban công tác tư tưởng, giao ban báo chí, giao ban khoa giáo để nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội; trên cơ sở đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm ngay từ cơ sở.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập lý luận chính trị. Chương trình, phương pháp giảng dạy đã bám sát đối tượng người học, phù hợp với thực tiễn; công tác quản lý đào tạo, quản lý học viên được xiết chặt; chất lượng dạy và học lý luận chính trị từng bước được nâng cao. Sau đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, đảng viên đã vận dụng kiến thức vào thực tiễn công tác, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc được giao. Hiện nay có trên 95% đội ngũ giảng viên các cấp đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; 26/27 trung tâm bồi dưỡng lý luận chính trị có trụ sở khang trang; 17/27 Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn cấp tỉnh giai đoạn 2009 - 2015.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020, ngày 21-7-2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đã đề ra. Qua đó, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt để tạo sức lan tỏa, với phương châm "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu", "lấy cái tích cực, đẩy lùi cái tiêu cực".

Tập trung chỉ đạo củng cố, phát triển đảng viên những nơi yếu

Công tác phát triển đảng viên luôn được các cấp ủy, tổ chức đảng xác định là nhiệm vụ thường xuyên, có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng đảng, nhằm tăng cường lực lượng, trẻ hóa đội ngũ đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Hằng năm, các cấp ủy đảng đều xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới cho từng chi bộ, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và là tiêu chí đánh giá, xếp loại cuối năm.

Để tăng cường chỉ đạo việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở yếu kém, nơi khăn, ngày 20-10-2010 Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận 50-KL/TU về phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, đến nay công tác phát triển đảng viên và xóa “ghép chi bộ” ở thôn, bản, tổ dân phố đã có những chuyển biến tích cực. Đối với những địa bàn khó phát triển đảng viên, xóa chi bộ sinh hoạt ghép, cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm công tác phát triển đảng viên, củng cố chi bộ, đào tạo, sử dụng cán bộ cơ sở, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân cư làm trung tâm đoàn kết. Đến tháng 3-2014 toàn tỉnh đã xóa hoàn toàn số thôn, bản “trắng đảng viên” và "ghép chi bộ”.

Tuy nhiên, việc xóa “trắng đảng viên” và xóa “ghép chi bộ” ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh chưa thật sự bền vững, gần đây đã có tình trạng tái “trắng đảng viên” và “ghép chi bộ” ở một số nơi. Nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 15-5-2018, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Công văn số 854-CV/TU về việc tiếp tục chỉ đạo, hoàn thành việc xóa “trắng đảng viên” và xóa “ghép chi bộ” ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, BTV Tỉnh ủy yêu cầu BTV các huyện, thị, thành ủy tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, tổ chức đảng về công tác phát triển đảng viên; sớm chỉ đạo có các giải pháp thành lập các chi bộ ở thôn, tổ dân phố đang có chi bộ sinh hoạt ghép hoặc chưa có đảng viên, nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tập trung củng cố, xây dựng chi bộ và kết nạp đảng viên ở thôn, tổ dân phố có chi bộ sinh hoạt ghép, có ít hoặc chưa có đảng viên.

Bên cạnh đó là thực hiện nhiều giải pháp trong tạo nguồn, phát triển các phong trào thi đua trong các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và trong các tầng lớp nhân dân nên trong 10 năm (2008- 2018) toàn tỉnh đã lựa chọn, giới thiệu được 69.107 quần chúng ưu tú tham gia học lớp nhận thức về Đảng, qua đó kết nạp được 64.752 đảng viên mới; chuyển đảng chính thức cho 57.130 đảng viên dự bị; nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh hiện nay lên 222.608 đảng viên, tăng 23,44% so với năm 2008.

Công tác kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện vào Đảng theo Quy định số 15-QĐ/TW ngày 28-8-2006 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X và Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW ngày 30-1-2013 của Ban Tổ chức Trung ương; Kế hoạch số 85-KH/TU, ngày 2-5-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được các cấp ủy đảng quan tâm. Từ 2010 đến nay, toàn tỉnh kết nạp được 131 đảng viên là người quản lý, chủ doanh nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 119 đảng viên là chủ doanh nghiệp.

Để tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại 53 bản đồng bào Mông, ngày 3-8-2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 39-KL/TU, phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh giúp đỡ các bản đồng bào Mông. Sau hơn 1 năm thực hiện, các đơn vị đã giúp các bản đồng bào Mông xóa nhà tranh tre tạm bợ, dột nát; đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, ổn định đời sống cho nhân dân. Xây dựng kế hoạch đưa đảng viên là bộ đội biên phòng, công an, bộ đội địa phương, cán bộ huyện, xã về củng cố, kiện toàn, thành lập các chi bộ đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội tại các bản đồng bào Mông, bồi dưỡng quần chúng để kết nạp vào Đảng. Chăm lo xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ là con em đồng bào Mông. Sửa đổi ban hành chế độ, chính sách đối với cán bộ thôn, bản và chế độ, chính sách đặc thù, dành riêng cho các đối tượng là già làng, trưởng bản ở 15 xã biên giới của tỉnh.

Tại Đảng bộ phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, do số đông đảng viên làm nghề đánh bắt, thu mua hải sản trên biển dài ngày; do đó, để tạo điều kiện cho đảng viên yên tâm bám biển, tham gia bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; năm 2014, Ban Thường vụ Thị ủy (nay là Thành ủy) đã chỉ đạo Đảng ủy phường Quảng Tiến thành lập Chi bộ Khai thác Thủy sản. Hiện nay, chi bộ có 7 đảng viên trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động Câu lạc bộ ngư dân trẻ của phường. Sự ra đời của loại hình chi bộ này đã kịp thời phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đến với đảng viên, tạo môi trường thuận lợi cho hội viên Câu lạc bộ ngư dân trẻ phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ khi thành lập đến nay, chi bộ đã phát triển thêm được 2 đảng viên. Trong thời gian tới, Thành ủy thành phố Sầm Sơn tiến hành đánh giá tổng kết, nhân rộng mô hình đối với các thôn, tổ dân phố thuộc các xã, phường ven biển có số đông đảng viên làm nghề đánh bắt, thu mua hải sản trên biên dài ngày.

Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Căn cứ Kết luận số 18-KL/TW ngày 22-9-2017 của Ban Bí thư Trung ương khóa XII tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ" trong tình hình mới; ngày 27-11-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 66-KH/TU để tổ chức thực hiện, theo đó, việc sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ tiếp tục được đổi mới, đi vào nền nếp, mở rộng và phát huy dân chủ, tạo không khí cởi mở, chân thành để đảng viên phát huy vai trò, trí tuệ, được trao đổi, thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đảng viên.

Trong sinh hoạt định kỳ, các chi bộ đã đưa nội dung tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; rà soát cam kết tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, cấp ủy, chi bộ đã tổ chức sinh hoạt chính trị, tham quan, giáo dục truyền thống..., qua đó đã khắc phục được tính hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt chi bộ, ngày 1-7-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1051-QĐ/TU quy định cấp ủy viên cấp trên dự sinh hoạt với chi bộ và đã trở thành nền nếp, qua đó các đồng chí cấp ủy viên cấp trên được lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; thông tin với chi bộ những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; những vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ của chi bộ nơi cư trú và chi bộ được phân công phụ trách. Đồng thời kiểm tra, phát hiện, cho ý kiến giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nổi cộm ở cơ sở. Mỗi năm, đã có hàng nghìn lượt cấp ủy viên các cấp về dự sinh hoạt chi bộ.

Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, quản lý đảng viên

Hằng năm, các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát. Từ năm 2008 đến nay, cấp tỉnh đã tổ chức hơn 45 cuộc, cấp huyện hơn 1.530 cuộc, cấp cơ sở hơn 46.629 cuộc kiểm tra, giám sát. Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện và kịp thời xử lý những tập thể, cá nhân có sai phạm trong quản lý tài nguyên, đất đai, kinh tế, tài chính, công tác cán bộ, thực hiện các nguyên tắc sinh hoạt đảng.... Từ 2008 đến nay, đã phát hiện và xử lý 154 tập thể và 6.601 cá nhân vi phạm, trong đó: cấp ủy viên các cấp (từ tỉnh đến chi ủy viên) là 3.701 đồng chí; khiển trách 3.495, cảnh cáo 2.053, cách chức 352, khai trừ đảng 701.

Cùng với công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, trong những năm qua, các cấp ủy đã phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị- xã hội trong việc vận động nhân dân giám sát giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Lê Việt

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/dai-hoi-dang/2018/12050/thanh-hoa-nhieu-giai-phap-cung-co-va-nang-cao-chat-luong.aspx